Sự thuận tiện, tính phù hợp, thân thiện là những yếu tố khiến cho các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có đất sống, thậm chí sống khỏe trong bối cảnh hiện nay.
Khi xu hướng kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, sự xuất hiện của các loại hình bán lẻ hiện đại dường như khiến cho loại hình kinh doanh tạp hóa truyền thống trở nên lu mờ. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thị trường cho thấy, các cửa hàng tạp hóa lại không hề lép vế. Ngược lại có phần phát triển mạnh hơn. Có lẽ chính bởi cửa hàng tạp hóa truyền thống đã trở thành một nét văn hóa lâu đời không thể thiếu của người Việt. Tính thuận tiện, sự thân tình, thậm chí người mua có thể nợ tiền được… nên các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn đang có đất sống khỏe.
Ở Hà Nội, tại những con phố, ngỏ nhỏ sẽ không khó để bắt gặp những cửa hàng tạp hóa mà bán đủ các thứ tiêu dùng thiết yếu. Có những con phố ngắn nhưng mất độ cửa hàng tạp hóa dày đặc với hoạt động mua – bán sôi động, cạnh tranh luôn với các siêu thị mini của các nhà phân phối lớn hay chợ truyền thống…
Các cửa hàng tạp hóa có phần phát triển mạnh bởi đã trở thành một nét văn hóa lâu đời không thể thiếu của người Việt.
Chị Nguyễn Thị Minh, chủ cửa hàng tạp hóa ở ngõ 62 Ngọc Hà (Hà Nội) cho biết, cửa hàng của chị bán hầu như đầy đủ các sản phẩm tiêu dùng, từ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho đến những mặt hàng nhỏ như viên pin, bàn chải đánh răng, dầu gội, keo dán… “Nhà cách không xa là siêu thị nhưng hàng hóa ở đây vẫn bán chạy vì người mua chủ yếu là người quen, hàng xóm khi có nhu cầu các đồ cần thiết hàng ngày nên không lúc nào vắng khách”, chị Minh nói và cho biết thêm: “Có khách hàng mua đồ nhiều còn nợ tiền đến cuối tháng mới thanh toán cả thể, tôi vẫn vui vẻ cho nợ, hoặc có cháu bé nào mua bim bim mà thiếu tiền, nhiều khi mình cho luôn”.
Mặc dù nhà ở ngay cạnh một cửa hàng tiện lợi, song bà Trần Thúy Hà (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) vẫn đi sang cửa hàng tạp hóa ở cách nhà khoảng 200m để mua hàng. “Tôi quen mua hàng của bà chủ này bao nhiêu năm nay rồi, đi mua hàng không chỉ chọn hàng, trả tiền xong rồi về mà có khi mấy bà nội trợ với nhau còn ngồi “buôn chuyện” một lúc mới về”, bà Hà nói. Cũng theo bà Hà, đi vào cửa hàng tiện lợi bên cạnh, chỉ đi chọn hàng rồi đứng chờ thanh toán rồi về, ít có sự giao lưu giữa người mua và người bán nên bà không hào hứng.
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Dù cho có sự xuất hiện của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi… như VinMart, Circle K, FamilyMart, Co.op Smile… ngày càng đông đảo, nhiều cửa hàng đã tìm đến từng ngõ ngách, len lỏi vào mọi khu dân cư… song với những đặc điểm văn hóa rất riêng của mình, các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn đang thu hút được đông đảo người tiêu dùng.
Cần cải tiến, chuyển mình cùng thời cuộc
Khảo sát thú vị của Nielsel cho thấy, có đến 92% người Việt khi được hỏi đã cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ. Bên cạnh đó còn có cả sự tương tác giữa người mua và người bán, thậm chí nhiều chủ tạp hóa dễ tính còn cho khách… nợ. Điều này hoàn toàn không có ở các kênh bán lẻ hiện đại.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), gần 30 năm liên tục phát triển, song đến thời điểm hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được khoảng 25% – 26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa.
Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ. Điều này cho thấy, cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt, đây là loại hình kinh doanh dường như bất chấp quy luật phát triển của thị trường.
Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75% hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cùng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các kênh bán hàng tạp hóa truyền thống cũng cần phải có sự cải tiến, chuyển mình cùng thời cuộc để không bị bật khỏi guồng quay của thị trường.
Đặc biệt, khi xu hướng bán hàng, phân phối đã dịch chuyển mạnh mẽ đòi hỏi những mô hình truyền thống như tạp hóa cũng phải thay đổi cơ bản. Theo đó, cửa hàng tạp hóa không chỉ bán lẻ từ vài nghìn đồng mỗi món hàng, mà cần nâng cấp làm đầu mối bán buôn những mặt hàng thiết yếu… của những nhà sản xuất lớn cho khu vực dân cư tại chỗ.
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các cửa hàng bán lẻ truyền thống cần kết hợp cả những yếu tố truyền thống và tiếp cận xu hướng hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong thời đại mới.
“Việc sử dụng thanh toán điện tử, bán hàng online là những xu hướng các cửa hàng cần cập nhật để có thể phục vụ nhanh nhất những khách hàng bận rộn. Không loại trừ cả việc giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm một cách rộng rãi hơn”, bà Loan lưu ý.