Việc sử dụng chữ ký số là giải pháp không chỉ thuận lợi cho các cơ quan hành chính mà cho cả doanh nghiệp đồng thời phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “mặn mà” với việc sử dụng chữ ký số do lo ngại về thủ tục phát sinh, chi phí duy trì và vấn đề bảo mật thông tin.
Chi phí, thủ tục là rào cản
Mặc dù việc ứng dụng chữ ký số sẽ đem lại cho doanh nghiệp, tổ chức rất nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí giấy tờ, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, thư điện tử nhưng thực tế không nhiều doanh nghiệp “mặn mà” với giải pháp này mà vẫn “chung thủy” với việc sử dụng chữ ký thường và con dấu khi hoạt động. Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, họ còn “lăn tăn” trong việc sử dụng chữ ký số do mức phí duy trì hàng năm còn khá cao. Hiện nay, quy định mức phí duy trì chữ ký số lần lượt là 990 nghìn đồng/năm; 1,7 triệu đồng/2 năm, với nhiều doanh nghiệp, việc phải mất phí duy trì như vậy là chưa hợp lý.
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử. Đối với doanh nghiệp, nó có vai trò như một con dấu và được thừa nhận về mặt pháp lý. Chữ ký số được coi là phương án giải quyết tốt nhất mọi vấn đề khi giao dịch trên môi trường internet và còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực bảo mật cao khác.
Nhìn nhận ở góc độ đầu tư để phát triển thị trường, một số chuyên gia cho rằng, rào cản không nằm ở đó. Bởi chi phí duy trì mà doanh nghiệp phải bỏ ra là không quá lớn, nếu đem mức đầu tư này so sánh với việc doanh nghiệp khai thuế theo hình thức truyền thống, bao gồm kê khai ra giấy rồi đem nộp cho cơ quan thuế, tốn các chi phí in ấn báo cáo dành cho lưu trữ, thời gian, chi phí đi lại thì việc sử dụng chữ ký số sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Điều khiến các doanh nghiệp chưa quan tâm tới chữ ký số là ở thủ tục.
Đại diện Công ty TMF Việt Nam Co.Ltd cho biết, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, doanh nghiệp rất quan tâm đến đăng ký chữ ký số. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được hạn chế sử dụng trong mảng đăng ký kinh doanh mà không thể sử dụng chung cho các lĩnh vực hoạt động khác. Đó là chưa kể trường hợp hệ thống công nghệ thông tin còn gặp trục trặc dẫn tới khó khăn trong giao dịch, thực hiện thủ tục khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong lĩnh vực hải quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cũng thừa nhận, hiện nay chữ ký số theo quy định của ngành được triển khai trên hệ thống thông quan điện tử tự động. Đây là bước cải cách rất quan trọng, song do có nhiều đơn vị cùng có chức năng cung ứng chữ ký số, các chữ ký số này khi cung cấp cho doanh nghiệp có thể chưa tương thích với phần mềm mà cơ quan hải quan đang thực hiện nên phát sinh vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện.
Lo ngại về bảo mật
Cùng với rào cản về chi phí và thủ tục, đại diện một doanh nghiệp về sản xuất bóng điện tiết kiệm năng lượng tại TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ lo lắng về tính bảo mật của chữ ký số. “Điều mà doanh nghiệp băn khoăn là khi chữ ký số bị giả mạo, cơ quan nào sẽ đứng ra bảo vệ pháp lý vì trước đây chữ ký, con dấu đã có cơ quan công an giải quyết còn bây giờ gần như doanh nghiệp phải chịu mọi rủi ro. Theo quy định, nếu doanh nghiệp nào buông lỏng quản lý để các đối tượng lợi dụng chữ ký số thực hiện hành vi buôn lậu thì doanh nghiệp đó lẫn đối tượng buôn lậu, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Những lo ngại của doanh nghiệp này không hẳn là thiếu căn cứ bởi có một thực trạng đáng báo động là ngày càng nhiều trường hợp lợi dụng chữ ký số của doanh nghiệp, cố tình khai báo sai tên hàng hóa được miễn kiểm tra thực tế. Chính những cán bộ được doanh nghiệp tin tưởng phân công thực hiện khai báo hải quan lại sử dụng chữ ký số để buôn lậu, các doanh nghiệp chỉ biết được sự thật khi lực lượng hải quan tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm vững về các biện pháp bảo mật chữ ký số. Vụ việc của Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA có địa chỉ tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, Bình Dương mới đây là một ví dụ điển hình trong việc bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng. Biết doanh nghiệp này có 100% vốn đầu tư nước ngoài, xếp hạng 2 về mức độ tuân thủ pháp luật tốt, một đối tượng đã sử dụng đại lý hải quan mạo danh doanh nghiệp để nhập lậu hàng điện tử.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), sau khi nắm rõ các thông tin liên quan đến tờ khai hải quan của doanh nghiệp như xếp hạng, chế độ ưu tiên về thuế, loại hình xuất nhập thường thực hiện, các đối tượng đã sử dụng chữ ký số trái phép để đăng ký tờ khai đứng tên doanh nghiệp với các thông tin đã chuẩn bị cùng vận đơn, số container chứa hàng hóa vi phạm để khai báo với hải quan. Sau khi được chấp nhận thông quan, đối tượng này sẽ thực hiện ngay thủ tục về thuế để tránh bị doanh nghiệp phát hiện. Trường hợp lợi dụng gian lận này sẽ rất khó phát hiện vì ngay chính bản thân doanh nghiệp bị lợi dụng cũng không biết thông tin về lô hàng, tờ khai đã được đăng ký nếu không thường xuyên kiểm tra, đối chiếu.
Để ngăn chặn tình trạng trên, theo đại diện cơ quan hải quan, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình như thường xuyên theo dõi, đối chiếu số liệu xuất nhập khẩu; quản lý chặt chữ ký số, gắn trách nhiệm cho từng cá nhân sử dụng. Theo đó, phải xác định rõ người được cấp chữ ký số có đủ thẩm quyền về mặt pháp lý, tránh trường hợp giám đốc doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm cho trưởng phòng, trưởng phòng lại giao chữ ký số cho nhân viên, dẫn tới khi có vấn đề pháp lý không biết ai sẽ chịu trách nhiệm.