Theo chuyên gia tới từ Chứng khoán Tân Việt, thị trường chứng khoán cấu thành bởi các doanh nghiệp, do đó NĐT nên đi tìm cổ phiếu có bản chất, có chất lượng.
Thị trường chứng khoán đang trong chuỗi ngày tương đối biến động cùng các sự kiện trên thế giới như ECB tăng lãi suất kỷ lục hay FED chuẩn bị tăng lãi suất tháng 9. Những yếu tố này đè nặng lên các thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên bất chấp thị trường suy yếu, nhiều nhóm ngành cổ phiếu giảm điểm vẫn tồn tại những cổ phiếu đi lên, hay được gọi là những cổ phiếu “ngược sóng”.
Tại chương trình Khớp lệnh, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã có những góc nhìn và chia sẻ giúp nhà đầu tư tìm được cổ phiếu đi ngược thị trường.
Bàn luận về sự kiện Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ra quyết đinh tăng lãi suất 0,75%. Ông Nam cho rằng đây là lần thứ 2 mà ECB tăng lãi suất liên tiếp. Trước đây, câu chuyện lạm phát ở châu Âu hay Mỹ do giá khí đốt đã được nhắc đến khá nhiều. Động thái tăng lãi suất cũng một phần do lạm phát tăng. Chuyên gia đến từ TVSI nhận thấy được áp lực của lạm phát làm thay đổi mặt bằng lãi suất khi ECB sau nhiều năm duy trì mức lãi suất gần như bằng 0, giờ bắt đầu tăng.
Theo đó, ông Nam chỉ ra rằng không phải cứ tin ra là thị trường phản ánh ngay lập tức. Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia dự báo ngày 22/9 sắp tới FED sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm % với xác suất lên tới 80%. “Rõ ràng lãi suất lúc nào cũng là chỉ báo ngược so với thị trường chứng khoán, nó thể hiện tại sao các chỉ số lớn trên thế giới hay tại Việt Nam đang giao dịch ở mức thấp hơn mức đỉnh. Cụ thể, VN-Index giao dịch thấp hơn khoảng 20% so với đỉnh được thiết lập vào tháng 4/2022“, ông Nam cho hay.
Khi được hỏi làm thế nào để tìm ra được cổ phiếu đi ngược thị trường, chuyên gia định nghĩa rằng đầu tư trên thị trường nghĩa là đầu tư vào doanh nghiệp. TTCK cấu thành bởi các doanh nghiệp, do đó một phần NĐT phải thực sự cố gắng đi tìm cổ phiếu có bản chất, có chất lượng. Ngoài ra, cổ phiếu đó cũng cần có linh hồn của hoạt động kinh doanh đến từ doanh thu, lợi nhuận tạo công ăn việc làm hay trả cổ tức.
Mặt khác, ông Nam luôn đi tìm doanh nghiệp có sự thay đổi và là sự thay đổi khỏe hơn thị trường. Từ tháng 4 cho đến thời điểm hiện tại, thị trường có hồi nhưng cơ bản là đi ngang và không tạo ra nhiều lợi nhuận. “Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm ra một cổ phiếu hay ngành nghề nào đó mà nó có sự thay đổi, chúng ta có thể yên tâm hơn về cổ phiếu đó trong những giai đoạn thị trường biến động không được tốt. Điển hình như khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế hồi phục trở lại, ngành hàng không hay bán lẻ sẽ hồi phục mạnh, bản thân tôi sẽ tìm những cổ phiểu như thế“, chuyên gia chia sẻ thêm.
Nhìn nhận về nhóm cổ phiếu Ngân hàng, vị chuyên gia tới từ TVSI đánh giá sau khi NHNN điều chỉnh nới room tín dụng, mức độ tăng trưởng tín dụng các ngân hàng ở thời điểm hiện tại vẫn thấp hơn so với năm ngoái. Chẳng hạn như TCB năm ngoái tăng trưởng 26%, dù nới room nhưng vẫn đang tăng trưởng ở mức 11,7%.
Theo thống kê từ chuyên gia Lê Ngọc Nam
Ông Nam chia sẻ các cổ phiếu ngân hàng 6 tháng đầu năm có kết quả kinh doanh tốt, điển hình như MBB hay VCB. Nguyên nhân do các nhà băng này đẩy tín dụng lên trước. Do đó, ông đánh giá dư địa cuối năm còn khoảng 3% và mức độ tăng trưởng lợi nhuận không còn như 6 tháng đầu năm.
Theo quan điểm của ông Lê Ngọc Nam, về cơ bản định giá của các cổ phiếu ngân hàng không quá cao nhưng cũng không quá thấp khi P/B ở mức 1,1-1,3 lần. Chuyên gia khuyến nghị: “Nếu nhà đầu tư giao dịch theo trường phái kỹ thuật, nên giảm danh mục. Nhưng NĐT nắm giữ lâu dài thì cũng không đến nỗi tệ, tất nhiên phải mua từ từ.“