Hiện tại các ngân hàng của Việt Nam đều có quy tắc riêng trong việc đưa ra con số tài khoản nhất định. Có ngân hàng quy định số tài khoản dài đến 15 chữ số song có nhà băng chỉ có 8 chữ số.
Khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng thì thẻ ATM hay tên đăng nhập, mật khẩu, số tài khoản,… là những thông tin cốt yếu nhất của mỗi khách hàng. Trên thực tế, nhiều người không để ý có thể tưởng nhầm số thẻ là số tài khoản thanh toán, cũng như thắc mắc về các dãy số tài khoản mỗi ngân hàng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin thú vị về điều này.
Số thẻ và số tài khoản
Nhiều người vẫn nhầm lẫn số thẻ in dập trên thẻ ATM là số tài khoản. Thực tế, đó chỉ là dãy số để các ngân hàng theo dõi các khách hàng, còn số tài khoản hầu hết sẽ không in trên thẻ.
Muốn biết được số tài khoản của mình để thực hiện các giao dịch chuyển tiền, mua bán,… có hai cách thực hiện. Một là dùng thẻ đưa vào máy ATM nhập mật khẩu sau đó chọn nút vấn tin tài khoản chọn in hóa đơn chi tiết để có thông tin cần tìm. Cách thứ hai là mang thẻ và CMND đến bất cứ chi nhánh, phòng giao dịch nào tại ngân hàng mở thẻ để yêu cầu họ cung cấp số tài khoản.
Đa phần các thẻ ATM để rút tiền tại Việt Nam đều liên kết qua một tài khoản thanh toán. Đây là tài khoản thường không tính lãi suất hàng tháng, hoặc lãi suất không kỳ hạn ở mức thấp nhất của ngân hàng.
Song cũng có loại thẻ, số thẻ đồng thời là số tài khoản. Loại thẻ này thường không chính chủ, có thể mua nó dễ dàng ở một vài ngân hàng và tặng cho người khác một cách lịch sự, hiện đại. Người được tặng có thể cà thẻ để chi tiêu, rút tiền hoặc thậm chí có thể thanh toán online…Loại thẻ VISA/MasterCard trả trước của một vài ngân hàng là điển hình có số thẻ dùng chung với số tài khoản.
Cấu trúc số tài khoản tùy thuộc từng ngân hàng
Hiện tại các ngân hàng của Việt Nam đều có quy tắc riêng trong việc đưa ra con số tài khoản nhất định. Chẳng hạn số tài khoản của Vietcombank gồm 13 số, trong đó 3 số đầu đại diện cho một chi nhánh ngân hàng, ví dụ 001 là Sở giao dịch, 002 là chi nhánh Hà Nội, 007 là chi nhánh TP.HCM, 044 là chi nhánh Tân Bình,…
Hoặc chỉ cần ai đó nói tên tài khoản bắt đầu bằng 711A là đã biết ngay đó là tài khoản của ngân hàng VietinBank. Số tài khoản của các khách hàng VietinBank thường với cấu trúc bao gồm 711A ở đầu và 8 số phía sau. Ví dụ: 711A 12345678.
Phần ký tự chữ có trong số tài khoản có phần hạn chế nếu khách hàng muốn chuyển khoản tiền tại cây ATM mà phải chuyển khoản qua tài khoản trực tuyến hoặc đến tận quầy giao dịch.
Một số ngân hàng có số tài khoản khá dài như Bắc Á bao gồm 15 chữ số, 3 số đầu là mã chi nhánh. Số tài khoản của ngân hàng Techcombank gồm 14 số, trong đó 3 số đầu đại diện cho 1 chi nhánh ngân hàng: Ví dụ 102 là chi nhánh TP.HCM, 196 là chi nhánh Ba Đình – Hà Nội…
Trong khi đó, VPBank là ngân hàng có số tài khoản khá đơn giản với 8-9 chữ số và không bao gồm ký tự chữ.
Có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng
Ngân hàng cho phép khách hàng mở nhiều tài khoản dưới 1 mã số khách hàng (CIF). Mã số này thường quản lý dựa trên một số trên giấy tờ cá nhân (CMND, hộ chiếu…). Nhờ đó một ngân hàng có thể biết khách hàng của mình đang có bao nhiêu tài khoản thanh toán, bao nhiêu thẻ tín dụng, bao nhiêu tài khoản gửi tiết kiệm… Khách hàng cũng có thể mở thêm tài khoản thanh toán ngoại tệ như USD, EUR khi có nhu cầu.
Theo ý kiến của nhiều người, việc mở thêm tài khoản thấy tiện hơn việc mở thẻ phụ, khi cần in sao kê tài khoản cũng dễ quản lý và kiểm soát hơn nhiều.