Mặc dù không phải là ngân hàng huy động với lãi suất cao nhất, song BIDV vẫn là ngân hàng thu hút được lượng tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế lớn nhất trong hệ thống (ngoại trừ Agribank do chưa công bố BCTC bán niên 2017).
Theo thống kê của chúng tôi từ số liệu BCTC hợp nhất quý II/2017 của 17 ngân hàng, hầu hết các ngân hàng đều có tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao trong nửa đầu năm nay. SCB, HDBank, KienLongBank, BIDV, ACB và Vietcombank đều là những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi của khách hàng trên 10%. Duy nhất tại Techcombank vào thời điểm ngày 30/6/2017, lượng tiền gửi khách hàng sụt giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Còn xét về số tuyệt đối, BIDV vẫn đang là nhà băng huy động được nguồn tiền gửi lớn nhất, với hơn 810 nghìn tỷ đồng. Theo sau là VietinBank với gần 700 nghìn tỷ đồng và Vietcombank đứng thứ ba với gần 650 nghìn tỷ.
Nhóm 3 ngân hàng quốc doanh này bỏ rất xa các nhóm ngân hàng cổ phần phía sau. Cụ thể, tiền gửi tại các ngân hàng SCB, Sacombank chỉ bằng non nửa nhóm trên hay tiền gửi của khách hàng tại ACB, MB, SHB, Techcombank chỉ bằng 1/4.
Trong khi lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh luôn thấp hơn các ngân hàng cổ phần tư nhân. Vậy đâu là lý do khiến người dân và các tổ chức kinh tế vẫn ồ ạt gửi tiền vào các ngân hàng nhóm trên?
Đó là lợi thế về uy tín, thương hiệu, quy mô, mạng lưới hoạt động… đã khiến nhiều người an tâm khi gửi tiền của mình tại các nhà băng này.
Nhiều người gửi tiền vào ngân hàng không quan trọng tiêu chí lãi suất cao nhất mà quan tâm xem gửi tiền vào ngân hàng nào an toàn nhất. Bởi lẽ, người gửi tiền hiện nay quan tâm nhiều hơn đến các thông tin, năng lực tài chính cũng như các các rủi ro từ ngân hàng đối với tiền gửi của họ.
Đối với người có tiền gửi ít chỉ khoảng vài chục triệu đồng, họ thường không quan tâm mấy đến lãi suất ngân hàng, chỉ cần ngân hàng đó gần nhà, có nhiều chi nhánh để tiện việc rút tiền là được. Còn đối với những người dân có nhu cầu gửi số tiền lớn, lãi suất cao thật sự là một điểm cộng ảnh hưởng đến quyết định của họ. Tuy nhiên, uy tín và độ lớn của ngân hàng vẫn được cân nhắc thận trọng.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng, các con số về huy động vốn mà nhà băng thống kê chưa thể nói được rằng ngân hàng nào huy động hiệu quả hơn ngân hàng nào, mà còn phải căn cứ vào chiến lược hoạt động của họ. Có thể ở ngân hàng này, mục tiêu mở rộng mạng lưới là để gia tăng kênh bán hàng, từ đó tăng thêm lợi nhuận, vì thế việc mở mạng lưới đều được họ cân nhắc kỹ.
Nhưng với ngân hàng khác, chiến lược của họ là tăng cường huy động vốn cho hoạt động ngân hàng nói chung (trong đó không loại trừ trường hợp bù đắp thanh khoản, thậm chí là phục vụ các doanh nghiệp sân sau) thì việc mở rộng mạng lưới là để huy động chứ không phải để cung ứng dịch vụ. Chính vì vậy, nhìn con số huy động vốn cũng phải nhìn sang cả nguồn đẩy cho tín dụng thì rõ ràng hơn, có nhiều ngân hàng huy động nhiều nhưng cho vay chẳng được là bao.
Và vị này cho rằng, trong công cuộc cạnh tranh về vốn hiện nay, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng lớn, thì cho vay mới là quan trọng, huy động nhiều mà thừa vốn thì cũng chỉ làm cho chi phí trả lãi tiền gửi của họ tăng lên và lợi nhuận giảm đi mà thôi.