Vì sao giá sầu riêng giảm sâu?

Tính đến 18/4, các loại sầu riêng của Việt Nam đều rớt giá 50% so với đầu tháng 4, nguyên nhân vì sao?

TIN MỚI

Cụ thể, giá sầu riêng Monthong loại A đang được các thương lái thu mua giá 113.000 – 115.000 đồng/kg; loại B giá 93.000 – 95.000 đồng.

Tương tự, sầu riêng Ri 6 cũng giảm về 81.000 – 86.000 đồng/kg hàng loại A và loại B giá 66.000 – 68.000 đồng/kg.

Các mức này đều giảm hơn 50% so với thời điểm trước ngày 10/4.

Lý giải với VTC News về nguyên nhân sầu riêng đột ngột giảm giá mạnh, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ khoảng tháng 1 – 3 thì sầu riêng trái vụ miền Tây “một mình một chợ”, không có ai cạnh tranh nên giá được đẩy lên cao.

Nhưng hiện nay các nước khác như Thái Lan, Malaysia đã bắt đầu vào thu hoạch chính vụ, đặc biệt sản lượng sầu riêng của Thái Lan cao gấp đôi Việt Nam, vì thế việc sầu riêng Việt Nam rớt giá cũng là điều bình thường.

“Tuy nhiên, dù rớt giá nhưng người trồng vẫn có lãi, chỉ có điều không còn lợi nhuận “khủng” như thời gian trước”, ông Nguyên nói.

Vì sao giá sầu riêng giảm sâu?- Ảnh 1.

Giá sầu riêng đang giảm sâu so với 3 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)

Cũng theo ông Nguyên, giá sầu riêng Thái loại 1 hiện đang giao dịch trên 110.000 đồng/kg, giảm 50% so với thời điểm trái vụ. Tuy không phải là “đỉnh” nhưng vẫn là mức giá lý tưởng, cao nhất trong các loại trái cây hiện nay và tương đương với giá cùng thời điểm năm trước.

“Người trồng sầu riêng luôn muốn lợi nhuận cao nhưng thị trường cạnh tranh hiện nay không có gì là cao mãi được, sẽ có lúc xuống thấp. Sắp tới Malaysia được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, như vậy sẽ có thêm cạnh tranh. Việt Nam thì mới chỉ xuất được sầu riêng tươi, còn sầu riêng đông lạnh hy vọng được phê duyệt trong năm nay nhưng chưa biết thời điểm nào.

Cùng với đó, thị trường xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc. Năm 2023 Việt Nam xuất khẩu được 2,3 tỷ USD thì Trung Quốc chiếm đến 2,1 tỷ USD”, ông Nguyên thông tin.

Ông cũng nhấn mạnh, thời gian gần đây có tình trạng thương lái “ép” cắt sầu riêng non bán cho Trung Quốc trong lúc giá tăng cao, nguồn cung thiếu hụt. Điều này dẫn đến hệ lụy là sản phẩm của Việt Nam không được một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng như trước, sức mua giảm khiến giá giảm theo.

Ngoài ra, thêm một nguyên nhân là sản lượng sầu riêng chính vụ của Việt Nam năm nay (từ tháng 4-9/2024) được dự báo tăng khoảng hơn 20% so với 2023 nên cũng kéo theo giá giảm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giải thích: “Giá sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các tháng đầu năm 2024 rất cao. Một số nông dân đã chuyển đổi cây trồng như lúa, mít…sang trồng sầu riêng, có một số diện tích chuyển đổi không theo vùng quy hoạch của địa phương. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến giá sầu riêng giảm khi nguồn cung tăng”.

Ông Cường cũng nhận xét chất lượng sầu riêng xuất khẩu chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một bộ phận thương lái, một số doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn không có chữ “tín”. Cụ thể, gần đây, khi thị trường hút hàng, giá bán cao, một số doanh nghiệp và vựa thu mua ký hợp đồng số lượng lớn với đối tác Trung Quốc.

Tuy nhiên, do nguồn cung ít, không đủ giao, thương lái “ép” nhà vườn (đã ký hợp đồng mua bán) cắt sầu riêng trái non, dẫn đến chất lượng không đạt yêu cầu của người tiêu dùng.

Dẫn ví dụ về người Thái Lan thu hoạch sầu riêng rất chuyên nghiệp, ông Cường cho biết, ở Thái Lan đội ngũ thu hoạch, đội ngũ cắt sầu riêng rất chuẩn.

“Sầu riêng non, khi bị phát hiện sẽ bị phun sơn đỏ, để không có cơ hội đem đi bán tiếp cho người khác. Thái Lan còn tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo bắt buộc để chủ vườn, thợ gõ, thợ cắt được học tập, được cập nhật thông tin chung về chất lượng sầu.

Quyết liệt hơn, Thái Lan có một lực lượng chuyên làm nhiệm vụ đào tạo, kiểm tra và xử phạt bất kỳ cơ sở đóng gói nào có tình trạng mua bán sầu riêng non”, ông Cường nói.

Hạn mặn đang diễn ra khốc liệt ở miền Tây cũng được cho là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng của sầu riêng, khiến thương lái ép giá nhà vườn để mua giá thấp.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 diện tích trồng sầu riêng cả nước ước đạt 110.000 ha, tăng hơn 24% mỗi năm, là tỷ lệ tăng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực hiện nay. Diện tích cho thu hoạch 54.400 ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng 849.100 tấn, trồng tập trung tại 4 vùng.

Vùng Tây Nguyên có diện tích sầu riêng lớn nhất với 51.400 ha, sản lượng 336.400 tấn.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin