Với mục tiêu đón gần 2 triệu lượt khách du lịch từ giờ đến cuối năm, Quảng Ninh đang từng bước tái khởi động du lịch nội tỉnh tiến tới đón khách ngoại tỉnh. Tuy nhiên, sau 4 cú “đấm” chí mạng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh này vẫn đang “ngắc ngoải”.
Lác đác khách đã về vịnh Hạ Long
Có mặt tại cảng tàu du lịch Quốc tế Tuần Châu vào ngày đầu tuần, dễ thấy một cảnh tượng ảm đạm, đìu hiu bao trùm cả một khu cảng nổi tiếng bậc nhất về dịch vụ thuê tàu tham quan vịnh Hạ Long vẫn chưa thay đổi nhiều. Hàng trăm con tàu neo đậu trong âu cảng đã nhiều tháng nay, khoảng sân rộng trước cảng cũng vắng bóng người qua lại. Nhân viên, chủ tàu ngồi rải rác dưới bóng cây để tránh cái nắng đầu ngày.
Vừa đặt chân xuống bến cảng, chúng tôi dạo một vòng quanh khu nhà chờ, khu bán vé nhưng không một ai mời chào thăm vịnh. Một chủ tàu đang ngồi tránh nắng nói với tôi: “Thấy em đi một mình nên các chị cũng không muốn mời chào nữa. Cả tuần nay chưa được chuyến nào, có khi ít hôm nữa chị cũng cho neo tàu về chọn việc khác làm thôi”.
Từ ngày 19/9, thành phố Hạ Long được mở lại một số dịch vụ, trong đó có du lịch nội tỉnh. Chủ trương là mở cửa nhưng hầu như các hoạt động chỉ diễn ra cầm chừng, vì người dân vẫn chưa quen với việc đi xả hơi, nghỉ dưỡng sau nhiều tháng thực hiện biện pháp giãn cách. Một lý do khiến du lịch đìu hiu không kém phần quan trọng là vấn đề về “hầu bao”. Được mở cửa, đa số người dân đều muốn quay lại làm việc, ít người nghĩ đến việc đi du lịch.
Các chủ tàu ở Cảng Tuần Châu ngồi chờ khách. Rất ít người thăm vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương.
Trao đổi với đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh được biết, sau gần 1 tuần mở cửa du lịch trở lại, đơn vị này chỉ mới được cấp phép cho vài tàu xuất bến đi thăm vịnh Hạ Long với tổng số 287 khách. Những tàu được cấp phép chỉ rơi vào 2 ngày cuối tuần vừa rồi. Những ngày còn lại không có tàu xuất bến.
“Do vừa mới mở lại nên lượng khách thăm vịnh rất ít. Nhất là mới chỉ cho phép đón khách nội tỉnh nên người có nhu cầu thăm vịnh Hạ Long lại càng ít. Mới là tuần đầu tiên mở cửa du lịch trở lại nên các dịch vụ khác đang tái khởi động sau nhiều tháng nghỉ dịch. Hy vọng thời gian tới, du lịch sẽ khởi sắc trở lại”, vị đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh nói.
Cùng chung cảnh ngộ ít khách như ở vịnh Hạ Long, khu du lịch Yên Tử cũng trong tình trạng tương tự. Mỗi ngày, cáp treo Yên Tử chở khoảng 20 đến 30 khách tham quan. Với phương châm “một khách có nhu cầu cáp treo vẫn phục vụ” nhưng lượng khách đến Yên Tử quá ít nên chi phí vận hành cáp treo đang là bài toán khó cho doanh nghiệp vận hành.
“Trong 2 ngày cuối tuần, khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử bán được khoảng 30% số phòng. Đây cũng là tín hiệu tốt cho những ngày sắp tới. Hy vọng khi tỉnh mở cửa đón khách du lịch ngoại tỉnh, mọi thứ sẽ khởi sắc hơn”, ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm nói.
Nhiều doanh nghiệp chưa muốn tái khởi động
Sau gần 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Ninh đang đứng trên bờ vực phá sản, thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp đã thanh lý toàn bộ tài sản để chuyển đổi nghề nghiệp. Từ là chủ đơn vị kinh doanh tàu du lịch có tiếng ở Quảng Ninh, có trong tay gần 30 con tàu hạng sang nhưng chỉ sau 2 năm, anh Vũ Đình Linh (45 tuổi) đã bán đi phân nửa số tàu để trang trải nợ nần và duy trì sự sống cho những con tàu còn lại.
“Chi phí để duy trì một con tàu nằm bờ lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Tiền lương nhân viên, tiền bảo trì bảo dưỡng, tiền bến đỗ, tiền lãi vốn vay ngân hàng… tất cả doanh nghiệp đều phải chịu. Kinh doanh tàu du lịch không như kinh doanh khách sạn, nói là đóng cửa nhưng thực chất vẫn phải bỏ ra một số tiền rất lớn để duy trì sự sống của tàu. Mỗi tháng, tôi phải bỏ ra không dưới 500 triệu để nuôi 15 con tàu đang neo đậu”, anh Linh ngậm ngùi nói.
Khi có chủ trương mở cửa du lịch nội tỉnh, nhiều chủ tàu đã chần chừ, ngần ngại không muốn cho tàu đi vào hoạt động. Vì nhiều lần trước đó, du lịch tạm đóng rồi lại mở, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã gây thiệt hại không ít cho doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch.
“Thà để tàu nằm không còn hơn là đưa vào hoạt động khi lượng khách mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chi phí để vận hành một con tàu khi đi vào hoạt động là rất lớn. Thu không đủ chi thì thà để tàu nằm bờ còn hơn cho chạy”, chị H. T. H, chủ của 5 con tàu đang neo đậu tại cảng Tuần Châu nói.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc giữ được địa bàn an toàn là điều kiện quan trọng nhất để Quảng Ninh có thể phục hồi hoạt động du lịch. Dự kiến, trong tháng 11 và 12 tới, Quảng Ninh sẽ kết hợp kích cầu du lịch nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh, trong đó tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Quảng Ninh cũng chỉ đón khách từ các địa phương đã qua 14 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 thứ phát trong cộng đồng. Khách du lịch bắt buộc phải tiêm 2 mũi vắc – xin và có xét nghiệm PCR trong 48 giờ.
Đà Nẵng chỉ đón khách nước ngoài khi Phú Quốc thí điểm thành công
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Theo đó, trong tháng 12/2021, nếu tỷ lệ người dân ở Đà Nẵng được tiêm vắc-xin COVID-19 đạt 80%, thành phố sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch cho người dân nội thành phố. Bên cạnh đó, các cơ sở du lịch, dịch vụ cũng phải đáp ứng đủ điều kiện cơ bản phòng, chống dịch; yêu cầu người lao động của các cơ sở cũng như khách đến phải được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, quét mã QR, thẻ xanh…
Từ tháng 1/2022, thành phố sẽ mở cửa cho khách nội địa với tất cả dịch vụ dành cho khách lẻ và tại các điểm vui chơi, sẽ có một số tua du lịch dành cho khách đi theo nhóm nhỏ. Đến quý II/2022, sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế nếu Chính phủ cho phép và Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế thành công.
Chinhphu.vn