Văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng, là điều kiện để tồn tại và phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào. Doanh nghiệp không có nền tảng văn hóa riêng sẽ rất khó gây ấn tượng niềm tin nơi khách hàng trong mọi hoạt động. Dưới đây là 5 nền tảng văn hóa mà doanh nghiệp nào cũng nên có, hãy cùng tìm hiểu.
Văn hóa tôn trọng
Đầu tiên và có lẽ cũng là văn hóa quan trọng nhất trong mỗi đoàn thể, tổ chức đó là sự tôn trọng. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, văn hóa tôn trọng thể hiện ở thái độ, cách giao tiếp, cư xử khách quan, đúng mực trong hành động cũng như nhận định của bất kỳ cấp bậc nào, không phân biệt quản lý, giám đốc hay nhân viên. Tất cả mọi người trong tổ chức cần học cách đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự và lợi ích chung. Điều này không chỉ thể hiện qua công việc mà còn liên quan đến khía cạnh cá nhân, tức là tôn trọng đời sống riêng tư của những người xung quanh bạn.
Văn hóa ứng xử
Có những doanh nghiệp tiêu tốn rất nhiều tiền trong việc cung cấp cho nhân viên những khóa học về đối nhân xử thế cũng như tương tác với nhau trong khi làm việc, sinh hoạt chung. Phải nói rằng văn hóa ứng xử đóng vai trò to lớn trong việc hoàn thiện nhận thức cho cá nhân nội bộ về bộ quy tắc chuẩn mực trong giao tiếp công việc, các buổi họp, trò chuyện thân mật cũng như truyền đạt thông tin. Tính nhất quán, nhân viên hay lãnh đạo đều là đối tượng bình đẳng trong vai trò xây dựng nét văn hóa doanh nghiệp này, nhất là biểu hiện ở lời “cám ơn và xin lỗi”, cần nghiêm túc thực hiện ở khắp các phòng ban, bộ phận.
Văn hóa lạc quan
Lạc quan là một trong những tố chất cá nhân cần thiết mà bất kỳ ai cũng nên rèn luyện. Bởi tính chất tích cực của nó mà ngày nay tố chất này đã được khái quát lên để trở thành một văn hóa bất di bất dịch mà doanh nghiệp nào cũng cần phải kiến thiết. Bối cảnh cạnh tranh, mạo hiểm và hành động ngày nay đã làm cho không ít doanh nghiệp rơi vào khó khăn, khủng hoảng. Lúc này văn hóa lạc quan càng thể hiện vai trò của nó hơn bao giờ hết. Một vị lãnh đạo lạc quan sẽ giúp quản lý các cấp lạc quan và từ đó truyền tải năng lượng tích cực đến khắp các nhánh nhỏ hơn, tạo dựng tinh thần chung cho cả doanh nghiệp đối mặt với thách thức, Trưởng phòng Tư vẫn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ.
Văn hóa xếp hàng
Bên cạnh những yếu tố lớn lao trên, doanh nghiệp chắc chắn không được quên những chi tiết nhỏ, quen thuộc nhưng góp phần hình thành hiệu ứng chung một cách hiệu quả bất ngờ – văn hóa xếp hàng. Xếp hàng khi đợi thang máy, khi lấy nước, khi muốn sử dụng máy pho-to,… tưởng chừng như đây đều là chuyện nhỏ nhưng chắc chắn nó sẽ giúp hình thành thói quen cho nhân viên trong tổ chức, từ đó hướng đến áp dụng trong những trường hợp đòi hỏi yếu tố trật tự và kỷ luật cao như xếp hàng khi khẩn cấp: cháy nổ, thiên tai, thoát hiểm,… nhằm đảm bảo sự an toàn và ổn định tâm lý cho tất cả mọi người trong tình huống cụ thể.
Văn hóa dân tộc
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp đó là yếu tố bản sắc. Biến động trong hội nhập, thích nghi và sàng lọc đã làm không ít tổ chức đánh mất bản sắc truyền thống đã dày công xây dựng trong suốt những thời kỳ tiền nhiệm. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng, dịch vụ mang đậm đà tính dân tộc như gốm mỹ nghệ, dệt may,… Để cạnh tranh và củng cố vị thế trong lòng người tiêu dùng, doanh nghiệp không những chỉ tiếp thu cái mới mẻ hiện đại mà còn đảm bảo giữ được tính văn hóa dân tộc trong từng sản phẩm, dịch vụ. Đối với những doanh nghiệp không đặc thù thì yếu tố dân tộc thể hiện thông qua ngôn ngữ, trang phục, giá trị tư tưởng trong nhân viên cũng như tinh thần tự tôn dân tộc, tránh lai căng, hòa nhập chứ không hòa tan.