Trứng là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình Việt Nam, có nhiều loại trứng vậy ăn trứng nào bổ dưỡng nhất?
Trứng rất bổ dưỡng, giúp tăng cơ, giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên tùy từng loại trứng sẽ có dưỡng chất và tác dụng khác nhau. Vậy, ăn trứng nào bổ dưỡng nhất?
Trứng gà
Hàm lượng protein trong trứng gà là 13,3 gr/100 gr, cao nhất trong các loại trứng. Tỷ lệ hấp thụ và sử dụng protein cao tới 98%. Vì vậy, trứng gà rất tốt cho gan, não và nâng cao khả năng miễn dịch của chúng ta. Việc ăn một quả trứng mỗi ngày sẽ không làm tăng lipid máu, nhưng nếu ăn nhiều hơn trong thời gian dài thì không tốt cho sức khỏe.
Nhiều người thích trứng gà nuôi thả, cho rằng chúng thơm ngon hơn, bổ hơn trứng gà công nghiệp. Trên thực tế, giá trị dinh dưỡng hai loại trứng này gần như nhau. Do hàm lượng chất béo cao nên trứng gà nuôi thả sẽ có mùi vị thơm ngon hơn, khiến người nội trợ nghĩ rằng loại trứng này “xịn” hơn.
Trứng gà rất thích hợp cho người già, người ốm yếu và người mắc bệnh mạch vành. Tuy nhiên, vì trứng giàu protein nên nếu ăn quá nhiều sẽ khiến quá trình trao đổi chất gặp trục trặc do thận phải làm việc quá tải, gây táo bón.
Trứng vịt
Báo VnExpress dẫn lời bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trứng vịt có kích thước trung bình to hơn trứng gà. Một quả trứng vịt chứa 130 calo, gấp đôi lượng calo trong trứng gà. Hàm lượng protein, chất béo bão hòa, vitamin của trứng vịt cũng nhiều hơn so với trứng gà. Trứng vịt cung cấp omega-3 nhiều hơn, chống viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Vỏ trứng vịt thường cứng hơn nên lưu giữ được lâu hơn.
Riêng trứng vịt lộn nên ăn cùng rau răm, gừng và hạt tiêu để làm ấm lại cơ thể, chống lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa. Lượng gia vị phù hợp cho một lần ăn tối đa hai quả trứng vịt lộn là khoảng 5g gừng tươi thái chỉ, 5g rau răm tươi. Hạn chế ăn trứng vịt lộn buổi tối và cho trẻ nhỏ ăn nhiều do hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện.
Trứng cút
Loại trứng này tuy nhỏ nhưng giàu vitamin B2 gấp đôi so với trứng gà. Trứng cút giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Không chỉ vậy, lượng lecithin trong trứng cút cũng cao hơn trứng gà, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển trí não và thích hợp cho trẻ ăn dặm hơn.
Những điều cần lưu ý khi ăn trứng
Không ăn quá nhiều trứng mỗi ngày
Trong trứng có rất giàu protein và chất béo, vì vậy việc ăn quá nhiều trứng trong ngày sẽ dẫn tới tình trạng thừa chất, làm tăng gánh nặng cho thận, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Việc ăn trứng cũng bổ sung thêm lượng calo nhưng với một cơ thể không thể vận động nhiều để đốt calo lại dẫn đến tình trạng ngược lại, đó là thừa cân, béo phì.
Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng rằng, với người ít lao động chỉ nên ăn 1 – 2 quả trứng/ ngày. Người thường xuyên phải lao động nặng có thể ăn 2 – 3 quả trứng/ ngày. Phụ nữ mang thai, người ốm yếu cần phục hồi thể trạng được phép ăn từ 3 – 4 quả trứng/ ngày nhưng lưu ý không nên lạm dụng quá đà.
Không thêm bột ngọt, xì dầu vào trứng
Theo thông tin trên Báo Lao động , đây là sai lầm nghiêm trọng mà nhiều bà nội trợ vẫn mắc phải khi chế biến. Thậm chí, để làm tăng sự thơm ngon cho món trứng, nhiều bà nội trợ còn cho thêm xì dầu hay bột ngọt. 2 gia vị này nếu được nấu chung với trứng ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất gây phá hủy thành phần amino acid hữu ích sẵn có trong trứng.
Bên cạnh đó, trong xì dầu còn có chứa chất trypsin và nếu khi kết hợp với lòng trắng trứng sẽ làm giảm nhiều giá trị dinh dưỡng của trứng. Điều này lại không tốt cho cơ thể con người bởi sự hấp thụ ít các dưỡng chất mà trứng mang lại. Vậy nên một chút muối trắng rắc lên trứng sẽ đảm bảo tăng thêm hương vị món ăn lại giữ được chất dinh dưỡng cần có của trứng.