Vốn điều lệ là vốn thực có

Chính vì quy định vốn điều lệ là số cổ phần đã bán được, nên trình tự đăng ký thay đổi vốn điều lệ cũng thay đổi.

TIN MỚI

Kể từ ngày 15/11/2010, theo quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ của doanh nghiệp là vốn thực có.

Đây là điểm khác biệt giữa quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP với Nghị định 139/2007/NĐ-CP trước đó, được cho là có tác động lớn nhất tới quản trị nội bộ trong doanh nghiệp. Không những thế, thời hạn góp vốn điều lệ trong doanh nghiệp cũng được quy định cụ thể, thay vì để mở như trước.Cụ thể, với công ty TNHH một thành viên, hai thành viên trở lên, trong vòng 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên, thì các thành viên, chủ sở hữu công ty phải góp đủ số vốn đã cam kết vào vốn điều lệ. Với công ty cổ phần, thời hạn để hoàn tất việc thanh toán vốn điều lệ được xác định là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nghiệp.

Cũng phải nói rõ là, lần đầu tiên, khái niệm vốn điều lệ của công ty cổ phần được thống nhất rằng, vốn điều lệ trong công ty cổ phần qua từng giai đoạn là vốn thực có trong doanh nghiệp. Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), thành viên Ban soạn thảo Nghị định 102/2010/NĐ-CP cho biết, khái niệm này đảm bảo việc hiểu đúng và đầy đủ về vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc thực hiện quy định này sẽ chấm dứt tình trạng vốn điều lệ khống vẫn xảy ra khá phổ biến trong thực tế thời gian qua.

Theo quy định tại Điều 6, Nghị định 102/2010/NĐ-CP, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. “Khái niệm cổ phần đã phát hành được phân biệt với khái niệm cổ phần được quyền phát hành trong công ty cổ phần”, ông Hiếu nói.

Như vậy, tại thời điểm đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty.

Cũng trong Điều 6, Nghị định 102/2010/NĐ-CP, số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần là số cổ phần mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ phát hành để huy động thêm vốn. Số cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký kinh doanh là tổng số cổ phần do cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua tại thời điểm đăng ký kinh doanh và số cổ phần sẽ phát hành thêm trong thời hạn 3 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được ghi tại điều lệ công ty.

Điều này có nghĩa là, vốn điều lệ của công ty cổ phần được đăng ký tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là tổng giá trị số cổ phần đã bán được tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, cũng như trong giai đoạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không phải là số cổ phần mà doanh nghiệp dự kiến phát hành.

“Chính vì quy định vốn điều lệ là số cổ phần đã bán được, nên trình tự đăng ký thay đổi vốn điều lệ cũng thay đổi. Hiện tại, vốn điều lệ của công ty cổ phần ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là tổng số cổ phần được quyền chào bán, nên ngay sau khi Đại hội đồng cổ đông thông qua con số này, công ty cổ phần làm thủ tục đăng ký vốn điều lệ. Tuy nhiên, với quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP, công ty đăng ký lại vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phần, khi đã xác định rõ tổng số tiền thực thu về”, ông Hiếu phân tích.

Đặc biệt, Nghị định 102/2010/NĐ-CP cũng giới hạn quyền lợi của các công ty trong trường hợp sau ba năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nếu số cổ phần được quyền chào bán không được bán hết, thì công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành. Công ty cổ phần không được tăng số cổ phần được quyền phát hành khi số cổ phần hiện có chưa được bán hết.

 
Đương nhiên, với các cổ đông sáng lập công ty cổ phần chưa hoàn tất nghĩa vụ góp vốn trong thời hạn 90 ngày theo quy định, quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác. Trách nhiệm này cũng được áp dụng với thành viên, chủ sở hữu công ty TNHH và cổ đông sáng lập công ty cổ phần, nếu không thực hiện đúng thời hạn vốn theo cam kết.
 
Theo Khánh An
Báo Đầu tư
Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin