Tham khảo ý kiến của những người khôn ngoan và để sự khôn ngoan của họ bảo vệ kho báu của bạn khỏi những khoản đầu tư không an toàn.
Arkad, người đàn ông giàu có nhất thành Babylon (trích cuốn “The Richest Man in Babylon” của George Samuel Clason – một doanh nhân, nhà văn người Mỹ) đã đưa ra rất nhiều bài học chỉ dẫn học trò của mình về đầu tư – tiết kiệm. Dưới đây là các lời khuyên của ông đúc kết trong chính cuốn sách đình đám của mình.
Bài học số 1: Trả tiền cho bản thân trước
Cứ mỗi 10 đồng tôi kiếm được, tôi chỉ tiêu hết 9 đồng. Bài học đầu tiên mà Arkad đưa ra cho các học trò của mình là hãy trả tiền cho bản thân trước. Đây có thể là châm ngôn cơ bản nhất trong tất cả các lĩnh vực tài chính cá nhân, nhưng nếu bạn không tuân theo nó, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của việc chi tiêu dè sẻn tới cuối tháng.
Vậy thế nào là “trả tiền cho mình trước”? Có 2 cách để nhìn nhận về tiết kiệm, và về mặt toán học, chúng giống hệt nhau.
Tiết kiệm = Thu nhập – Chi tiêu
Chi tiêu = Thu nhập – Tiết kiệm
Về mặt toán học, 2 phương trình đó bằng nhau. Tuy nhiên, tâm lý đằng sau chúng rất khác nhau. Nếu bạn làm theo phương trình đầu tiên, bạn đang tiết kiệm số tiền còn lại sau khi chi tiêu. Bạn đang đi theo con đường của một người Mỹ bình thường – gần 80% sống theo kiểu chi tiêu dè sản tới cuối tháng. Trừ khi bạn có một sức mạnh ý chí khác thường, nếu không sẽ rất khó để chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được nếu bạn không ưu tiên cụ thể một khoản tiết kiệm nào đó.
Phương trình thứ hai là một sự thay đổi tư duy tinh tế nhưng có ý nghĩa. Bạn đang đưa ra quyết định có ý thức để “trả tiền cho bản thân trước” – tức là tiết kiệm một tỷ lệ phần trăm nhất định trong thu nhập của bạn trước khi quyết định chi tiêu hàng tháng. Thay vì tiết kiệm những gì còn lại, bạn đang tiêu những gì còn lại. Mặc dù ban đầu đây có thể là một sự thay đổi khó khăn, nhưng khi bạn đã quen với nó, bạn thậm chí sẽ không cảm thấy nó ảnh hưởng đến lối sống của mình.
Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn được tăng lương. Số tiền tăng lên đã đi đâu mất? Có lẽ câu trả lời sẽ là không biết. Vậy nếu lần tới khi bạn được tăng lương, bạn quyết định chuyển toàn bộ số tiền chênh lệch đó vào tài khoản tiết kiệm thì sao? Lối sống của bạn vẫn sẽ không bị ảnh hưởng và bạn sẽ không nhận thấy sự khác biệt, nhưng khoản tiết kiệm và giá trị ròng thanh khoản của bạn sẽ bắt đầu tăng lên.
Hiện tại, bạn đang trả tiền cho mình trước và sống bằng phần còn lại, thay vì hy vọng bạn còn tiền vào cuối tháng để tiết kiệm cho tương lai.
Bài học số 2: Sống trong khả năng của bạn
Đây là cách chữa trị thứ hai cho hầu bao eo hẹp. Lập ngân sách chi tiêu sao cho bạn có thể có tiền để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu của mình, chi trả cho những sở thích và thỏa mãn những mong muốn xứng đáng của bạn mà không tiêu quá 9/10 số tiền bạn kiếm được.
Có thể bạn sẽ nói rằng bản thân không thể tự trả cho mình trước hay tiết kiệm một phần thu nhập vì thu nhập của bạn hiện tại thậm chí còn không đủ trang trải các chi phí của bản thân!
Trên thực tế, hầu hết mọi người đều đang nhầm lẫn các khoản chi cần thiết với các khoản chi theo hứng. Ai trong chúng ta cũng đều luôn muốn có cái này hoặc cái kia, và có một thực tế rằng càng có nhiều tiền thì những mong muốn sẽ càng tăng, đó là lý do tại sao việc duy trì ngân sách là rất quan trọng, để bạn biết tiền của mình sẽ đi đâu.
