Giá vàng trong nước vừa có tuần nổi sóng, tái lập đỉnh 39 triệu đồng/lượng sau nhiều năm. Dù vậy, trạng thái giá trong nước thấp hơn giá thế giới quy đổi vẫn thể hiện.
Đêm qua, giá vàng thế giới đã chính thức vượt mốc 1.400 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2013.
Như BizLIVE đề cập ở bản tin trước , có 5 yếu tố quan trọng nhất đang tác động đến thị trường vàng, tạo cú bứt phá giá mạnh mẽ trong tuần này.
Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed ) nói đến việc giảm lãi suất cơ bản đồng USD trong tuần này, đồng USD giảm giá. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Australia cũng chuyển hướng sang chính sách tiền tệ nới lỏng.
Thứ hai, lợi suất của thêm nhiều loại trái phiếu giảm xuống mức âm, như vậy sức hấp dẫn của vàng với một số loại tài sản khác đang tăng lên.
Thứ ba, căng thẳng địa chính trị leo thang, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh.
Thứ tư, tiền đang đổ vào thị trường, dòng tiền tăng mạnh từ cuối tháng 5/2019.
Thứ năm, nhiều ngân hàng trung ương lớn của thế giới như Nga và Trung Quốc mua mạnh vàng.
Bám sát diễn biến trên thị trường thế giới, giá vàng trong nước tuần này cũng tăng mạnh. Dù điều chỉnh nhẹ sáng nay (22/6), nhưng sáng hôm qua (21/6) giá vàng miếng SJC có thời điểm lên 39,1 triệu đồng/lượng.
Có một điểm được chú ý trong đợt biến động này: dù tăng mạnh nhưng giá vàng trong nước vẫn duy trì trạng thái luôn thấp hơn giá thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại Vietcombank.
Trao đổi với BizLIVE, một lãnh đạo của Vụ Quản lý Ngoại hối ( Ngân hàng Nhà nước ) nêu góc nhìn từ nhà quan sát thị trường: “Vừa qua, khi giá vàng SJC bắt đầu tăng trên mốc 37 triệu đồng/lượng, hoạt động bán ra mạnh lên và bán ra rất lớn khi giá tăng lên cao. Điều này tạo áp lực lên cầu yếu. Theo đó, tổng giao dịch ở mức thấp và giá vàng SJC luôn thấp hơn giá thế giới”.
Như vậy, sau một thời gian dài giá vàng SJC chỉ xoay trong khoảng 36 – 36,5 triệu đồng/lượng, bước tăng lên quanh 39 triệu đồng/lượng đã kích thích hoạt động bán ra chốt lời, tạo cung. Trong khi đó, hiện tượng đổ xô đi mua vàng tạo áp lực cầu như trước đây không xẩy ra.
Mặt khác, kể từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường vàng Việt Nam đã bớt liên thông với thị trường thế giới. Cơ chế quản lý đã thay đổi so với trước, Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng; hoạt động nhập khẩu vàng chính ngạch cũng ngừng hẳn từ đó đến nay.
Thị trường vàng trong nước có đời sống riêng và không liên thông như bình thông đáy hoàn toàn với thị trường thế giới. Cung – cầu trong nước vẫn là yếu tố có tính quyết định đến giá. Và trong đợt biến động này, cũng như thời gian qua, thị trường vẫn tự dưỡng được mà không phải nhập vàng về để đáp ứng nhu cầu.
Trong trường hợp cầu lớn và đòi hỏi tạo cung, Ngân hàng Nhà nước vẫn là đầu mối có vai trò giám sát và điều tiết trong những tình huống có xáo trộn lớn, mà được biết trong cơ cấu dự trữ ngoại hối hiện vẫn có một tỷ trọng là vàng để có thể sẵn sàng can thiệp nếu cần.