Thời gian gần đây, số vụ lừa đảo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tăng mạnh và ngày càng tinh vi. Nhằm phát triển thị trường cho vay tiêu dùng lành mạnh, VietCredit luôn phối hợp cùng các cơ quan chức năng quyết liệt phòng chống tội phạm, gian lận.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, cơ quan chức năng đã liệt kê một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi như: lợi dụng sự chủ quan của người dân, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin, làm giả giấy tờ CMND, hộ khẩu, bằng lái xe,…đăng ký vay với tổ chức tín dụng; thay đổi hình ảnh trên giấy tờ tùy thân, mạo danh người khác để đi vay, chiếm đoạt tài sản của công ty tài chính; lừa đảo chiếm giữ thẻ, sim điện thoại của khách hàng, thực hiện giao dịch gian lận;…
Cơ quan chức năng cũng cảnh báo một dạng hành vi phạm tội khác gần đây xảy ra trên thị trường, đó là từ cán bộ nhân viên của một số công ty đã lợi dụng chức vụ, cố tình làm sai quy định của tổ chức, làm giả hồ sơ của khách hàng để chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân,…
Các thủ đoạn nói trên đã khiến không ít người dân rơi vào cảnh “ngỡ ngàng” khi nhận được thông báo thanh toán khoản vay hoặc bị nợ xấu trong khi chưa từng vay vốn, gây nên những hiểu lầm đối với các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch.
Đại diện VietCredit chia sẻ: “Khi rơi vào trường hợp này, người dân bị kẻ gian lừa đảo gây ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm, còn các công ty tài chính không chỉ bị tổn thất nghiêm trọng về thương hiệu mà còn bị thất thoát tài sản.”.
Kiên quyết đấu tranh chống tội phạm lừa đảo
Để hạn chế và ngăn chặn tội phạm lừa đảo, VietCredit luôn tích cực và chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, là cơ sở để xác minh, triệt phá thành công các đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Gần đây nhất, vào ngày 20/05/2021, VietCredit đã phối hợp Công an Phường Quyết Thắng, Công an Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai tổ chức bắt quả tang 2 đối tượng đang sử dụng giấy tờ tùy thân giả để làm hợp đồng mở thẻ vay. Các đối tượng đã được giao cho cơ quan Công an tạm giữ điều tra, làm rõ hành vi phạm tội. Tương tự, trước đó, cuối năm 2020, VietCredit cũng phối hợp với Công an TP Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên tổ chức bắt quả tang đối tượng H.T. Tâm làm giả CMND để chiếm đoạt tài sản công ty.
Giấy tờ giả mạo do đối tượng sử dụng lừa đảo VietCredit (Nguồn: VietCredit cung cấp)
Chia sẻ về trách nhiệm trong việc phòng chống gian lận, đại diện VietCredit khẳng định công ty kiên quyết đấu tranh, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào, kể cả đó là cán bộ nhân viên của công ty. Khi phát hiện vụ việc sẽ lập tức chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý triệt để các hành vi lừa đảo, xâm phạm lợi ích khách hàng.
Điển hình, cuối năm 2019, VietCredit đã gửi đơn tố cáo đến Viện Kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát điều tra quận Đống Đa, Hà Nội, trình báo về đối tượng N.T. Ngà (Sinh năm 1984, Bắc Ninh) có hành vi làm giả hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt tài sản của công ty. Sau thời gian xét xử, ngày 29/01/2021, Tòa án Quận Đống Đa, Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Ngà 36 tháng tù giam cho hành vi lừa đảo của mình.
“Đã sai phạm, lừa đảo thì dù có phải bỏ ra chi phí lớn hơn chi phí bị thiệt hại, VietCredit vẫn quyết tâm xử lý các đối tượng đến cùng.”, đại diện VietCredit nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro, chống gian lận trong hoạt động cấp tín dụng, VietCredit cũng luôn chú trọng hoàn thiện 3 vấn đề liên quan đến con người, chính sách và công nghệ. Cụ thể, VietCredit không ngừng đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, chuyên gia về an toàn thông tin; bổ sung, điều chỉnh các quy định, quy trình chặt chẽ; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn,…trong hoạt động quản trị rủi ro.
Quyền lợi của khách hàng là trên hết
Với phương châm hoạt động “khách hàng là trọng tâm”, thời gian qua, khi tiếp nhận thông tin khách hàng phản ảnh bị kẻ gian lừa đảo, không vay vốn nhưng có nợ xấu, VietCredit luôn nhanh chóng giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
“VietCredit sẽ lập tức điều tra và xác minh, nếu khách hàng không phải là người vay khoản nợ mà bị ai đó giả mạo thì chúng tôi sẽ tiến hành xóa khoản vay, điều chỉnh thông tin dư nợ tín dụng trên CIC cho khách hàng.”, đại diện VietCredit cho biết.
Để quá trình xử lý được nhanh chóng, việc khách hàng hợp tác cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho tổ chức tài chính để xác minh khoản vay là rất cần thiết. Tuy nhiên, khách hàng cũng cần thấu hiểu sự việc sẽ khó được giải quyết trong “một sớm một chiều” bởi doanh nghiệp cũng cần có thời gian thực hiện theo quy trình của pháp luật.
Nhằm hạn chế các hình thức lừa đảo, người dân cần chủ động bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, không cung cấp số CMND, hộ khẩu, mã PIN,… cho người lạ dưới mọi hình thức, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, VietCredit cũng khuyến cáo người tiêu dùng cân nhắc kỹ không nên lạm dụng vay nếu không cần thiết để tránh bị kẻ gian lợi dụng tâm lý cả tin, cần vay tiền, đặc biệt là trong thời điểm kinh tế khó khăn do tác động của dịch Covid-19.