Với chi phí phải bỏ ra cho mỗi km đường thấp hơn cùng nhiều tính năng vượt trội, xe máy chạy bằng điện đang ngày càng hoàn thiện, hiểu người dùng hơn, tuy nhiên để thay thế hoàn toàn xe xăng thì vẫn còn những thách thức phải vượt qua.
Với chi phí phải bỏ ra cho mỗi km đường thấp hơn cùng nhiều tính năng vượt trội, xe máy chạy bằng điện đang ngày càng hoàn thiện, hiểu người dùng hơn, tuy nhiên để thay thế hoàn toàn xe xăng thì vẫn còn những thách thức phải vượt qua.
Xe máy điện đang trở thành một giải pháp quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường an toàn giao thông tại Việt Nam. Với hơn 50 triệu xe máy đã được tiêu thụ trên cả nước, việc chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện sẽ giúp giảm thiểu lượng khí thải và tiết kiệm tiền nhiên liệu đáng kể.
Tuy nhiên, việc phát triển xe điện ở Việt Nam đang đứng trước những bài toán khó như thời gian sạc đầy pin kéo dài nhiều giờ đồng hồ hay việc thiếu cơ sở hạ tầng để xây dựng trạm sạc…, khiến cho xe máy điện chưa thể cạnh tranh với xe xăng.
Là star-up về xe điện đầu tiên áp dụng mô hình trạm đổi pin cho xe máy điện ở Việt Nam, CTCP Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors) đã bước đầu giải quyết được các vấn đề nêu trên. Hiện tại, công ty vẫn đang không ngừng nghiên cứu để hoàn thiện hơn mô hình này, song song với việc phát triển những mẫu xe máy điện tối ưu về hiệu suất và trải nghiệm người dùng.
Để hiểu rõ hơn những khó khăn, thách thức doanh nghiệp đang phải đối mặt trên chặng đường phát triển một thương hiệu xe điện, hay xa hơn là một mô hình giao thông thông minh, bền vững ở Việt Nam, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên – CEO CTCP Phương tiện điện thông minh Selex.
Tốt nghiệp tiến sĩ đại học Michigan (Hoa Kỳ), từng làm việc cho các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, tại sao anh lại chọn khởi nghiệp với lĩnh vực xe máy điện?Ai là người truyền cảm hứng cho anh?
Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên: Tôi tâm huyết được đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam nên về nước khởi nghiệp cũng vì vậy. Còn tại sao chọn xe máy điện thì có 2 nguyên nhân, một là tôi muốn hướng đến môi trường cũng như sự phát triển bền vững. Hai là tôi nhận thấy xe máy điện chính là cơ hội, vì toàn xã hội đang đứng trước sự chuyển đổi sang xe điện – sự chuyển dịch cơ bản trong lĩnh vực giao thông cũng như rất nhiều lĩnh vực đời sống khác, trăm năm mới có một lần. Đó vừa là cơ hội về kinh doanh, vừa là cơ hội phát triển một lĩnh vực mới để mình không bị tụt hậu.
Việt Nam mình có nhiều cơ hội để phát triển nhưng chúng ta chưa phát huy được hết, việc triển khai cũng còn khá lỏng về chất lượng, chiều sâu. Để Việt Nam hóa rồng, hoá hổ, sánh vai với cường quốc 5 châu cần phải có những công ty có chiều sâu về công nghệ. Ví dụ như Hàn Quốc, họ có những công ty như là Samsung, LG… tôi tự hỏi tại sao nước mình không có những công ty như vậy?
Nên với sự chuyển biến trăm năm có 1 lần này, cũng như tham vọng của cá nhân, mong muốn được đóng góp, tôi thấy xe điện chính là cơ hội, vì thế tôi chọn khởi nghiệp với Selex Motors.
Từ khi bước chân vào khởi nghiệp, người truyền cảm hứng nhiều nhất cho tôi là người sáng lập Huyndai, ông Chung Ju-yung, một người chỉ học hết tiểu học nhưng rất thành công nhờ ý chí tuyệt vời cũng như tầm nhìn, một cái tâm cho đất nước của ông.
Ở ông có một ý chí bất khuất, không có đường thì làm đường, không có cách thì tìm cách, không có gì là không thể làm. Thực ra tôi biết đến câu chuyện về Chung Ju-yung sau khi sáng lập Selex Motors, nhưng khi đọc về ông tôi thấy rất nhiều sự tương đồng và đồng cảm, mặc dù có khoảng cách rất lớn về thời gian và địa lý nhưng tôi cảm nhận được sự kết nối, sự đồng điệu trong câu chuyện của ông với hành trình thuở ban đầu của Selex.
Anh có thể chia sẻ về tham vọng của Selex Motors trong tương lai?
Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên: Tham vọng của Selex là trở thành công ty xe điện số 1 ở Đông Nam Á, cung cấp đủ các dạng phương tiện chạy bằng điện, vì tên của công ty là CTCP Phương tiện điện thông minh chứ không phải riêng xe máy điện. Ngoài ra, bức tranh mà chúng tôi hướng tới là giao thông thông minh và bền vững nên bên cạnh phương tiện thông minh, Selex cũng mang tới những dịch vụ thông minh, hữu ích, mới mẻ, mang lại giá trị cho người dùng.
Tại Việt Nam hiện có không ít các thương hiệu xe máy điện. Sản phẩm xe máy điện của Selex Motors có thế mạnh nổi bật gì để cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường? Nhắm đến đối tượng khách hàng nào?
Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên: Trên thị trường có những công ty, thương hiệu khác nhau về xe máy điện, nhưng Selex là đơn vị đầu tiên tiếp cận lĩnh vực này một cách toàn diện, giải quyết được triệt để bài toán chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện mà trước tiên là bài toán về nạp năng lượng. Chúng ta đi xe xăng vì sự tiện lợi, hết xăng thì đổ, chỉ 5 – 10 phút là yên tâm đi mấy ngày. Trong khi với xe điện, thời điểm chúng tôi khởi nghiệp, các hãng trên thị trường đều phải sạc 3-8 tiếng để đầy pin thì rất khó để phổ cập. Selex giải quyết triệt để bài toán ấy thông qua biện pháp đổi pin. Thay vì sạc pin nhiều giờ, người dùng có thể đổi pin đã hết, lấy pin đầy tại các trạm đổi pin của Selex, thao tác chỉ mất khoảng 2 phút. Hiện, chúng tôi đã triển khai hơn 60 trạm đổi pin ở Hà Nội và TP.HCM, và vẫn đang triển khai thêm.
Một thế mạnh nữa là giá thành xe. Cùng một chất lượng nhưng xe máy điện thường có giá nhỉnh hơn so với xe xăng, chủ yếu do phần pin, có thể chiếm hơn 50% giá thành của xe máy điện. Vì vậy, chúng tôi tách chi phí pin ra. Nếu chi phí pin đối với các hãng xe khác là chi phí cố định, phải trả ngay từ đầu thì bọn tôi đưa thành chi phí biến đổi, giống như xe xăng, mình đi bao nhiêu thì đổ bấy nhiêu. Trong mô hình kinh doanh của Selex Motors, khách hàng trả phí theo quãng đường mình đi được và chi phí này rẻ hơn xe xăng khoảng 25-40%.
Vậy là xong 2 bài toán kia, nhưng như vậy thì xe điện cũng mới chỉ bằng xe xăng. Muốn cạnh tranh thì mình phải có giá trị mới mà xe xăng không có, giá trị đấy phải đến từ công nghệ mới và một hệ sinh thái. Chúng tôi muốn định nghĩa lại chiếc xe máy điện, không chỉ là phương tiện đi lại đơn thuần mà phải là phương tiện thông minh, mang lại nhiều giá trị hơn. Vậy nên xe điện của Selex được tích hợp nhiều tính năng mới như dùng điện thoại kiểm soát xe, kiểm tra tình trạng xe, tìm kiếm trạm đổi pin gần nhất… đây đều là những cái mà xe xăng không có, giúp tạo nên sự khác biệt.
Ngoài ra còn một điểm khác nữa là Selex Motors tiên phong trong lĩnh vực xe máy điện cho giao vận. Với thiết kế tối ưu cho việc vận chuyển, dòng sản phẩm này hướng đến đối tượng khách hàng chính là những người làm dịch vụ chuyên chở như các shipper, tài xế xe ôm công nghệ,…
Nhiều luồng ý kiến cho rằng các sản phẩm xe máy điện trên thị trường hiện nay nói chung chưa thực sự ưu việt so với xe xăng, quan điểm của anh về việc này ra sao?
Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên: Quan điểm xe điện chưa cạnh tranh được với xe xăng thì cũng có cái đúng nhưng cũng có những cái chưa đúng. Cái đúng là hầu hết xe điện có mặt trên thị trường hiện nay, về mặt chất lượng, sự tiện lợi, giá cả chưa cạnh tranh được, thiết kế cũng chưa tối ưu. Tuy nhiên xe điện cũng có những điểm vượt trội, ví dụ như trải nghiệm lái, sự tiết kiệm về chi phí vận hành, rồi nhiều công nghệ mới, tính năng thông minh sử dụng qua phần mềm mà xe xăng không có.
Cụ thể, trong các hãng xe máy chạy bằng điện thì xe của Selex Motors hoàn toàn có thể cạnh tranh với xe máy chạy bằng xăng. Hiện tại xe của Selex mới tập trung vào phân khúc đặc thù là giao vận, nhưng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ra mắt những mẫu xe phổ thông, giúp người dùng thay đổi hoàn toàn nhận thức về xe máy chạy bằng điện.
Nói về chi phí vận hành thì xe điện, cụ thể hơn là xe điện của Selex, chắc chắn “ăn đứt” xe xăng. Đối với xe máy xăng, giá thành tính trên 1 km (gồm giá xăng cộng giá dầu) mất khoảng 500 đồng. Còn với xe của Selex, các chi phí dịch vụ pin chỉ mất khoảng 200-300 đồng/km. Ngoài ra các chi phí bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng, linh kiện cũng rẻ hơn khoảng 50%, vì yếu tố đặc thù của xe điện là cấu tạo động cơ điện đơn giản hơn động cơ xăng, không phải thay dầu máy nên các chi phí khấu hao bảo hành, sửa chữa định kỳ sẽ ít hơn. Vì vậy, các lợi ích về chi phí vận hành của xe điện là rõ ràng và có thể chứng minh được bằng những con số rất cụ thể.
Về giá một chiếc xe điện thì hiện tại, các hãng khi bán xe thường yêu cầu khách mua pin, dẫn đến giá sẽ đắt hơn đáng kể so với xe xăng. Còn với mô hình của Selex, khách mua xe không cần phải mua pin.
Những thách thức công ty đang gặp phải trong việc phát triển xe máy điện là gì?
Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên: Bên cạnh thách thức về mặt kỹ thuật công ty cơ bản đã vượt qua thì thử thách lớn nhất trong thời gian tới là nguồn tài chính để có thể phát triển nhanh, quy mô lớn. Vì rõ ràng bài toán Selex đang hướng tới không chỉ là bài toán về sản xuất xe, mà còn về mặt xây dựng mạng lưới đổi pin, một hạ tầng năng lượng. Đây là bài toán chính, đòi hỏi sự đầu tư, cần thời gian để có thể phát triển ở quy mô lớn.
Tuy nhiên, dù có mở rộng được mạng lưới trạm đổi pin thì việc có phát triển tối ưu được hay không rõ ràng còn phụ thuộc vào vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch tổng thể hạ tầng năng lượng dùng chung.
Một vấn đề khác nữa là về mặt nhân sự. Xe máy điện, xe điện nói chung cũng là một lĩnh vực mới, chưa có nhiều nhân sự ở Việt Nam. Để xây dựng và mở rộng nhanh đội ngũ nhân sự trình độ cao, đáp ứng được công việc cũng là một thử thách.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng là vấn đề cần phải nói đến. Việt Nam chúng ta tuy chủ trương phát triển xe điện là có nhưng các chính sách cụ thể để thúc đẩy điều này thì vẫn còn thiếu. Ví dụ, về khía cạnh thay đổi nhận thức của người dân, thúc đẩy chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, chúng ta có thể nhìn sang Thái Lan hay Indonesia để học hỏi. Ở các nước này, khi người dân mua 1 chiếc xe máy điện sẽ được Nhà nước hỗ trợ từ 400-500$/chiếc xe dưới dạng thuế phí, đăng ký biển số, VAT… Việt Nam mình cũng có thể làm theo hướng đấy. Bởi vì 1 trong những cái khó của xe máy điện là giá thành cao hơn xe xăng nên cần có sự hỗ trợ để có thể cạnh tranh với xe máy xăng về giá.
Một khía cạnh khác cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước là chính sách để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Như Indonesia hay Thái Lan, họ có những chính sách rất mạnh mẽ để thúc đẩy, thậm chí bảo hộ cho doanh nghiệp nội địa phát triển, ví dụ như chính sách yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài muốn đến đầu tư phải kết hợp với doanh nghiệp nội địa, chuyển giao công nghệ… Không thì với thị trường tiềm năng như Việt Nam, các đối tác xe điện nước ngoài nhảy vào đầu tư, chiếm lĩnh thị trường rất nhanh, dẫn đến chúng ta rất khó cạnh tranh bởi một số nước đã đi trước chúng ta trong lĩnh vực này. Như Ấn Độ, họ cũng đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, vừa rồi một số công ty Trung Quốc xin đặt nhà máy ở Ấn Độ đã bị từ chối thẳng thừng, bởi vì họ muốn bảo hộ nền công nghiệp nội địa của họ.
Anh có thể giải thích rõ hơn về tầm ảnh hưởng từ việc quy hoạch hạ tầng năng lượng của Nhà nước đối với sự phát triển mô hình trạm đổi pin không?
Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên: Việc phát triển năng lượng sạch, đồng thời có những cải tiến về hạ tầng điện là câu chuyện cần làm song song với xe điện. Nó là một bài toán tổng thể, cần phải làm đồng bộ, song song với nhau. Bởi vì phương tiện giao thông, nhất là phương tiện chạy bằng điện là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Bây giờ, thử hình dung, nếu toàn bộ các phương tiện giao thông đều đấu nối vào lưới điện thì đó chắc chắn sẽ là thách thức rất lớn với hạ tầng điện cũng như nguồn cung điện.
Năng lượng tái tạo chính là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, không chỉ cho xe điện mà nó còn là nguồn cung năng lượng mới có thể giải quyết được bài toán thiếu điện mà mình đang đối mặt. Vì vậy, tôi cho rằng chủ trương về phát triển năng lượng sạch cần được đẩy mạnh và hạ tầng điện cần phải có sự quy hoạch, tính toán cho xe điện để có thể chống chịu được những mức tải mới, để lưới điện có thể thích ứng linh hoạt trước những tình huống sử dụng mới khó đoán hơn trước.
Thực ra, nếu nhìn tổng thể thì lưới điện và nguồn điện chính là trở ngại lớn nhất bên cạnh vấn đề về tài chính trong bài toán về xe điện. Vấn đề này chỉ có Nhà nước mới giải quyết được. Nếu không giải quyết được thì kết cục sẽ là xe điện thì nhiều mà không dùng được vì chúng ta không có đủ điện hoặc giá điện quá đắt, hoặc cứ đấu nối vào thì lưới điện bị sập, câu chuyện phát triển xe điện sẽ trở nên vô nghĩa và nó sẽ gặp một nút cổ chai không vượt qua được. Để giải được bài toán này thường sẽ mất từ 5 đến 10 năm, nên bây giờ, rất cấp bách là chúng ta cần có cái quy hoạch về hạ tầng điện và nguồn điện, và cần hướng tới câu chuyện tính toán cho các tình huống như 50% phương tiện là xe điện, rồi tiến tới 100%, cần phải nhìn xa như vậy.