Lướt qua 15 tọa độ được bình chọn là di sản thế giới mới của UNESCO, thật không khó để nhận ra sự xuất hiện của nhiều điểm đến du lịch vốn nổi tiếng ở châu Á từ lâu.
Từ ngày 30/6 đến 10/7 vừa qua, phiên họp lần thứ 43 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO được tổ chức tại Baku, Azerbaijan đã diễn ra thành công tốt đẹp. Trong phiên họp năm nay, có 36 trong tổng số 42 đề xuất ghi tên vào Danh sách Di sản Thế giới được cân nhắc, bao gồm 6 di sản tự nhiên, 28 di sản văn hóa và 2 di sản hỗn hợp (tự nhiên và văn hóa). Cùng khám phá một số điểm đến du lịch nổi bật góp mặt trong danh sách này nhé!
1. Thành phố Jaipur (Ấn Độ)
Được hình hình thành từ năm 1727, Jaipur còn được biết đến với tên gọi “thành phố màu hồng”, là địa điểm du lịch rất nổi tiếng thuộc bang Rajasthan – nơi được xem là “vùng đất của những vị hoàng đế và sắc màu” ở Ấn Độ. Nơi đây được UNESCO vinh danh là di sản thế giới mới nhờ những giá trị quy hoạch và kiến trúc nổi bật mang đậm dấu ấn giao thoa giai đoạn cuối thời Trung cổ.
@jaipur_photomaniac
2. Cố đô Bagan (Myanmar)
Nằm gần sông Ayeyarwady, cố đô Bagan của Myanmar là điểm đến du lịch rất nổi tiếng không chỉ bởi hình ảnh những chiếc khinh khí cầu khổng lồ, mà còn với hơn 3.500 ngọn tháp, đền, tu viện và nhiều công trình Phật giáo nổi bật khác được xây dựng từ thế kỷ 11 đến 13. Thành phố này đồng thời là minh chứng rõ rệt về một trung tâm giao thương và kinh tế ở Nam Á với những nghề thủ công truyền thống được Ấn Độ và thế giới công nhận.
@flipflopwanderers
3. Babylon (Iraq)
Nằm cách thủ đô Baghdad 85km về phía nam, di sản thế giới mới của Iraq là nơi lưu giữ nhiều tàn tích thuộc về kinh đô của Neo-Babylon, một trong những đế chế có sức ảnh hưởng lớn nhất trong thế giới cổ đại. Phần còn lại của di sản gồm các bức tường, cổng, cung điện, đền thờ của thành phố cổ, ngày nay đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới mới của năm 2019.
@caesar24
4. Cánh đồng Chum (Lào)
Nằm trên một cao nguyên thuộc tỉnh Xiengkhuang ở miền trung nước Lào, đây là địa điểm khảo cổ vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn. Người ta cho rằng những chum đá cỡ lớn tại đây được sử dụng trong các nghi thức tang lễ có từ thời kỳ đồ sắt. Theo UNESCO, cánh đồng sở hữu 2.100 chum đá, nhiều đĩa đá, bia mộ và mỏ đá có niên đại lâu đời từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 500 Công nguyên.
5. Cung điện hoàng gia Mafra (Bồ Đào Nha)
Nằm cách thủ đô Lisbon khoảng 28km, cung điện hoàng gia Mafra được xây dựng từ năm 1717 theo phong cách Ba-rốc với màu trắng chủ đạo sang trọng. Tổng diện tích toàn bộ công trình lên đến 40.000m vuông, biến nơi đây trở thành một trong những cung điện rộng lớn nhất thế giới. Hiện tại, công trình đồ sộ này còn lưu giữ lại chỗ ở của vua João V và hoàng hậu, tu viện Franciscan và một thư viện khổng lồ với khoảng 36.000 đầu sách quý hiếm còn được lưu giữ.
@super_portugal
6. Khu lăng mộ Mozu-Furuichi (Nhật Bản)
Tọa lạc trên một cao nguyên thuộc vùng Sakai, tỉnh Osaka, đây là nơi còn tồn tại 49 ụ đất chôn cất được trang trí công phu dành cho giới thượng lưu trong thời kỳ Kofun (từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 6) tại Nhật Bản. Ban đầu, nơi đây sở hữu hơn 100 ngôi mộ, tuy nhiên chỉ còn khoảng một nửa còn tồn tại đến tận ngày nay.