Mong muốn vượt quá khả năng bất kể mức thu nhập là một hiện tượng thường thấy. Ngay cả khi bạn kiếm được 500 triệu hay 1 tỷ một năm, sẽ luôn có những thứ bạn mong muốn mà nó ở xa tầm với của bạn.
Bằng cách điều chỉnh suy nghĩ, tiết kiệm một phần thu nhập của bản thân trước (người giàu nhất thành Babylon sử dụng 10%), bạn sẽ thấy mình vẫn hoàn toàn có thể thỏa mãn một vài mong muốn cá nhân cũng như sống tốt với thu nhập hiện có của mình.
Bài học số 3: Giữ tiền của bạn an toàn
Tham khảo ý kiến của những người khôn ngoan. Hãy để sự khôn ngoan của họ bảo vệ kho báu của bạn khỏi những khoản đầu tư không an toàn.
Warren Buffett nổi tiếng với 2 quy tắc đầu tư:
Không bao giờ để mất tiền.
Đừng bao giờ quên quy tắc số 1.
Tính kỷ luật của Buffett đã khiến ông trở thành một trong những người đàn ông giàu có nhất thế giới. Bất chấp quan điểm phổ biến thời đó, ông chỉ đầu tư vào những gì ông biết và hiểu. Trong khi mọi người đang chạy đua để đầu tư vào Apple, Google, Facebook và những đợt IPO công nghệ lớn mới nhất thì Buffett vẫn luôn xây dựng tài sản của mình một cách chậm rãi và có phương pháp bằng cách đầu tư vào các công ty truyền thống hơn mà ông hiểu rõ.
Điều đó không có nghĩa là có gì sai khi mua cổ phiếu công nghệ, nhưng đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của Buffett, vì vậy ông sẽ chỉ đầu tư vào những gì mình biết.
Giấc mơ trở thành triệu phú chỉ sau một đêm, hiếm khi có kết cục tốt đẹp. Quá trình làm giàu thực sự thường diễn ra một cách chậm rãi và ổn định.
Cá nhân tôi quyết định đầu tư thời gian, sức lực và nghiên cứu học hỏi để đầu tư vào bất động sản. Tôi học hỏi từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn (không phải những bậc thầy làm giàu nhanh chóng), và quyết tâm trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Điều đó không có nghĩa là tôi không phạm sai lầm trong quá trình làm việc, nhưng bằng cách tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn và làm việc chăm chỉ, tôi đã có thể tăng giá trị tài sản ròng của mình một cách an toàn hơn nhiều so với việc thử sức ở hàng tá thứ khác nhau mà mình không biết nhiều về.
Bài học số 4: Học cách làm giàu quan trọng hơn trở nên giàu có
Hãy tưởng tượng hai người có số tài sản bằng nhau – giả sử là 100 triệu đô la. Một người làm giàu trong hơn 20 năm thông qua tạo dựng một doanh nghiệp thành công, đồng thời đầu tư lợi nhuận của mình một cách khôn ngoan. Người còn lại trúng xổ số vài tuần trước.
Nếu cả hai người này đột nhiên mất hết tiền, bạn nghĩ ai sẽ là người một lần nữa giàu có lại nhanh hơn?
Tôi sẽ đặt cược vào người giàu có nhờ làm việc chăm chỉ và kỷ luật. Anh ta sống nhờ khả năng của mình, sử dụng các kỹ năng của mình để tăng khả năng kiếm tiền và tận dụng các cơ hội có sẵn để làm giàu.
Người còn lại không phải học các kỹ năng trì hoãn sự hài lòng, xây dựng sự giàu có hay những thăng trầm cần thiết để điều hành một doanh nghiệp thành công. Nếu để tự lập, anh ta không có kiến thức và kỹ năng để làm giàu. Có gì ngạc nhiên khi gần một phần ba số người trúng xổ số tuyên bố phá sản (cao hơn nhiều so với tỷ lệ phá sản trung bình)?
Học những thói quen tạo dựng sự giàu có là một kỹ năng sẽ không ngừng mang lại lợi nhuận bất kể bạn có bao nhiêu tiền. Nhưng nếu không có những bài học về quản lý tiền bạc trên con đường làm giàu, bạn gần như không thể giữ được tiền của mình, ngay cả khi bạn là người trúng xổ số “may mắn nhất” trên thế giới.