Lừa đảo xuất khẩu lao động ngày càng tinh vi

Để tránh bị lừa, tốt nhất người lao động nên tìm hiểu thông tin, thủ tục tại Sở LĐ-TB-XH của địa phương nơi mình đang sinh sống

TIN MỚI

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang được nhiều lao động khu vực nông thôn, miền núi lựa chọn như một cách thoát nghèo bền vững. Thế nhưng, vốn thật thà, chất phác lại không hiểu biết nhiều nên họ trở thành “con mồi” cho những kẻ lừa đảo.

Mạo danh để lừa người lao động

Cách đây không lâu, Công an TP Hà Nội đã khởi tố một đối tượng vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tuyển dụng người đi XKLĐ tại Nhật Bản. Với thủ đoạn tinh vi, đối tượng này xây dựng vỏ bọc hoàn chỉnh bằng việc thuê ô tô, thuê nhà mở lớp dạy tiếng Nhật tại trụ sở; phát tài liệu, chăn màn, đồng phục có in logo tên Công ty Vinagimex Bảo Ngọc cho học viên nhằm tạo niềm tin cho người lao động (NLĐ).

Đối tượng này đã tuyển nhân viên và nhiều cộng tác viên đăng tin tuyển dụng lao động tại nhiều trang mạng xã hội. Khi NLĐ tìm đến, nhân viên tư vấn hứa hẹn làm thủ tục đưa đi XKLĐ tại Nhật Bản trong vòng 6 tháng và ký hợp đồng nộp tiền đặt cọc 2.500 – 4.500 USD. Sau khi nhận hơn 5 tỉ đồng của gần 200 người, đối tượng này bỏ trốn và bị công an bắt giữ.

Mới đây, một doanh nghiệp (DN) tại tỉnh Thanh Hóa đã trưng bảng đào tạo, đưa người đi XKLĐ bất hợp pháp. Những thị trường mà DN này hứa hẹn đưa lao động đi là Trung Đông, Nhật Bản, Đài Loan. Theo hồ sơ pháp lý mà DN này cung cấp, đây là văn phòng đại diện trực thuộc Công ty TNHH Colecto có trụ sở tại Hà Nội. Tuy nhiên, Colecto khẳng định họ không có chi nhánh nào ở Thanh Hóa.

photo 0 1513395099208

Nhà tuyển dụng nước ngoài phỏng vấn trực tiếp người lao động

Trong khi đó, Công ty Tocontap Sài Gòn ở TP HCM vừa cho biết một công ty ở Hà Nội đã mạo danh Tocontap để lừa đảo XKLĐ. Đại diện Tocontap, ông Nguyễn Đức Quốc, cho biết họ đã lợi dụng uy tính của công ty để tuyển dụng, đào tạo NLĐ có nhu cầu đi nước ngoài làm việc một cách rất bài bản. Trên các giấy tờ tuyển dụng, hợp đồng, thẻ đeo dự thi, thẻ học viên… đều có logo của Tocontap. Họ còn cử một người và giới thiệu là đại diện của Tocontap đứng giám sát quá trình thi tuyển, đào tạo.

“NLĐ cứ tưởng họ đang được Tocontap đào tạo và chờ ngày xuất cảnh, trong khi chúng tôi không hề tuyển. DN này đã mạo danh một cách trắng trợn khi tuyên bố mình là Tocontap. Rất may, chúng tôi phát hiện sớm nên ngăn chặn kịp thời, tránh được thiệt hại cho NLĐ. Thực tế, còn rất nhiều kiểu lừa đảo như thế bủa vây NLĐ nhẹ dạ cả tin” – ông Quốc lo ngại.

Hiện nay, có rất đông công ty hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ nhưng không nhiều DN đủ điều kiện, được cấp phép, làm ăn uy tín. Những trường hợp bị lừa chủ yếu là các công ty tạo nguồn, nghĩa là họ liên kết với các DN khác để tìm kiếm người có nhu cầu đi nước ngoài làm việc. Các DN này chỉ có chức năng tạo nguồn chứ không được trực tiếp đưa lao động đi. Nhiều người không biết điều này nên đã đóng tiền cho các DN và kết quả là không được xuất ngoại, trong khi đòi lại tiền thì vô cùng nan giải.

“NLĐ nên tìm hiểu kỹ trước khi chọn DN để đi XKLĐ, tốt nhất là trực tiếp đến các công ty được cấp phép, có uy tín” – nhiều chuyên gia khuyến cáo.

Nhận diện công ty lừa đảo

Cần lưu ý, tất cả công ty XKLĐ đều phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho NLĐ. Đây là điều kiện bắt buộc, nên nếu công ty mà NLĐ tìm hiểu không có thì chắc chắn là DN không minh bạch.

Khi đến văn phòng tư vấn XKLĐ nào đó mà thấy có “liên kết” với công ty khác, NLĐ cần liên hệ ngay công ty này để xem họ có liên kết thật không, hoặc yêu cầu họ cung cấp giấy phép hoạt động XKLĐ. Khi ký hợp đồng lao động, NLĐ cần yêu cầu công ty XKLĐ ký trực tiếp với mình. Trong hợp đồng cần ghi rõ nơi làm việc (công ty, nhà máy, công trường… ở các nước). Nếu không nêu được cụ thể hay né tránh ghi điều này trong hợp đồng thì nhiều khả năng công ty đó là lừa đảo. Để chắc chắn hơn, NLĐ cần tìm hiểu xem công ty này có hợp đồng lao động tiếp nhận lao động của xí nghiệp, nhà máy, công trường ở nước ngoài hay không.

Một chiêu trò mà những kẻ lừa đảo hay sử dụng là “bao” làm hộ chiếu. Các công ty lừa đảo hay lấy hộ chiếu để làm mồi nhử NLĐ. Họ nói rằng làm hộ chiếu sớm sẽ xuất ngoại sớm nhưng thực tế, để được đi XKLĐ, NLĐ còn phải làm rất nhiều thủ tục pháp lý khác…

Tính đến nay, Bộ LĐ-TB-XH đã cấp giấy phép XKLĐ cho 345 DN trên cả nước. Bộ cũng đã rút giấy phép nhiều DN do vi phạm hoặc không đủ điều kiện. Tất cả những thông tin này đều có trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Để tránh bị lừa, tốt nhất NLĐ nên tìm hiểu thông tin, thủ tục tại sở LĐ-TB-XH của địa phương mình đang sinh sống.

11 tháng, gần 120.000 người đi làm việc ở nước ngoài

Theo số liệu báo cáo từ các DN, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 11-2017 là 12.732 người, trong đó có 4.616 nữ. Các thị trường được NLĐ chọn gồm: Đài Loan 6.777 lao động (2.311 nữ), Nhật Bản 5.028 lao động (1.389 nữ), Ả Rập Saudi 339 lao động (336 nữ), Hàn Quốc 203 lao động (19 nữ), Malaysia 65 lao động (31 nữ), Rumania 205 lao động…

Như vậy, trong 11 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 118.859 người, đạt 113,2% kế hoạch năm.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin