Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy người dân sống gần sân bay Zurich có tỷ lệ tử vong vào ban đêm tăng đáng kể, nhất là trong khoảng thời gian có một chiếc máy bay cất cánh.
Khi nói đến sân bay Frankfurt, người Đức nhìn chung sẽ cảm thấy có chút gì đó tự hào và hãnh diện. Kể từ khi được xây dựng cách đây 85 năm, Frankfurt luôn là một trong những điểm đến đông đúc nhất châu lục.
Năm 2011, sân bay quốc tế này khánh thành thêm đường bay thứ tư nâng tổng công suất phục vụ của nó lên ngưỡng 64,5 triệu hành khách mỗi năm, kết nối với hơn 300 điểm đến là các sân bay lớn nhỏ trên khắp thế giới.
Thật không may, không phải người Đức nào cũng vui vẻ với sự có mặt của một siêu sân bay, nhất là khi nó nằm ngay trong khu phố nhà mình.
Sau khi đường băng thứ tư của Frankfurt được khánh thành, nó đã phải chứng kiến một làn sóng biểu tình mạnh mẽ của người dân địa phương, những người cảm thấy cái “sân bay này đang phá hủy cuộc sống của họ“.
“Mỗi khi tôi đi vào khu vườn nhà mình, tất cả những gì tôi có thể nghe và nhìn thấy chỉ là những chiếc máy bay ở ngay trên đầu mình“, một người biểu tình tức giận nói với Reuters.
Đường băng thứ 4 của Frankfurt cũng đưa hàng chục chiếc máy bay lên xuống ngay phía trên căn hộ của Thomas Münzel, một bác sĩ tim mạch tại Trung tâm Y tế Đại học Mainz: “Tôi đã sống gần cao tốc Autobahn của Đức, và gần cả các đường ray xe lửa trong thành phố. Nhưng tiếng ồn từ máy bay là thứ khó chịu nhất mà tôi từng phải chịu đựng”.
Năm 2009, Münzel đọc được một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về mối liên hệ giữa tiếng ồn và các vấn đề tim mạch. Nhưng các bằng chứng vào thời điểm đó còn rất ít, chưa đủ để đưa ra kết luận mang tính nhân quả.
Và thế là với một đường băng khánh thành ngay trên nhà mình, bắt đầu từ năm 2011, Münzel chuyển hướng công việc của mình sang nghiên cứu sự ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn đô thị tới sức khỏe con người.
Công việc tính tới nay đã được đúng 10 năm và Münzel đã cho ra rất nhiều kết quả cùng với một lĩnh vực khoa học đang dần phát triển: Nghiên cứu mối nguy hiểm từ tiếng ồn đô thị tới đời sống cư dân bên trong nó.
Từ lâu, các nhà khoa học và cả công chúng bình dân đều biết rằng phơi nhiễm với những tiếng ồn quá lớn có thể gây ra vấn đề về thính giác, thậm chí gây điếc. Tuy nhiên, điều mà họ không biết, đó là tiếng ồn từ máy bay và cả ô tô trong thành phố có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn thế, vượt ra bên ngoài hệ thống thính giác con người.
Tiếng ồn giao thông được coi là một trong những tác nhân gây căng thẳng trong môi trường đô thị, chỉ đứng sau ô nhiễm không khí. Trong thập kỷ qua, ngày càng nhiều nhóm nghiên cứu đã chứng minh được mối liên kết trực tiếp hơn giữa tiếng ồn và nguy cơ gia tăng một số bệnh tim mạch. Một số nhà khoa học thậm chí bắt đầu hiểu được cơ chế hoạt động của chúng.
Mathias Basner là một nhà tâm thần và dịch tễ học tại Đại học Pennsylvania. Ông cho biết tiếng ồn gây ra những ảnh hưởng sinh học lên cơ thể con người. Nhưng rất ít người hiện nay nhận thức được mức độ nghiêm trọng của nó, thứ mà các đồng nghiệp của ông gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Các ước tính cho thấy rằng khoảng một phần ba người Mỹ thường xuyên tiếp xúc với mức độ tiếng ồn không tốt cho sức khỏe, thường được định nghĩa là bắt đầu từ khoảng 70 đến 80 decibel. Để so sánh, con người nói chuyện với nhau trong một cường độ khoảng 60 dB, ô tô và xe tải phát ra tiếng ồn từ 70 đến 90 dB, còn còi báo động và máy bay có thể đạt tới ngưỡng 120 dB hoặc hơn.
Nhiều nghiên cứu liên kết việc tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn từ môi trường xung quang làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim. Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Noise & Health đã điều tra dữ liệu sức khỏe của hơn 1 triệu người, những cư dân Frankfurt sống gần sân bay có nguy cơ đột quỵ cao hơn 7% so với những người sống trong các khu vực tương tự nhưng yên tĩnh hơn.
Một nghiên cứu khác năm 2020 trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu phân tích gần 25.000 ca tử vong vì bệnh tim mạch xảy ra trong những năm 2000 đến năm 2015 cho thấy: Những người sống gần sân bay Zurich có tỷ lệ tử vong vào ban đêm tăng đáng kể, nhất là trong khoảng thời gian có một chiếc máy bay cất cánh. Và điều này đặc biệt đúng với đối tượng điều tra là phụ nữ.
Để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra những ca tử vong bất thường này, các nhà nghiên cứu đã thăm dò sự ảnh hưởng sinh lý học của tiếng ồn lên cơ thể người. Họ phát hiện ra ô nhiễm tiếng ồn có thể làm biến đối mạnh lớp nội mạc, chính là lớp màng phủ bên trong của các mạnh máu.
Tiếng ồn lớn và dai dẳng có thể khiến lớp niêm mạc này chuyển từ trạng thái khỏe mạnh sang trạng thái “được kích hoạt” dẫn tới viêm và tăng sinh nghiêm trọng.
Ngoài ra, khi tiếng ồn đi đến não, nó sẽ kích hoạt hai vùng quan trọng: vỏ não thính giác, nơi giải thích tiếng ồn và hạch hạnh nhân, quản lý các phản ứng cảm xúc với nó. Nếu tiếng ồn lớn đặc biệt là trong giấc ngủ, hạch hạnh nhân sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng — ngay cả khi người đang ngủ không nhận thức được vấn đề và không bị đánh thức dậy.
Phản ứng căng thẳng ở hạch hạnh nhân sẽ giải phóng các hormone như adrenaline và cortisol vào cơ thể. Một số động mạch trong quá trình đó sẽ co thắt, những mạch máu khác lại nở ra. Căng thẳng sẽ làm tăng huyết áp, nó cũng đẩy đường và chất béo tràn vào máu một cách nhanh chóng.
Phản ứng này tiếp đó thúc đẩy việc tạo ra các phân tử có hại gây ra căng thẳng oxy hóa và viêm trong niêm mạc mạch máu. Lớp nội mạc bị rối loạn chức năng đến mức có thể cản trở lưu lượng máu và ảnh hưởng đến nhiều quá trình khác trong cơ thể.
Dần dần khi bị suy yếu bởi tiếng ồn lặp đi lặp lại, nó sẽ góp phần gây ra một loạt bệnh tim mạch, bao gồm huyết áp cao, tích tụ mảng bám trong động mạch, béo phì và tiểu đường.
Nhưng phơi nhiễm với tiếng ồn trong bao lâu có thể gây ra những tác động nguy hại này?
Các nghiên cứu trên người và chuột cho thấy lớp nội mô có thể bắt đầu suy yếu chỉ vài ngày sau khi tiếp xúc với tiếng ồn máy bay vào ban đêm. Nó ảnh hưởng tới cả những người đang khỏe mạnh, chứ không phải chỉ là vấn đề đối với những người đã có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và trao đổi chất.
Trong một nghiên cứu năm 2019 do Münzel và các đồng nghiệp của ông công bố trên tạp chí Basic Research in Cardiology, họ đã tuyển dụng những người trưởng thành khỏe mạnh và phát những bản ghi âm các chuyến tàu chạy qua trong khi họ ngủ.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi cả những người trẻ tuổi nghe phải những âm thanh này cũng bị rối loạn chức năng nội mô chỉ sau một đêm. Trước đây, chúng tôi luôn nghĩ rằng vấn đề này là thứ cần vài năm mới có thể phát triển“, Münzel cho biết.
Trong một bức tranh tổng thể lớn tại Châu Âu, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018 cho thấy mỗi năm người dân sống ở phía tây châu lục đang mất đi tới hơn 1,6 triệu năm sống khỏe mạnh vì tiếng ồn giao thông. Tính toán này dựa trên số ca tử vong sớm do tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn, cũng như số năm phải sống với bệnh tật do tiếng ồn gây ra.
Và con số đó có khả năng sẽ tăng lên: Năm 2018, Liên Hợp Quốc chúng ta chỉ có khoảng 55% người dân sống ở trong các thành phố. Nhưng đến năm 2050, con số đó dự kiến sẽ tăng đến gần 70%.
Tại một số quốc gia, chính phủ đã cố gắng lắng nghe tiếng nói của công chúng để làm dịu tiếng ồn ào của đô thị hóa bằng cách áp dụng lệnh cấm bay vào ban đêm, quy hoạch các sân bay cách xa thành phố và khuyến khích các công nghệ yên tĩnh hơn, mặt khác phạt tiền những ai là nguyên nhân gây ra tiếng ồn.
Bản thân mỗi người chúng ta có thể tự bảo vệ mình bằng cách đảm bảo môi trường sinh sống của mình được yên tĩnh. Lắp cách âm trong phòng ngủ, trang bị thêm rèm cửa sổ, rèm giảm tiếng ồn hoặc nếu có khả năng chuyển hẳn nhà ra vùng ngoại ô, nơi tiếng ồn đô thị không thể chạm tới.
Basner cũng gợi ý một số giải pháp rẻ hơn bao gồm đeo nút tai vào ban đêm hoặc chuyển phòng ngủ đến nơi yên tĩnh nhất trong nhà của mình. Và ông khuyên rằng mọi người nên thực hiện những bước quan trọng này ngay cả khi họ không thấy mình bị tiếng ồn làm phiền.
“Nếu bạn đang sống ở Manhattan, bạn sẽ không nhận thấy sự ồn ào của nó sau một thời gian, bởi bạn đã quen với nó và cho tiếng ồn là điều bình thường“, Basner nói. “Nhưng mặc cho bạn có thể quen với nó về mặt tâm lý, điều đó không có nghĩa là tiếng ồn đang không gây ra những hậu quả tiêu cực lên sức khỏe của bạn”.
Tham khảo Atlantic