Đã đến lúc khách hàng hàng cần tỉnh táo hơn và hiểu rõ bản chất của loại hình condotel để tránh đi vào vết xe đổ của Cocobay.
Condotel thực chất là gì?
Có nhiều cách diễn giải về condotel, tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản condotel (condo – hotel) là loại hình BĐS kết hợp giữa căn hộ chung cư (condo) và khách sạn (hotel), là “đứa con lai” giữa căn hộ chung cư và khách sạn.
Ở Việt Nam, condotel được biết đến với tên gọi phổ biến là Căn hộ khách sạn. Với đặc điểm như vậy, condotel có cả hai chức năng của một căn hộ và một khách sạn. Condotel có chức năng của một khách sạn vì condotel có hệ thống đặt phòng và các dịch vụ khách sạn khác như hồ bơi, câu lạc bộ sức khỏe, quán bar, nhà hàng, cửa hàng, dịch vụ thư tín,….
Tuy nhiên, điểm khác nhau là nó cần có một đơn vị quản lý và điều hành các vấn đề về hoạt động hàng ngày và cho thuê lại, đồng thời, condotel cho phép khách mua hoàn toàn quyền sở hữu căn hộ để nghỉ dưỡng và cho thuê.
Condotel có một số đặc điểm để phân biệt với các loại hình BĐS nghỉ dưỡng khác như: Thuộc quyền sở hữu của một cá nhân, được một đơn vị chuyên nghiệp quản lý vận hành và bảo dưỡng, hoạt động theo hình thức “Timeshare”, có nghĩa là chia sẻ thời gian sử dụng, chủ yếu đặt tại những khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sang trọng; người sở hữu không ở thường xuyên mà chủ yếu để đầu tư sinh lời; Condotel khi chủ đầu tư bàn giao cho người mua sẽ có đầy đủ nội thất và tiện nghi để có thể đưa vào khai thác ngay.
Loại hình condotel xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2009 khi tòa tháp Nha Trang Plaza được hoàn thành và đưa vào khai thác. Sau đó, nhiều dự án xây dựng condotel được đầu tư thực hiện tại các trung tâm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,… với quy mô đầu tư rất lớn và đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Việc thị trường condotel ở Việt Nam hình thành muộn hơn so với thế giới nhưng phát triển nhanh, mạnh mẽ và rất hấp dẫn các nhà đầu tư là do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan thúc đẩy.
Condotel hấp dẫn nhà đầu tư bởi số vốn “mềm” nhưng đem lại lợi nhuận được cam kết “khủng”. Về lợi nhuận trước mắt, khi đầu tư vào một căn codotel nhà đầu tư đã sở hữu tài sản lâu dài và có thể chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,… trong tương lai với giá cao hơn theo xu hướng tăng giá trị của BĐS. Đặc biệt, khi đầu tư vào condotel nhà đầu tư sẽ có được khoản thu nhập rất lớn từ việc cho thuê lại condotel.
Một thuận lợi khác là việc vận hành, tìm nguồn khách thuê và bảo trì căn hộ sẽ do một đơn vị khác thực hiện, nhà đầu tư thu nhận lợi nhuận theo mỗi tháng, quý hoặc năm sau khi đã chi trả chi phí cho đơn vị quản lý này.
Điển hình như khi đầu tư vào condotel tại Cocobay Đà Nẵng, Tập đoàn Empire cam kết chi trả thu nhập cho thuê căn hộ là 11%/năm trong 9 năm hay Tập đoàn Vingroup cam kết chi trả lợi nhuận tối thiểu 10%/năm trong 5 năm cho nhà đầu tư mua căn hộ tại Vinpeal Empire Condotel Nha Trang. Về “lợi nhuận vô hình”, nhà đầu tư sẽ sở hữu được căn hộ ở các vị trí đẹp, là trung tâm các khu du lịch, vừa có thể trải nghiệm cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vừa có các kỳ nghỉ dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn thế giới ngay trong “căn nhà thứ hai” của mình.
Những rủi ro được báo trước
Condotel tuy có nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng đây là loại hình mới và khung pháp lý chưa vững nên cùng tồn tại nhiều rủi ro mà phần đa những người làm trong nghề đều có thể biết trước.
Rủi ro lớn nhất khi đầu tư vào condotel đó là khung pháp lý chưa rõ ràng. Ngày 23/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Theo nội dung này có thể thấy Chính phủ công nhận sự tồn tại và phát triển của loại hình căn hộ du lịch (condotel) tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện chưa có các quy định rõ ràng về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, chế độ sử dụng đất, quy chế quản lý, kinh doanh đối với loại hình này và nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương là đề xuất, tham mưu Quốc hội và Chính phủ ban hành, bổ sung các quy định mới trong thời gian tới.
Những rủi ro của condotel đã được báo trước. Ảnh: Hạ Vy
Như vậy, có thể thấy việc đầu tư vào condotel hay các loại hình bất động sản khác trong khi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận bị vô hiệu do trái quy định của luật hoặc đối tượng hợp đồng, giao dịch không thực hiện được sẽ gây nhiều hậu quả, thậm chí là thiệt hại cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Rủi ro thứ hai đó là điều khoản hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư dự án condotel với các nhà đầu tư chưa rõ ràng, chặt chẽ, dễ gây hiểu nhầm và bất lợi cho các nhà đầu tư mua căn hộ condotel. Qua nghiên cứu các thỏa thuận đặt mua, hợp đồng mua bán căn hộ condotel, Luật sư Cường nhận thấy trong một số thỏa thuận, hợp đồng chưa thống nhất về sử dụng từ ngữ để chỉ đối tượng hợp đồng (căn hộ condotel) như “nhà ở”, “căn hộ”…
“Điều này dễ gây sự hiểu nhầm về đối tượng của hợp đồng giao dịch, nhất là các nhà đầu tư chưa am hiểu nhiều về pháp luật. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán căn hộ condotel có cam kết lợi nhuận, nhưng không thấy chủ đầu tư nêu rõ các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết trả lợi nhuận cho nhà đầu tư, cũng như chưa có giải pháp rõ ràng để hỗ trợ nhà đầu tư kinh doanh căn hộ condotel sau khi hết hạn cam kết lợi nhuận”, Luật sư Cường nhận định.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư đã cam kết với nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài khi bàn giao căn hộ nhưng chưa có quy định, hướng dẫn nào của cơ quan nhà nước về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho loại hình bất động sản này.
Như vậy, việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận đặt mua, mua bán căn hộ condotel với các điều khoản chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chặt chẽ sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện hợp đồng, thỏa thuận, thậm chí là làm cho hợp đồng, thỏa thuận vô hiệu, dẫn đến thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, các chủ đầu tư chào bán căn hộ condotel với giá phổ biến từ 25 – 60 triệu đồng/m2. Giá bán này tương đương với giá căn hộ tầm trung, cao cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Do chưa có quy định rõ ràng về chế độ sử dụng đất và tài chính liên quan đến loại hình condotel nên rất khó để xác định mức giá như trên có phù hợp hay không.
Mặt khác, đối với những dự án mà chủ đầu tư cam kết lợi nhuận trong nhiều năm thì trong giá bán có thể đã được nâng lên đủ để chi trả khoản cam kết lợi nhuận này cho các nhà đầu tư mua căn hộ, kể cả chi phí trang bị, chi phí quản lý, khai thác kinh doanh căn hộ. Điều này nếu diễn ra trên thực tế sẽ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư do mục đích lợi nhuận đầu tư ban đầu không đạt được.