Ứng dụng TikTok hiện có mặt ở hơn 150 quốc gia, có hơn 1 tỷ người dùng, nhưng đằng sau sự hấp dẫn và vui nhộn mà Tiktok mang lại, nó cũng chứa đựng những mặt trái vô cùng nguy hiểm, gây ra những hệ lụy không thể đo đếm đối với xã hội.
Dù mỗi video có thời lượng chỉ khoảng vài chục giây, nhưng với hình ảnh bắt mắt, nhạc nền hay… đã khiến TikTok trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Dữ liệu từ Cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia cho thấy, TikTok đứng đầu danh sách 10 ứng dụng có lượt tải xuống nhiều nhất năm 2022 với 672 triệu lượt, người dùng TikTok tập trung cao ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi. Tại Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng ứng dụng TikTok đã tăng từ 34% năm 2020 lên 62% vào năm 2022, với thời lượng sử dụng tăng gấp đôi, từ 4% đến 8%. Thống kê cũng cho thấy, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi.
Theo nhà báo Ngô Bá Lục, TikTok giúp người dùng sáng tạo nội dung, nhưng cũng là nơi phát tán không ít sản phẩm độc hại, nhảm nhí, có nội dung tiêu cực, không phù hợp, nhất là với trẻ em. Những trào lưu độc hại, phản cảm trên TikTok ngày càng nở rộ đã gây ra nhiều hậu quả khó lường đối với chính người dùng và xã hội. “Tiktok là nền tảng ảo, nơi mọi người có thể chia sẻ và xem video của người dùng khác với nhiều mục đích khác nhau, cũng có thể đơn thuần chỉ là để giải trí. Tuy nhiên, ứng dụng này còn gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến một bộ phận giới trẻ Việt Nam: Các bạn trẻ bây giờ sống nhanh, nói nhanh, nghĩ nhanh. Rõ ràng nhanh thì sự cập nhật khá tốt nhưng chiều sâu lại không có, dẫn đến giới trẻ chỉ nhìn hiện tượng để đánh giá bản chất. Điều này vô cùng nguy hại từ thói quen dùng TikTok của một bộ phận giới trẻ”.
Cùng với các thông tin xấu độc, thì gần đây cũng có rất nhiều trào lưu nhảm nhí, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng xuất hiện trên TikTok. Có thể kể đến như: mài răng, uống thuốc dị ứng quá liều để tạo ảo giác… hay mới đây nhất là trào lưu “kiểm tra sức khỏe lá phổi” (nín thở lâu nhất có thể để chứng tỏ sức khoẻ tim phổi của mình tốt). Những clip này thu hút hàng triệu lượt xem, bình luận và làm theo. Mà theo cảnh báo từ các chuyên gia y tế thì điều này là cực kỳ nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Cũng theo nhà báo Ngô Bá Lục, sở dĩ những video với nội dung xấu, độc đang tràn lan trên TikTok là do công tác quản lý về nội dung còn quá lỏng lẻo. “Nếu như Facebook có chế độ kiểm duyệt khá tốt, chỉ cần có những ngôn từ gây kích động, chia rẽ hay hình ảnh nhạy cảm là họ “tuýt còi” phạt luôn và phạt ngay lần đầu chứ không phải vi phạm 3 lần mới phạt. Nhưng TikTok thì hiện tại chưa có điều này. Điều đáng nói ở đây là nếu nội dung lành mạnh thì không sao nhưng đa phần lại là nội dung xấu, độc. Điều này không phải do các TikToker, người sáng tạo nội dung không biết mà là họ cố tình làm những nội dung tào lao, điên khùng, lệch chuẩn để câu view, kiếm tiền. Vì thế, đứng trước “ma trận” những nội dung trên nền tảng TikTok, nếu không được trang bị những kiến thức cần thiết và các biện pháp sử dụng nền tảng một cách an toàn, người dùng rất dễ bị đầu độc bởi những nội dung xấu”, nhà báo Ngô Bá Lục nêu thực tế.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà TikTok cũng như các nền tảng xã hội khác mang tới cho đời sống xã hội nói chung, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số như hiện nay. Tuy nhiên, TikTok có thể gây hại nếu không được sử dụng đúng cách. Rất mong cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến mạng xã hội này và sớm có những biện pháp ngăn chặn thông tin, video độc hại một cách phù hợp. Bên cạnh đó, người dùng TikTok cần phải cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ mình khi sử dụng mạng xã hội, thông qua việc tự tạo một “bộ lọc” phù hợp cho bản thân. Đừng để mạng ảo nhưng hậu quả thật!
Do Kwon đã bị bắt?