Đã có khoảng thời gian, những cơn sốt liên tục âm ỉ xuất hiện và bùng cháy từ các thành phố lớn lan về các địa phương. Ngay cả khi chính quyền can thiệp, cơn sốt đất vẫn không bị “dập dắt”.
Sốt đất nổ ra liên miên
Sau giai đoạn chững lại 2011-2013, thị trường bất động sản đã dần hồi phục. Kể từ năm 2014 đến năm 2022, gần 10 năm trôi qua, cơn sốt đất liên tục xuất hiện, lúc âm ỉ, lúc bùng cháy mạnh mẽ tại nhiều phân khúc và nhiều khu vực.
Cơn sốt đất khởi đầu từ những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà… sau đó lan nhanh tới những thành phố, tỉnh thành phát triển như Bắc Ninh, Bình Dương,… Khi cơn sốt đất ở các khu vực này chưa nguội lạnh, cơn sốt lại bắt đầu lan sang các tất cả các tỉnh thành. Đất sát dự án, sát những con đường tăng giá. Thậm chí, đất quê ở các vùng nông thôn, vùng miền núi từng tưởng “chẳng ai đến ở” cũng sốt.
Cơn sốt đất kéo dài và bùng nổ mạnh mẽ thời điểm cuối năm 2017 đến giữa năm 2018 khi giá đất biến động mạnh tại các khu vực được quy hoạch thành đặc khu tương lai bao gồm Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn. Khi đó, nhiều chuyên gia từng dự báo thị trường địa ốc sẽ sớm “tàn sốt đất”, quay trở lại giai đoạn như thời kỳ 2011-2013.
Thế nhưng, đến năm 2020, khi dịch bệnh bùng nổ, cơn sốt đất vẫn âm ỉ diễn ra, không ngừng.
Báo cáo của CBRE từ quý I/2021 ghi nhận, tình trạng tăng giá đất đã lan rộng hơn rất nhiều. Nếu như ở giai đoạn 2018-2019, khu vực “sốt” chỉ tập trung vào các vùng giáp ranh đô thị trung tâm hoặc bám sát các dự án quy mô lớn.
Đến cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, giá đất đã tăng trên bình diện rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đơn cử như khu vực cận các thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai và tiến xa ra Bình Phước, Tây Ninh, Phan Thiết. Tại khu vực miền trung Tây nguyên có Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đắk Lắk; miền Bắc tương tự có Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên…
Thị trường rơi vào thế chững
Kỳ vọng vào cơn sốt đất còn kéo dài không ngừng, những nhà đầu tư vẫn mạnh tay xuống tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính. Đất ruộng, đất rừng, nằm tận những vùng xa xôi cũng “sốt”.
Thế nhưng từ tháng 4/2022, cơn sốt bắt đầu nguội lạnh dần dần. Cũng như diễn biến khi cơn sốt bùng nổ, sự lanh giá của thị trường địa ốc nhanh chóng bao trùm các phân khúc và các thị trường. Hàng loạt sự kiện tác động từ vấn đề lùm xùm của doanh nghiệp địa ốc đến lãi suất cho vay bất động sản tăng cao đã dần kéo theo tốc độ thanh khoản co hẹp dần.
Đến cuối năm 2022, một số khu vực còn được đánh giá đang nằm trong “giấc ngủ đông” khi giao dịch gần bằng 0. Cơn sốt đất đã chính thức hết “bất tử” khi tỷ lệ hấp thụ sản phẩm đã sụt giảm liên tục. Ngay cả khi giá bất động sản giảm sâu, tới 50% so thời điểm “đỉnh sốt”, người mua dửng dưng.
Đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay mua bất động sản giảm, trở về ngưỡng thời kỳ trước sốt đất, động thái tích cực của Chính phủ gỡ khó cho kênh đầu tư này nhưng thanh khoản của thị trường mới bắt đầu nhen nhóm lại.
Ông Lê Kiên, một nhà đầu tư lâu năm ở TPHCM, cho rằng, thị trường mới chỉ hồi sức. Thị trường mới hồi khoảng 30% so với thời điểm sôi động. Nhưng so giai đoạn đầu năm 2023, thị trường đã có tín hiệu khởi sắc.
Sốt đất khó có thể quay lại trong ngắn hạn. Đó là nhận định của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế. Ông Hiển cẩn trọng nhận định rằng, phải mất khoảng thời gian dài để thị trường hồi phục. Giá bất động sản khó tăng trở lại ngay. Giá trị thật của đất sẽ quay trở lại.
Chia sẻ trong một toạ đàm, lãnh đạo của một doanh nghiệp địa ốc thẳng thắn cho rằng, thị trường đã dễ thở nhưng mới là cuộc chơi của người có tiềm lực và bắt đáy. Nền kinh tế đã bớt khó khăn khi có tín hiệu từ làn sóng FDI và đầu tư công giải ngân, các dự án bắt đầu rục rịch bán hàng trở lại.
Nhưng cuối năm 2024, thị trường mới có thể hồi phục như bình thường và để sôi động, mua bán nhộn nhịp, giá tăng, phải đến năm 2027 và 2028.