Hội chứng Burn out là một hội chứng được khái niệm hóa do căng thẳng kéo dài tại nơi làm việc.
Bạn có cảm thấy rằng, dạo gần đây công việc của bạn trở nên khó khăn và nó luôn khiến bạn mệt mỏi, suy sụp? Bạn có đang cảm thấy kiệt sức, và tệ hơn nữa, sự mệt mỏi trong công việc đang ngấm dần vào các lĩnh vực khác trong cuộc sống của bạn?
Hội chứng Burn out – “Sức tàn lực kiệt” nơi làm việc
Hội chứng Burn out (hay còn gọi là cháy sạch) được phát triển bởi Herbert Freudenberger, một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức. Đây là một hội chứng được khái niệm hóa do căng thẳng mãn tính tại nơi làm việc. Nói cách khác, đó là phản ứng của tình trạng căng thẳng trong công việc kéo dài. Điều này áp dụng ở trong mọi trường hợp, cho dù là bạn làm việc ở văn phòng, trường học hay ở nhà (chẳng hạn như nội trợ hay chăm sóc các thành viên trong gia đình là công việc chính của bạn).
Mặc dù đây là một “hội chứng nghề nghiệp” chứ không phải một tình trạng bệnh lý, nhưng cuộc đấu tranh đi kèm với nó là rất thực tế.
6 dấu hiệu cho thấy bạn đang cảm thấy “sức tàn lực kiệt” ở nơi làm việc.
1. Bỏ bê sức khỏe thể chất
Bạn có ngủ đủ giấc hay không? Bạn có bỏ bữa hay không? Những điều này sẽ khiến cho tình trạng kiệt sức của bạn càng trở nên tồi tệ hơn. Bỏ qua một vài bữa ăn sẽ khiến cho bạn mất cảm giác thèm ăn và sụt cân. Một vài đêm mất ngủ hoặc thiếu ngủ sẽ chuyển hóa thành mất ngủ kinh niên.
Thiếu ngủ và thiếu dinh dưỡng có thể dẫn đến tình trạng thể chất kém và hệ miễn dịch suy yếu, sau đó nó sẽ gây ra thêm các triệu chứng kiệt sức về thể chất khác.
Bạn cần phải giải quyết điều này từ sớm, luôn đảm bảo rằng bạn nghỉ ngơi đủ, nạp đủ dinh dưỡng và tập thể dục đầy đủ để ngăn những đợt căng thẳng khiến bạn kiệt sức.
2. Cho phép sự tiêu cực gia tăng
Đôi khi cảm thấy lo lắng, buồn bã hay tức giận là chuyện bình thường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi nỗi lo lắng, cơn buồn bã, sự tuyệt vọng hay sự cáu kỉnh và căng thẳng với người khác kéo dài dai dẳng.
Tương tự với những dấu hiệu về thể chất như mất ngủ, bỏ bữa, nếu cảm giác tiêu cực này bị đè nén hoặc không được giải quyết, chúng sẽ tích tụ lại và lâu dần trở nên nghiêm trọng.
3. Không nghỉ ngơi, thư giãn
Bạn làm việc chăm chỉ và cố gắng đến mức quên cả việc nghỉ ngơi. Điều này xảy ra bởi vì bạn cảm thấy bị áp lực với những tác động từ bên ngoài, hoặc bị thúc đẩy bởi một cá nhân nào đó để có được thành công. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm việc liên tục mà không nghỉ ngơi, dành thời gian thư giãn, bạn có thể tự đặt mình vào vòng nguy hiểm.
Cho dù công việc có bận rộn đến đâu, bạn cần học được cách nghỉ ngơi hợp lý. Hãy dành cho bản thân ít nhất 30 phút mỗi ngày để thư giãn và làm những gì mình thích thay vì mải mê với công việc.
4. Giữ các vấn đề của bạn cho riêng mình
Sự kiệt sức cũng được xác định là do các điều kiện làm việc gây ra, chẳng hạn như áp lực thời gian không hợp lý, kỳ vọng về khối lượng công việc, bị đối xử không công bằng, thiếu rõ ràng về vai trò trong công việc và thiếu sự giao tiếp cũng như hỗ trợ từ người quản lý.
Nếu bạn cảm thấy bản thân đang bị đối xử không công bằng ở nơi làm việc hoặc nếu những gì bạn mong đợi là không rõ ràng, thì tốt hơn hết bạn nên thảo luận những vấn đề này với người quản lý hay một người đáng tin cậy có thẩm quyền có thể giúp đỡ bạn.
Giữ những vấn đề của bản thân cho riêng mình và chịu đựng điều kiện làm việc kém sẽ có thể dẫn đến kiệt sức. Điều quan trọng là bạn cần trao đổi những vấn đề này với người thích hợp.
5. Làm sai công việc
Đôi khi, hội chứng kiệt sức có thể xảy ra là do bạn cảm thấy bị mắc kẹt hoặc thậm chí là làm sai công việc. Sự rõ ràng về vai trò của bạn có thể giúp bạn tìm ra được điều này.
Có thể công việc hoặc vai trò hiện tại của bạn không mang lại cơ hội học tập phù hợp cho bạn hoặc sự phát triển nghề nghiệp mà bạn mong muốn. Có lẽ nó không đủ thách thức bạn ở những khía cạnh mà bạn muốn cải thiện. Bạn thậm chí có thể không đủ tiêu chuẩn cho vị trí hiện tại hoặc chỉ đơn giản là bạn không nhìn thấy cơ hội để phát triển hơn.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tự do lựa chọn công việc mình muốn, nhưng đôi khi, việc đánh giá lại nhu cầu của bạn và khám phá thêm các lựa chọn mới có thể dẫn bạn thoát ra khỏi tình trạng kiệt sức.
6. Bỏ bê cuộc sống cá nhân
Khi không ngừng làm việc chăm chỉ và thúc đẩy bản thân tiến lên, bạn có thể đã bỏ bê cuộc sống cá nhân của mình.
Bằng cách hướng tất cả thời gian và năng lực của mình vào công việc, bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì sự đơn điệu. Và việc liên tục tiếp xúc với cùng một môi trường, cùng một nhóm người sẽ chỉ khiến bạn nghĩ đến công việc nhiều hơn.
Bạn cần dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cá nhân của mình, như các mối quan hệ, sở thích, đam mê của bản thân. Dành thời gian cho bản thân cũng là một cách để tạm nghỉ và nạp thêm năng lượng.