Khi vay tiêu dùng cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay, đọc kỹ quy định, điều khoản về lãi suất và cân nhắc khả năng trả nợ của mình.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân tăng mạnh. Nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhiều ngân hàng đã tung ra nhiều “chiêu” khuyến mại để “hút” khách vay tiền.
Cụ thể, ngân hàng VPBank có chương trình hỗ trợ lên đến 80% giá trị khoản vay, thời gian vay tối đa 8 năm. Khách hàng được lựa chọn một trong các mức lãi suất: 6,9%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên, lãi suất cố định 7,9%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên; lãi suất cố định 8,9%/năm cố định trong 12 tháng đầu tiên… Ưu điểm của chương trình này là được giải ngân trong vòng 4 giờ sau khi hồ sơ được phê duyệt.
Ngoài việc giảm lãi suất để hút khách hàng, nhiều ngân hàng còn có chương trình ưu đãi lãi suất, tặng quà, điểm thưởng, giảm giá tại các doanh nghiệp đối tác… SeABank là một ví dụ, ngân hàng này đang triển khai chương trình ưu đãi lớn dành riêng cho chủ thẻ SeABank, đó là giảm ngay 500.000 đồng khi mua hàng tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và ưu đãi trả góp với lãi suất 0%…
Khi vay tiêu dùng, người dân cần chọn lựa những kênh tài chính an toàn và phù hợp. (Ảnh minh họa: KT)
Không chỉ tiếp cận các khoản vay lớn ở các ngân hàng, nhiều khách hàng cá nhân còn tìm đến các công ty tài chính để vay mua trả góp những sản phẩm tiêu dùng có giá trị nhỏ hơn như điện thoại, máy tính, xe máy…
Chị Nguyễn Ngọc Anh ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội cho biết, là nhân viên văn phòng, nguồn thu hạn hẹp nên mới đây chị đăng ký mua máy tính cá nhân trả góp trong vòng 2 năm. Với mức lãi suất 0% trong năm đầu, chị chỉ phải trả lãi năm thứ 2 với lãi suất 13%. Theo chị Ngọc Anh, đây là mức lãi suất khá hợp lý với các đối tượng như: sinh viên, nhân viên văn phòng…
Đánh vào nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của người dân, các “ngân hàng cột điện” cũng hoạt động mạnh trong thời điểm cuối năm. Nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay tài chính được dán nhan nhản trên các cột điện, ngõ phố. Vẫn với chiêu bài: thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn, lãi suất hấp dẫn, giải ngân trong vòng 1 giờ hoặc vài giờ, các “ngân hàng” này cũng thu hút một lượng lớn khách hàng cần tiền ngay hoặc cần tiền với số lượng nhỏ.
Với sự bùng phát của thị trường cho vay tiêu dùng thời điểm cuối năm, nhiều người lo ngại, hình thức cho vay này có thể biến tướng thành “tín dụng đen”, gây xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình và gây mất trật tự an toàn xã hội.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, cho vay tiêu dùng phát triển mạnh nhiều năm trở lại đây. Những tháng cuối năm luôn là thời gian hoạt động cao điểm của thị trường này. Thời gian vừa qua, cho vay tiêu dùng đã biến tướng rất phức tạp, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, tạo áp lực rất lớn cho người vay tiền.
Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có biện pháp thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính, những đơn vị cho vay ngang hàng, cho vay online… Bên cạnh đó, NHNN cũng đưa ra nhiều chính sách để siết hoạt động cho vay tiêu dùng phù hợp với hành lang pháp lý, phù hợp với sự quản lý chung của các công ty cho vay tiêu dùng trên thế giới.
TS. Bùi Quang Tín khuyến cáo, cần cẩn trọng khi tham gia vay tiền của bất kỳ tổ chức cho vay nào, đặc biệt phải xem kỹ các nội dung trên hợp đồng, nội dung của các thỏa thuận trên hợp đồng hay giấy cho vay.
“Người dân cần chọn lựa những kênh tài chính an toàn và phù hợp, ví dụ như ngân hàng hay công ty tài chính, đó là những đơn vị, tổ chức cho vay hợp pháp. Cần lưu ý những nội dung có trên hợp đồng để xem có đáp ứng được khả năng trả nợ của mình hay không. Đặc biệt, chú ý nhiều đến vấn đề lãi suất, tránh tình trạng lãi suất trả góp là 0% nhưng thực tế lại không phải là như vậy”, TS. Bùi Quang Tín đưa ra lời khuyên.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực – Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, hệ thống cho vay tiêu dùng hiện nay khá đa dạng đã đáp ứng nhiều hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Song người đi vay cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay. Đọc kỹ quy định, điều khoản về lãi suất và cân nhắc với khả năng trả nợ.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng; bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân… NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn “tín dụng đen”./.