Thống kê cho thấy hầu hết các mã cổ phiếu đầu tư công thuộc nhóm xây dựng hạ tầng tính từ đầu năm đến nay đều đạt tỷ suất tăng trưởng dương.
Ở phiên giao dịch 16/2, trong đà tăng của chỉ số chính VN-Index (+10,09 điểm), các cổ phiếu đầu tư công cũng diễn biến tích cực. Tính từ đầu năm 2023 đến nay (phiên 16/2), phần lớn nhóm này đều đạt tỷ suất tăng trưởng dương.
Cụ thể, tăng mạnh nhất là mã LCG (+55,5%), xếp sau là HHV (+39,6%), FCN (+21,8%), VCG và C4G có cùng mức tăng khoảng 19%….Ở chiều ngược lại, mã hiếm hoi giảm điểm là HUB (-3,2%).
Trong năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, song nhiều doanh nghiệp đầu tư công vẫn báo lãi ròng tăng trưởng.
CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HoSE: CTI) đứng đầu với lãi ròng 106,5 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 36,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xếp ở vị trí tiếp theo là CTCP Tasco (HNX: HUT) với doanh thu đạt 1.079,65 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; và lợi nhuận sau thuế 138,24 tỷ đồng, tăng gấp 3,1 lần. Tuy nhiên, HUT mới chỉ hoàn thành 55,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tương tự, C4G cũng ghi nhận lãi ròng năm 2022 tăng gấp 2,5 lần đạt 168 tỷ đồng. Tuy vậy, so với chỉ tiêu đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, doanh nghiệp mới hoàn thành hơn 56% mục tiêu lãi sau thuế.
Quý IV/2022 cũng ghi nhận lãi ròng của C4G đạt hơn 58 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ. C4G giải trình công ty trong quý IV/2022 đã hoàn thành việc chuyển nhượng và ghi nhận doanh thu đối với dự án Khu đô thị Long Sơn 1. Cùng với đó, C4G chào bán thành công hơn 112 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 2,2 ngàn tỷ đồng. Số tiền thu được khi chưa sử dụng hết đã được C4G gửi ngân hàng và thu lãi, qua đó làm tăng mạnh doanh thu tài chính, đồng thời giảm được nợ vay.
“Ông lớn” Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – HoSE: VCG) cho biết lợi nhuận sau thuế đạt 1.049 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021, nhưng mới chỉ hoàn thành 75% chỉ tiêu cả năm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp công bố lãi ròng tăng trưởng cao như: MST (+71,9%), CTR (+18,4%), DPG (+18%), G36 (+11,1%), HHV (+8,4%), LCG (+7,7%).
Trong đó, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) ghi nhận lãi sau thuế năm 2022 chuyển từ lỗ 242 tỷ đồng sang lãi 896 tỷ đồng.
Ngược lại, 4 cái tên duy nhất báo lãi ròng tăng trưởng âm gồm: CTD (-13,8%), FCN (-27,5%), HTN (-63,5%), C47 (-63,9%).
Triển vọng nhóm đầu tư công năm 2023
Giải ngân vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong năm 2023.
Theo đó, nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác, chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là đầu tư công) ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
VnDirect kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20 – 25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; và giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.
Đánh giá từ Agriseco, nhóm xây dựng hạ tầng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai. Trong đó, một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay Long Thành được triển khai sẽ giúp các nhà thầu xây dựng (đặc biệt là những nhà thầu có kinh nghiệm thi công dự án).
Tuy nhiên, đơn vị này cũng cảnh báo rủi ro của ngành tới từ giá nguyên vật liệu có thể tăng trở lại, trong bối cảnh Trung Quốc đang mở cửa nền kinh tế làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ thép; thời tiết giai đoạn đầu năm vẫn có khả năng mưa nhiều, ảnh hưởng tới tiến độ thi công chung, tuy nhiên rủi ro này có thể được tháo gỡ trong nửa cuối năm khi xác suất thời tiết nắng ráo cao hơn bất động sản dân dụng.
Tương tự, nhóm phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng nhóm xây dựng hạ tầng được kỳ vọng hưởng lợi từ giai đoạn thi công gồm: Thi công kết cấu phần dưới, thi công kết cấu phần trên, thi công kết cấu khác.