7. Vùng đồi nho Prosecco (Italy)
Nằm ở phía đông bắc nước Ý, vùng đất phì nhiêu và màu mỡ này được phủ xanh bởi những vườn nho và cơ sở sản xuất rượu vang lừng lẫy nằm giữa đồi Conegliano và Valdobbiadene. Từ lâu Prosecco đã trở thành thương hiệu rượu vang trắng sủi bọt rất nổi tiếng của Italy.
8. Đài thiên văn Jodrell Bank (Anh)
Nằm ở một vùng nông thôn phía tây bắc nước Anh, kể từ khi bắt đầu được đưa vào sử dụng vào năm 1945, Jodrell Bank đã trở thành một trong những đài quan sát thiên văn vô tuyến hàng đầu trên thế giới, tác động đến việc phát hiện ra các thiên thạch, mặt trăng và khám phá vũ trụ. Đài quan sát này đến nay vẫn còn hoạt động, bao gồm một số kính viễn vọng vô tuyến, các tòa nhà làm việc, nhà kho kỹ thuật và trung tâm điều khiển.
9. Công viên đá điêu khắc (Canada)
Tọa lạc ở một vùng biên giới giữa Canada và Mỹ, nằm cách thành phố Lethbridge, tỉnh Alberta của Canada khoảng 100km về hướng đông nam. Công viên có niên đại từ năm 1800 trước Công nguyên này nổi bật với những cột đá tự khắc do xói mòn tự nhiên cùng các bản khắc và hình vẽ trên đá của người cổ đại.
10. Khu bảo tồn chim di cư (Trung Quốc)
Tọa lạc bên khu vực bờ biển Hoàng Hải, đây là điểm tập trung của nhiều loài chim có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Những đàn chim lớn quý hiếm đều đến bờ biển này để nghỉ ngơi, thay lông, trú đông và làm tổ.
11. Thành phố cổ Sheki và cung điện Khan (Azerbaijan)
Đây là một thành phố lâu đời tọa lạc dưới chân núi Greater Kavkaz của Azerbaijan và được chia đôi bởi sông Gurjana. Nằm dọc theo các tuyến giao thương lịch sử quan trọng, kiến trúc của thành phố này chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa. Cung điện Khan ở phía đông bắc thành phố phản ánh sự giàu có của nhiều thương gia lừng lẫy từ cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 ở quốc gia này.
12. Vườn quốc gia Vatnajökull (Iceland)
Rộng tới 1,4 ha, vườn quốc gia này chiếm đến 14% lãnh thổ Iceland. Nơi đây có tới 10 ngọn núi lửa và 8 sông băng còn, trong đó có cả đỉnh núi cao nhất Iceland Hvannadalshnjúkur (2.109m). Ngoài ra, khu vực này còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hút khách như hồ miệng núi lửa Askjia Caldera, ốc đảo Herðubreið, thác nước Dettifoss, hẻm núi băng Ásbyrgi,…
13. Nhà thờ của trường kiến trúc Pskov (Nga)
Nằm ở thành phố lịch sử Pskov bên bờ sông Velikaya ở phía tây bắc nước Nga, tọa độ này bao gồm một nhóm các công trình cổ như nhà thờ, thánh đường, tu viện, tháp pháo đài và các tòa nhà hành chính. Tất cả các công trình này đều được xây dựng bởi trường kiến trúc Pskov, với hình dạng các khối lập phương, mái vòm, cổng vòm và tháp chuông có từ thế kỷ thứ 12.
14. Paraty và Ilha Grande (Brazil)
Đây là một di sản văn hóa và thiên nhiên hỗn hợp mới được UNESCO công nhận ở quốc gia Nam Mỹ này. Nằm giữa dãy núi Serra da Bocaina và Đại Tây Dương, Paraty được xem là một trong những thị trấn ven biển được bảo tồn tốt nhất ở Brazil, đồng thời là một trong 5 khu vực đa dạng sinh học quan trọng của thế giới. Ngày nay, trung tâm văn hóa Paraty vẫn lưu giữ nhiều nét kiến trúc thuộc địa từ thế kỷ 18, 19.
15. 9 thư viện cổ (Hàn Quốc)
Các thư viện cổ (Seowon) này nằm rải rác ở miền trung và nam của Hàn Quốc. UNESCO đánh giá Seowon là bằng chứng về truyền thống văn hóa Tân Nho giáo được phổ biến rộng rãi trong các tập tục giáo dục, xã hội của triều đại Joseon (thế kỷ 15-19).
Nguồn & ảnh: CNN