Bê bối về sữa nhiễm độc, thức ăn chăn nuôi, đồ chơi độc hại từ Trung Quốc đặt ra câu hỏi lớn về tiêu chuẩn ngành sản xuất tại nước từng là công xưởng của thế giới.
Tương tự như vậy, có thể cho rằng Trung Quốc sẽ trải qua một quá trình cải tiến tương tự về chất lượng giống như Nhật thời kỳ hậu chiến hay sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất Mỹ thế kỷ 19 – có điều bây giờ bối cảnh mọi chuyện đã khác trước rất nhiều, hàng Trung Quốc đặt trong vòng kiểm soát chặt chẽ hơn.
Người ta có thể thấy rõ những quan sát về thời kỳ này trong cuốn sách “Poorly Made in China” tạm dịch “Hàng kém phẩm chất tại Trung Quốc” của chuyên gia kinh tế học Paul Midler. Ông rất thành thạo tiếng Trung. Ông đã đến Trung Quốc từ năm 2001 trong vai trò tư vấn viên cho nhiều công ty phương Tây trong quá trình thay thế nhà máy tại châu Âu và Mỹ bằng việc mở nhà máy tại khu công nghiệp mới xung quanh Quảng Châu. Đó là thời khắc hết sức quan trọng.
Những vấn đề thông thường của các doanh nghiệp như khó khăn trong việc khởi nghiệp như thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hay đưa ra đánh giá chính xác không thể khiến ông bối rối bởi ông đã đến đúng lúc và có được kinh nghiệm cần thiết.
Ông xử lý mọi việc hết sức nhanh nhạy và là hết mình. Khách hàng cảm thấy hết sức hài lòng với những gì họ thu được từ Trung Quốc. Các nhà máy Trung Quốc làm tất cả mọi việc để hài long các nhà đầu tư nước ngoài. Giá nhân công, giá thuê thấp, thời gian giao hàng cực nhanh.
Khách hàng của ông Midler sau chuyến đi đầu tiên từ Trung Quốc về đã cảm thấy hết sức ngạc nhiên với việc các nhà máy nhanh chóng hoạt động hiệu quả, mọi việc có thể được hoàn thành trong thời gian ngắn với chi phí thấp đang kinh ngạc. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về Trung Quốc.
Phần lớn thời gian của ông Midler dành để đối phó với cái gọi là sự suy giảm về chất lượng khi các nhà máy Trung Quốc biến những hợp đồng không mang lại lợi nhuận thành mối quan hệ béo bở. Quy trình sản xuất sau đó đi ngược lại hẳn mô hình cải tiến không ngừng thông thường. Sau khi giải quyết được vấn đề ban đầu và tạo ra sản phẩm đáp ứng chất lượng, sự cải tiến bên trong nhà máy chuyển sang việc cắt giảm chi phí, giảm đến mức tối đa bằng cách thức nguy hiểm hay đáng ghê tởm. Bao gói rẻ hơn, chất hóa học được thêm vào, tiêu chuẩn vệ sinh đi xuống và tiếp theo sau đó là chất lượng sản phẩm liên tục giảm.
Để có thể duy trì lợi nhuận, nhà sản xuất Trung Quốc sẽ dành cho khách hàng từ nước có luật bảo vệ bản quyền trí tuệ chặt chẽ những sản phẩm được đóng gói cẩn thận. Nhưng họ cũng chỉ làm điều đó nếu sau đó nhà máy của họ được trực tiếp phân phối sản phẩm đến người mua hàng tại nhiều nước ít quan tâm đến bản quyền và thương hiệu Theo quan điểm của ông Midler, đây là kiểu nhà máy “con buôn”.
Đối tượng đầu tiên quan tâm đến chất lượng hàng chính là công ty nhập khẩu. Khi họ bắt đầu nghi ngờ về hàng Trung Quốc, họ muốn tìm đến người như ông Midler.
Và sau khi tìm hiểu, họ thường sợ hãi với kết quả kiểm tra. Khi kết quả thanh tra biến nghi ngờ của họ về hàng Trung Quốc thành thực tế, họ cảm thấy lo lắng về việc giải quyết vấn đề quá lớn và quá tốn kém. Họ sợ hãi hơn khi nhận ra dường như đang tiếp tay cho nhà sản xuất Trung Quốc trong tiêu thụ hàng chất lượng nguy hiểm.
Điều này có lẽ còn đúng hơn nếu sản phẩm được tiêu dùng trên thị trường mà người tiêu dùng không nhận thức được về chất lượng. Do vậy, nhiều khi họ đành phải coi như không biết.
Nhận thức về rủi ro trên, hãng bán lẻ phương Tây thuê nhiều cơ sở kiểm tra để giám sát chất lượng hàng. Thế nhưng biện pháp trên, theo ông Midler, chỉ mang tính hình thức hơn là hiệu quả thực tế. Quá trình này giống như việc kiểm tra doping đối với các vận động viên, một số người bị phát hiện còn nhiều người khác thoát được các bài kiểm tra bởi họ sử dụng các loại thuốc chưa có trong danh mục bị cấm.
Sẽ thật thiếu công bằng nếu đánh đồng tất cả hàng hóa Trung Quốc theo các tiêu chí trên. Một số mặt hàng của Trung Quốc đang được thế giới công nhận về chất lượng. Thế nhưng không giống với công ty Mỹ và Nhật, sự cải tiến về chất lượng trên chỉ đến sau khi các công ty chịu quá nhiều chỉ trích và kiểm tra. Ông Midler sau khi quan sát đã thấy có một chuyện ngược đời diễn ra, đó là nhiều công ty lớn của Trung Quốc thuê công ty nhỏ gia công sản phẩm dù họ phải hy sinh lợi thế tiết kiệm chi phí khi sản xuất sản phẩm với quy mô lớn. Thuê gia công theo hình thức này giúp tránh kiểm tra về môi trường, tiêu chuẩn an toàn đối với sản phẩm và người lao động.
Cách tốt nhất để dọn sạch đống lộn xộn trên là minh bạch thông tin, thế nhưng ai sẽ làm được điều này? Rất nhiều vấn đề chỉ được biết trong nội bộ các công ty sản xuất. Nhiều người trong vị thế của ông Midler không dám mơ đến việc công bố chính xác những gì họ quan sát thấy, nhiều phòng kiểm tra bảo vệ uy tín của họ bằng cách che giấu thay cho việc công bố thông tin. Theo ông Midler, nguồn thông tin duy nhất sẽ chỉ đến từ người tiêu dùng khi phải đương đầu với những hậu quả nghiêm trọng với các loại sản phẩm như vụ sữa vừa qua.