Vì sao khối ngoại dừng bán ròng?

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS nhận định sau nhiều tháng bán ròng, việc khối ngoại bất ngờ mua ròng trong phiên 1/4 có thể đánh dấu sự đảo chiều của một xu thế.

TIN MỚI

Theo thống kê của Nhadautu.vn, kể từ phiên 8/2/2021 đến phiên 31/3/2021, nhà đầu tư ngoại đã liên tục bán ròng với tổng giá trị hơn 16.496 tỷ đồng trên các sàn chứng khoán Việt, trong đó có nhiều phiên ghi nhận mức bán ròng trên 1.000 tỷ đồng.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho rằng đây là “chuyện dễ hiểu” khi khối ngoại cần cơ cấu, đảo danh mục.

Theo ông Sơn, thời điểm họ đầu tư cách đây từ nửa năm đến 1 năm, lúc chỉ số khoảng 600 – 700 điểm và hiện tại TTCK Việt Nam quanh mức 1.200 điểm, PE 18 lần, việc họ rút ra để cơ cấu danh mục, đảo danh mục là chuyện dễ hiểu khi tỷ suất sinh lời đã quá lớn.

Trước đây nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) sở hữu khoảng 21% – 22% vốn các mã niêm yết. Dữ liệu gần đây cho thấy, họ đã rút ra còn 18%, tức chỉ rút khoảng 3%, không phải là quá nhiều. Và cần lưu ý, họ bán ra cổ phiếu, nhưng không rút hoàn toàn tiền mặt mà đang chờ cơ hội mới. Cũng có thể hiểu, NĐTNN đang tiên lượng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khó đạt vùng 1.400 điểm.

“Tôi cho rằng chúng ta đừng quan ngại vấn đề nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng chỉ là một tiêu chí. Nên nhớ, không phải quỹ nào cũng thành công tại Việt Nam, có những quỹ thoát hàng giá thấp, thậm chí lỗ, như HSBC thoái khỏi Techcombank, DC rút khỏi Hải Phát Land hay các quỹ ngoại đầu tư vào ROS từ lúc hàng trăm nghìn, nay chỉ còn vài nghìn.

Ngoài ra, thanh khoản chúng ta đang rất tốt, khoảng 13.000 – 14.000 tỷ/phiên. Thị trường có những phiên giảm, nhưng thanh khoản vẫn rất tốt. Các cổ phiếu mới khi gia nhập thị trường sẽ là cơ hội cho đợt tăng mới của TTCK”, Chủ tịch VSD nhấn mạnh.

Vì sao khối ngoại dừng bán ròng? - Ảnh 1.

Kể từ phiên 8/2/2021 đến phiên 31/3/2021, nhà đầu tư ngoại đã liên tục bán ròng với tổng giá trị hơn 16.496 tỷ đồng.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nói thêm, lượng tiền mặt của nhà đầu tư ngoại trên tài khoản hiện khoảng 2,7 tỷ USD, trong khi con số cuối năm 2020 là 1,2 tỷ USD. Nghĩa là nhà đầu tư ngoại bán ra nhiều nhưng tiền vẫn ở trên tài khoản để chờ cơ hội mới, thay vì rút ra.

Diễn biến bất ngờ là đến phiên ngày 1/4, khi VN-Index chốt phiên cao nhất lịch sử: 1.216,1 điểm thì giao dịch khối ngoại lại ghi nhận sự tích cực khi trở lại mua ròng với giá trị ròng 25,4 tỷ đồng, lực mua tập trung vào các Bluechips như VIC, HPG, STB, MSN, NVL. Dù lực mua là chưa nhiều nhưng đây là tín hiệu đáng mừng sau chuỗi bán ròng miệt mài gần đây của khối ngoại.

Đánh giá về diễn biến này, TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS cho rằng việc khối ngoại quay lại mua ròng sau thời gian bán ròng liên tục là điều khá hợp lý và không có gì phải ngạc nhiên.

“Trong giai đoạn vừa qua, khối ngoại bán ròng rất mạnh, tất nhiên đây là câu chuyện tái cơ cấu các quỹ do nhiều nguyên nhân, trong đó là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Về bản chất, sau quá trình bán ròng thì khối ngoại sẽ quay lại mua ròng. Hiện nay có rất nhiều quỹ ETF mới đang có ý định giải ngân vào năm nay (từ tháng 6/2021) và cũng có nhiều quỹ có ý định quay trở lại mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do vậy, nếu thị trường có diễn biến tích cực thì các quỹ đầu tư có nhu cầu sẽ mua vào, tôi nghĩ rằng việc mua vào này là diễn biến hợp lý vì Việt Nam cũng đang là nước thu hút dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước tốt, nền kinh tế chúng ta đang hồi phục, vì thế việc mua ròng của NĐTNN chỉ là vấn đề thời gian, có thể trong quý II giá trị mua ròng sẽ tiếp tục tăng”, TS. Lê Đức Khánh nhận định.

Vị chuyên gia từ VPS đánh giá thêm việc mua ròng diễn ra trong phiên mà chỉ số VN-Index đạt mốc lịch sử có thể lý giải là do khi ngưỡng cản tâm lý 1.200 được tháo gỡ, các nhà đầu tư nội và ngoại sẽ có sự tự tin hơn để mua ròng trở lại, hoặc cũng có thể họ thấy rằng triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II sẽ tốt hơn.

“Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cũng đã đến thời điểm mua vào sau khi khối ngoại cơ cấu danh mục, việc khối ngoại trở lại mua ròng trong phiên 1/4 có thể là đánh dấu sự đảo chiều của một xu thế”, TS. Lê Đức Khánh nói.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin