Các quỹ đầu cơ có lịch sử từ những năm 1940, khi một người đàn ông có tên Alfred Winslow Jones sáng tạo ra một cấu trúc đầu tư cho phép ông đặt cược vào cả hai kịch bản lên giá và xuống giá, đồng thời có thể thu được một khoản phí nhỏ.
Nội dung nổi bật:
– Các quỹ đầu cơ nắm trong tay một lượng tiền rất lớn được điều khiển bởi một nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng các chiến thuật và công cụ đầu tư phức tạp.
– Vì chiến thuật của các quỹ đầu cơ đòi hỏi nhiều kỹ năng, các quỹ đầu cơ thường đòi mức phí cao hơn so với quỹ tương hỗ.
Tháng 2 vừa qua, trên thị trường nổi lên thông tin gần một nửa các ông chủ quỹ đầu cơ giàu có nhất ở Anh đã ủng hộ tổng cộng 10 triệu bảng (tương đương 14,8 triệu USD) cho đảng Bảo thủ kể từ năm 2010. Đảng đối lập với đảng này là Lao động ngay lập tức cho rằng đây là chiêu trò trốn thuế của những “người bạn quỹ đầu cơ”.
Đầu tháng 3, chính đảng Lao động cũng bị cho là đã nhận được gần 600.000 bảng từ một quỹ đầu cơ hào phóng suốt từ năm 2012 đến nay. Từ xưa đến nay, các ông chủ quỹ đầu cơ vốn nổi tiếng với các kỹ năng đầu tư và những khối tài sản kếch xù. Tuy nhiên, làm cách nào mà họ có thể chi phối thị trường tài chính và thực sự thì các quỹ đầu cơ hoạt động như thế nào?
Các quỹ đầu cơ có lịch sử từ những năm 1940, khi một người đàn ông có tên Alfred Winslow Jones sáng tạo ra một cấu trúc đầu tư cho phép ông đặt cược vào cả hai kịch bản lên giá và xuống giá, đồng thời có thể thu được một khoản phí nhỏ.
Loại hình đầu tư này phát triển mạnh mẽ trong những năm 1990, khi chiến lược của George Soros đối với đồng bảng Anh buộc nước Anh phải bãi bỏ cơ chế tỷ giá hối đoái ERM. Cũng chính vì vụ này mà ông có biệt danh “người phá vỡ NHTW Anh”.
Các ông trùm quỹ đầu cơ “vi mô” khác như Julian Robertson và Michael Steinhardt cũng đạt được những thành tựu tương tự và được coi là “huyền thoại” trên thị trường. Gần đây hơn, chiến thuật đặt cược vào các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn đã giúp John Paulson trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, ngành này cũng có nhiều trường hợp tai tiếng mà điển hình là Bernie Madoff, người đã vào tù vì mô hình lừa đảo Ponzi.
Các quỹ đầu cơ nắm trong tay một lượng tiền rất lớn được điều khiển bởi một nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng các chiến thuật và công cụ đầu tư phức tạp. Ban đầu, mục tiêu của họ là đem về lợi suất dương trên tất cả các thị trường bằng cách bán (đặt cược rằng giá sẽ giảm) hay mua (dựa vào giá tăng) các loại tài sản.
Ví dụ, một quỹ đầu cơ có thể đặt cược vào “gã khổng lồ” dầu khí BP bằng cách mua vào cổ phiếu của hãng này, đồng thời thực hiện chiến lược bán khống trên thị trường. Với chiến thuật này, đặt cược vào một công ty cụ thể đã được phòng vệ trong khi quỹ cũng được bảo vệ trước nguy cơ thị trường sụt giảm trên diện rộng.
Trên thực tế, hiện nay các quỹ đầu cơ thường cố gắng khai thác những chênh lệch giá khá nhỏ trên thị trường. Chiến thuật này mang lại lợi nhuận khá lớn nếu khoản đầu tư sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao. Đồng thời, phương pháp tiếp cận này có thể được áp dụng trên tất cả các loại thị trường, từ cổ phiếu tới trái phiếu, tiền tệ hay cả những lĩnh vực đặc biệt như các vụ M&A.
Vì chiến thuật của các quỹ đầu cơ đòi hỏi nhiều kỹ năng, các quỹ đầu cơ thường đòi mức phí cao hơn so với quỹ tương hỗ. Thông thường, họ thu mức phí 2% trên số tiền mà họ quản lý, cộng với 20% phí hoạt động được tính toán dựa trên lợi nhuận thu được. Cách tính phí như trên giúp các nhà quản lý quỹ thu được lợi nhuận lớn (ví dụ, Soros được cho là có tài sản trị giá 24 tỷ USD). Mức phí cao cũng không phải là trở ngại đối với sự tăng trưởng của ngành này: số tài sản mà các quỹ đầu cơ quản lý đã tăng từ 40 tỷ USD trong năm 1990 lên gần 3.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2014.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Các nhà quản lý đang theo dõi các quỹ đầu cơ một cách sát sao, trong khi nhà đầu tư đòi hỏi mức phí thấp hơn. Các quỹ đầu cơ ghét bị so sánh với các loại hình đầu tư khác, tuy nhiên các quỹ này đang hoạt động kém hơn so với một quỹ thông thường gồm 60% là cổ phiếu và 40% là trái phiếu kho bạc. Năm ngoái, trung bình một quỹ đầu cơ đem về lợi suất 3,3% trong khi chỉ số S&P 500 đem về lợi suất lên tới 11,4%. Một số nhà đầu tư định chế (như CalPERS) đã bỏ qua các quỹ đầu cơ vì mức phí quá cao và chiến thuật của họ quá phức tạp.
Tuy nhiên, dù lời tiên đoán về cái chết của các quỹ đầu cơ đã được đưa ra nhiều lần, trong năm 2014, số quỹ mới ra đời vẫn nhiều hơn số quỹ phải đóng cửa.
Thu Hương