Cách xử lý thông minh trẻ hay chống đối, cãi lời cha mẹ

Ở độ tuổi nào thì trẻ cũng có lúc bướng bỉnh, không nghe lời cha mẹ. Những lúc như thế, phụ huynh cần làm gì để dạy con? Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho cha mẹ một số cách xử lý tình huống khi con cãi lời, ương bướng.

TIN MỚI

1. Lắng nghe ý kiến của trẻ

Khi cha mẹ và con cái bất đồng quan điểm, nếu phụ huynh cứ nhất quyết ép con phải làm theo ý mình, trẻ sẽ không phục và sinh lòng chống đối, cãi lại. Bởi con cũng có suy nghĩ và quan điểm riêng. Nhất là trẻ ở độ tuổi dậy thì đang khao khát thể hiện cái tôi của bản thân. Vì vậy cha mẹ cần lắng nghe ý kiến của trẻ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Hãy hỏi trẻ xem vì sao con lại có suy nghĩ như thế và phân tích cho chúng hiểu, nếu làm theo ý con thì sẽ ra sao. Chắc chắn khi bạn lắng nghe con, chúng sẽ cảm thấy bản thân được tôn trọng. Con cũng sẽ bình tĩnh lắng nghe lời của cha mẹ hơn.

2. Cố gắng rõ ràng mọi việc

Cha mẹ đừng vội đổ lỗi cho trẻ, có thể con chưa hiểu được bạn muốn gì. Phụ huynh hãy chắc chắn rằng yêu cầu bạn đưa ra cho bé là cụ thể và hoàn toàn khả thi với lứa tuổi của chúng. Ví dụ như cha mẹ chỉ nói: “Con dọn phòng đi”, có thể trẻ chỉ quét nhà là xong. Nhưng nếu phụ huynh đưa ra yêu cầu cụ thể hơn: “Con quét nhà, gấp gọn chăn và quần áo, sắp xếp lại sách vở” thì trẻ sẽ biết rõ hơn phải làm những gì. Hãy hướng dẫn trẻ theo cách đơn giản nhất và xem xét xem con gặp vướng mắc ở đâu để kịp thời hỗ trợ chúng. Như thế con sẽ không cảm thấy khó khăn trước những yêu cầu của cha mẹ và có hứng thú hơn để nghe lời.

Cách xử lý thông minh trẻ hay chống đối, cãi lời cha mẹ - Ảnh 1.

3. Trả lời con cùng 1 tông giọng

Khi con không nghe lời, cha mẹ đừng quát mắng, dùng giọng trịch thượng mà đối đãi trẻ. Cách này chỉ khiến chúng càng thêm ngỗ nghịch, cãi lại hơn. Cha mẹ hãy điều chỉnh lại giọng nói của mình bằng với tông giọng của con. Nếu con đang đứng, bạn có thể ngồi xuống, để tầm mắt ngang với tầm mắt của con rồi đối thoại. Nhờ đó con cảm thấy mình được tôn trọng hơn, cha mẹ là những người gần gũi chứ không phải kẻ ra lệnh.

4. Hạn chế sử dụng từ “không” đối với trẻ

Thay vì nói “Không”, phụ huynh hãy thử một phương pháp khác. Ví dụ như mẹ hét lên: “Không! Đừng chơi trong bếp nữa” thì thay thế thành: “Trong bếp rất bừa bộn và chật hẹp. Con có thể ra ngoài vườn, sân để chơi sẽ thoáng và rộng rãi hơn”. Phương pháp này vô tình khiến trẻ trở nên nghe lời hơn bởi cha mẹ đã tạo cho con một hướng để lựa chọn thay vì quát mắng và đưa ra yêu cầu.

5. Đưa ra những nguyên tắc gia đình

Một số việc trong nhà phải đặt ra luật rõ ràng, đó là những công việc và cách ứng xử trong gia đình. Những ai vi phạm luật sẽ bị phạt nặng. Cha mẹ nếu lâu lâu vi phạm thì cũng ngoan ngoãn chấp hành một hình phạt nào đó cho trẻ hài lòng vì thấy luật gia đình thật nghiêm minh và công bằng.

Cách xử lý thông minh trẻ hay chống đối, cãi lời cha mẹ - Ảnh 2.

6. Hãy nói: “Làm ơn…”

Thay vì ra những câu mệnh lệnh tiêu cực, khiến trẻ không vui, cha mẹ có thể dùng từ “Làm ơn,…”. Như thế con sẽ cảm thấy vui vẻ hơn so với việc phải nghe lệnh.

7. Tìm nguyên nhân nếu con liên tục cãi lại

Nếu cha mẹ nhận thấy việc cãi lại của con lặp đi lặp lại, hãy nghiêm túc xem xét nguyên nhân vì sao. Biết đâu con bạn đi học về mỗi ngày trong tâm trạng tồi tệ? Đây có thể là chìa khóa để giải quyết một vấn đề lớn và tránh hậu quả tồi tệ hơn.

8. Khen ngợi hành vi tích cực

Ai cũng thích được đánh giá cao và con bạn cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Khi trẻ có hành vi tốt, cha mẹ hãy khen ngợi chúng. Như thế trẻ sẽ rất vui. Con sẽ phát huy. Bên cạnh đó phụ huynh đừng khen ngợi con thái quá, tránh việc chúng tự đắc, làm mình làm mẩy, đòi hỏi bất cứ thứ gì chúng muốn.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin