Cùng tham khảo để lựa chọn được tấm ốp tường phù hợp nhất cho căn bếp gia đình.
Backsplash hay còn được gọi là tấm ốp tường bếp là một bề mặt thẳng đứng không thấm nước nhằm bảo vệ bức tường phía sau bếp hoặc mặt bàn trong nhà bếp. Các viên gạch thường được sắp xếp theo nhiều kiểu đa dạng để làm nổi bật hoặc tăng tính thẩm mỹ cho căn bếp. Đồng thời, tấm ốp giúp ngăn chặn dầu mỡ hay thức ăn làm ố hoặc làm hỏng tường bếp.
Giống như việc lựa chọn gạch ốp phòng tắm thì việc lựa chọn chất liệu ốp tường nhà bếp cũng quan trọng không kém bởi nó có ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung của cả căn phòng. Một quyết định vội vàng có thể khiến bạn hối hận khi nhìn vào mỗi lần nấu nướng hay hoạt động bên trong nhà bếp.
Để có thể đưa ra được lựa chọn vật liệu ốp tường bếp phù hợp nhất, bạn nên cố gắng tìm hiểu rõ hơn về tính chất của từng vật liệu. May mắn thay, những thông tin hữu ích đã được tổng hợp dưới đây sẽ cho bạn biết rõ về điều đó mà không cần tốn nhiều thời gian tra cứu.
1. Đá tự nhiên
Một trong những vật liệu phổ biến nhất được dùng để ốp tường nhà bếp chính là đá tự nhiên. Đồng thời, đá tự nhiên cũng được sử dụng để ốp mặt bàn bếp hoặc sàn nhà bếp. Nhờ vậy mà hiệu quả thẩm mỹ do đá tự nhiên tạo ra bên trong nhà bếp vô cùng ấn tượng và đẹp mắt. Lựa chọn này thường xuất hiện bên trong những căn bếp mang phong cách hiện đại.
Chất liệu đá tự nhiên không chỉ đẹp mắt mà còn chịu nhiệt tốt, dễ dàng lau chùi mang đến nhiều tiện lợi trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, chất liệu cũng có những hạn chế nhất định mà tiêu biểu nhất chính là chi phí cao, khó thay thế.
2. Gạch men
Gạch men được làm từ hỗn hợp đất sét và nung trong lò ở nhiệt độ cao để tạo ra thành phẩm. Đây là vật liệu ốp tường nhà bếp phổ biến nhất mà bạn thường thấy do chi phí thấp, độ bền cao. Bên cạnh đó, mẫu mã phong phú, màu sắc đa dạng cho khách hàng có nhiều lựa chọn cũng là ưu điểm nổi trội của loại vật liệu này.
3. Gạch thủy tinh
Lựa chọn ốp tường bằng gạch thủy tinh sẽ tốn chi phí hơn so với sử dụng gạch men. Song loại vật liệu này có thể giữ sạch lâu dài. Ngoài ra, gạch thủy tinh còn có rất nhiều màu sắc, không bị phai màu theo thời gian sử dụng. Gạch thủy tinh có thể ngăn ngừa hình thành vết bẩn hoặc vết ố trong quá trình sử dụng rất ấn tượng nên thường là lựa chọn yêu thích của hội chị em nội trợ ưa sạch sẽ.
4. Kim loại
Tường nhà bếp ốp bằng kim loại phổ biến tại các căn bếp công nghiệp, bếp nhà hàng hơn là bếp gia đình. Loại vật liệu này được yêu thích bởi dễ vệ sinh, không bị ảnh hưởng bởi các dung dịch axit. Do đó, trong quá trình sử dụng dù các loại nước sốt hay nước ép trái cây có bắn ra thì cũng không thể tạo ra các vết hoen ố và bạn chỉ cần dùng khăn mềm lau chùi là đã xử lý xong vết bẩn.
Một nhược điểm dễ nhận thấy nhất khi sử dụng chất liệu kim loại đó chính là dễ bị trầy xước và tính thẩm mỹ không cao.
5. Gạch tự nhiên
Gạch tự nhiên cũng là lựa chọn của không ít gia đình sử dụng để ốp tường nhà bếp. Chúng thường có bề mặt thô, mộc mạc mang đậm vẻ đẹp tự nhiên. Hiệu quả tạo ra giúp đem đến một nét đẹp rất riêng cho không gian nhà bếp.
Khi lựa chọn ốp bằng gạch tự nhiên thì yêu cầu đi kèm chính là cần được làm sạch thường xuyên, tránh để bám bụi bẩn.
6. Đá nhân tạo
Một vật liệu khác mà bạn có thể lựa chọn để ốp tường nhà bếp chính là đá nhân tạo. Chúng đem đến vẻ đẹp cho căn bếp gia đình mà không tốn nhiều thời gian, chi phí như khi lựa chọn đá tự nhiên. Tất nhiên, mỗi vật liệu đều có những hạn chế và đá nhân tạo cũng không ngoại lệ. Loại đá này dễ hấp thụ dầu mỡ và thức ăn nên dễ tạo thành vết ố làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của căn bếp.