Theo yêu cầu về nhanh chóng cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của ngành Tài chính.
Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và hoàn thiện dự án 1 luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực tài chính và ngân sách (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, bao gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia). Dự án Luật này được trình theo trình tự, thủ tục rút gọn để Chính phủ trình Quốc hội xem xét sớm thông qua trong kỳ hợp tới.
Phương thức một luật sửa nhiều luật và yêu cầu theo trình tự, thủ tục rút gọn đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, với quy mô sửa đổi nhiều quy định tại nhiều luật, lại được trình Quốc hội xem xét trong thời gian ngắn, nên dự án luật này vẫn còn có một số vấn đề phát sinh trong việc cân bằng giữa yêu cầu quản lý Nhà nước với tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế – tài chính lưu ý, việc sửa đổi quy định quản lý tài chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý thuế: Cần thực sự tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cũng như nhấn mạnh tính khả thi trong triển khai quy định.
Theo kế hoạch, dự án 1 luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực tài chính được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào tuần sau, để Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, với tầm ảnh hưởng của các quy định trong lĩnh vực tài chính, hôm qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật của Bộ Tài chính.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Thời gian qua chúng tôi nhận được nhiều ý kiến doanh nghiệp về dự thảo luật theo hướng tăng trách nhiệm cho doanh nghiệp, như là: bổ sung hạn chế phát hành chứng khoán, bổ sung thêm trách nhiệm tổ chức tư vấn phát hành, tăng cao mức phạt về kiểm toán, bổ sung thêm trách nhiệm trong thuế thương mại điện tử. Đây là những chế định VCCI nhận được nhiều ý kiến từ hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia”.
Đơn cử như trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 Điều của Luật Quản lý thuế, như quy định về Nguyên tắc quản lý thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nguyên tắc khai thuế, tính thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế… Đặc biệt, một nội dung được quan tâm là bổ sung quy định về các trường hợp khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Tham gia hội thảo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 19/10, đại diện một hộ kinh doanh nêu vấn đề: “Tôi là Tùng, hiện tại tôi đang là chủ một hộ kinh doanh, cũng có gian hàng trên trang thương mại điện tử, đóng thuế khoán cho cơ quan Nhà nước, giờ các sàn thay mặt thu thuế thì góc độ kinh doanh có bị đóng 2 lần hay không? Thu hộ có phát sinh loại thuế nào không? Làm sao biết thừa hay thiếu và có được hoàn trả hay không?”
Ngay tại hội thảo, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định thu thuế theo quy định của Luật nên không xảy ra việc thu trùng lắp. Sau khi Luật được thông qua, cơ quan thuế cũng sẽ có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, tạo thuận lợi cho hoạt động kê khai của hộ kinh doanh cũng như việc kê khai nộp thay của các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, lo ngại từ việc kê khai nộp thuế thay – không chỉ đến từ các hộ kinh doanh, mà cả từ phía các tổ chức thực hiện: “Tôi là Trần Kiên, Kế toán trưởng MebLive… Công ty bảo hiểm như chúng tôi đang thực hiện khấu trừ thuế và nộp thay, không ngại mà ngại rủi ro có thế phát sinh. Nếu không khấu trừ và nộp thì có thể chịu trách nhiệm pháp lý”.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI nhìn nhận, việc các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thay thuế cho các đơn vị kinh doanh trên sàn là không có nhiều khó khăn về mặt công nghệ. Nhưng quan trọng là tính khả thi trong quy định pháp luật để việc triển khai mang tính thực tiễn.
“Quan điểm của tôi ngược lại với đa số ý kiến khác. Tôi ủng hộ việc thu thuế điện tử nhưng vấn đề nó không dừng lại ở đấy. Nếu dừng lại đây tôi phản đối vì người ta mất rất nhiều tiền bạc, công sức, trách nhiệm để làm những việc đấy. Nếu không có lợi hơn thì ít nhất cũng phải trang trải chi phí thì người ta sẵn sàng làm tốt. Chúng ta đang chuyển đổi dần dần nên hãy chấp nhận mặt bằng và có lộ trình có quy định có giải pháp để nâng lên chứ. Còn bây giờ muốn tốt hay thắt chặt ngay thì sẽ phát sinh gian lận và phản ứng của các sàn thương mại điện tử” – ông Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Như vậy, việc sửa đổi bổ sung nhiều luật trong một Dự thảo Luật giúp tháo gỡ nhanh những khó khăn từ thực tiễn cho doanh nghiệp mà không phải chờ sửa đổi lần lượt từng luật. Điểm lưu ý là theo quy trình rút gọn nhưng vấn đề được đưa vào sửa đổi lớn, chưa được đánh giá kỹ lưỡng, sâu sắc có thể tạo ra tác động lớn không mong muốn cho doanh nghiệp cũng như tính khả thi trong triển khai.
Tất nhiên, rất khó khăn trong cân bằng giữa yêu cầu quản lý Nhà nước với tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong kinh doanh. Do đó, khi dự thảo 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 khai mạc vào tuần sau, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các đại biểu quốc hội và cơ quan tham mưu chính sách tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện các quy định sửa đổi, bổ sung liên quan đến tài chính – thuế và ngân sách, hài hòa được lợi ích và nghĩa vụ của các bên có liên quan, vì mục tiêu chung là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.