Mỗi nước có một quan điểm khác nhau về vấn đề dừng đỗ xe trước cửa nhà người khác.
Anh dường như là nước lỏng lẻo nhất trong danh sách về vấn đề dừng đỗ xe trước cửa nhà người khác – Ảnh: The Sun
Vấn đề đỗ xe trước cửa nhà người khác luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Ở Việt Nam, điều luật về vấn đề vị trí không được phép dừng đỗ không chỉ đích danh nhà tư, mà chỉ có ý cấm dừng đỗ “trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức”.
Vậy vấn đề này ở các nước khác được quy định như thế nào?
Anh
Ở Anh, chủ nhà không có quyền hợp pháp đặc biệt để đậu xe trực tiếp bên ngoài nhà mình. Tất cả những người tham gia giao thông đều có quyền dừng đỗ xe như nhau ở bất kỳ đâu trên đường công cộng, miễn là không vi phạm các quy định hạn chế đỗ xe như có biển cấm, vạch khoanh vùng, các điểm đặc biệt…
Nước này cũng không có ràng buộc về thời gian đỗ xe. Trừ khi được xác định là chiếc xe đã bị bỏ rơi, cảnh sát mới có thể đến cẩu xe đi.
Chủ nhà không được phép sử dụng các vật dụng đặc biệt để cản trở người khác đỗ xe, chẳng hạn như cọc tiêu giao thông, các chướng ngại vật…, trừ khi chính quyền cho phép làm điều đó vì những lý do đặc biệt như tổ chức tang lễ.
Chủ nhà càng không được làm tổn hại đến chiếc xe dưới bất kỳ hình thức nào, nếu không, sẽ bị coi là hành vi phá hoại.
Ở các nước Anh – Mỹ có khái niệm về “đường lái xe”, hay driveway, được tính vào quyền sử dụng của chủ nhà/chủ tòa nhà. Nếu có ai khác dừng đỗ tại đó thì bị xem là vi phạm dân sự, nhưng cảnh sát sẽ không can thiệp sâu, mà chỉ cử người đến yêu cầu chủ xe đưa xe ra nơi khác.
Ngay cả khi xe “ngoài” dừng đỗ trên phạm vi “đường lái xe” này mà không được sự đồng ý, chủ nhà vẫn không được phép “khóa xe” dưới mọi hình thức, nếu điều đó làm cản trở giao thông. Vi phạm này sẽ bị xét vào tội hình sự và chủ xe hoàn toàn có quyền gọi cảnh sát.
Tất nhiên, chủ nhà hoàn toàn có thể theo đuổi một vụ kiện nếu muốn, nhưng sẽ cần biết chính xác danh tính chủ xe và xác định sẽ tốn thời gian và tiền bạc – Ảnh: The Sun
Mỹ
Tương tự Anh, nhìn chung, Mỹ cũng coi đường công cộng đúng nghĩa là đường công cộng, tức là không ai có quyền coi phần đất trước nhà mình là của mình.
Việc đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác không bị coi là vi phạm pháp luật, nhưng bị xem là thiếu văn minh và có thể gây ra những mâu thuẫn không cần thiết.
Nếu thấy có xe đỗ trước cửa nhà quá lâu, chủ nhà có thể gọi cho cảnh sát yêu cầu kiểm tra. Nếu đó là xe của hàng xóm, chủ xe không vi phạm bất cứ quy định nào. Nhưng nếu xe thuộc về một người không sống ở đó nhưng lại đỗ xe quá 72 tiếng thì có thể phạm luật “Đỗ xe 72 tiếng” tùy từng bang.
Khi người dân gửi thắc mắc, văn phòng cảnh sát thành phố Berwyn Heights, Maryland đã trả lời rằng cách ứng xử tốt nhất trong trường hợp này là… chủ xe và chủ nhà dàn xếp với nhau!
Anh, Mỹ ưu tiên giải quyết theo hướng hòa giải với nhau khi có mâu thuẫn xung quanh việc dừng đỗ xe – Ảnh: J.D. Power
Úc
Không khác hai nước trên, chính quyền Úc cũng nói rằng sở hữu nhà không đồng nghĩa sở hữu phần đường trước nhà, kể cả đường lái xe. Bất kỳ đoạn đường lái xe nào vượt ra ngoài ranh giới tài sản đều thuộc về hội đồng địa phương.
Tuy nhiên, ở Úc có quy định rõ ràng hơn: Ngay cả chủ nhà cũng không được phép đỗ xe ngay trên đường lái xe (có thể dừng trong tối đa 2 phút). Điều đó nghĩa là, những người khác cũng vậy.
Nguyên nhân là xe chặn trên lối đi có thể cản trở các dịch vụ hoạt động khi cần thiết (chẳng hạn cứu hỏa). Đó là lý do ở Úc thường có vạch vàng hai bên đường lái xe để chỉ rõ không gian được dừng đỗ.
Úc không coi không gian đường lái xe thuộc về chủ nhà, nhưng sẽ coi là ngăn cản giao thông nếu dừng đỗ xe ở đó – Ảnh: Carsguide
Đức
Trong các vị trí cấm dừng đỗ xe được đưa vào trong luật, ngoài những vị trí đặc biệt, Đức cũng chỉ cấm dừng đỗ trên đường lái xe mà không cấm dừng đỗ trước cửa nhà người khác.
Tuy nhiên, chủ nhà có thể khiếu nại nếu việc đỗ xe này vi phạm vào quy định dừng đỗ khác, chẳng hạn không được phép khi lòng đường hẹp dưới 3m, ngôi nhà nằm ở khúc cua gấp hay khuất tầm nhìn…
Ở nhiều nơi, người ta kẻ sẵn ô được phép đậu xe để hạn chế gây tranh cãi – Ảnh: Rowdy in Germany
Pháp
Cũng như nhiều quốc gia khác, Pháp không coi không gian trước nhà là của chủ nhà, nhưng coi việc đỗ xe trên đường lái xe là một hành vi cản trở giao thông.
Nhìn chung, dù có quy định trực tiếp đến việc đỗ xe trước cửa nhà người khác hay không, tốt nhất nên tránh để không gây ra những mâu thuẫn không cần thiết – Ảnh minh họa: Supercars
Malaysia
So với các quốc gia khác trong bài viết này, Malaysia là nước có quy định cụ thể nhất về việc dừng đỗ xe trước cửa nhà người khác.
Nếu xe dừng đỗ gây bất tiện hoặc cản trở những người tham gia giao thông khác, bao gồm cả chủ nhà, đều phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm và có thể bị phạt với mức phạt ít nhất là 1.000 RM (5,2 triệu đồng), và/hoặc ít nhất 1 năm tù.
Hàng xóm, chủ nhà có quyền gọi cho các cơ quan chức năng như hội đồng thành phố địa phương hoặc cảnh sát để ra lệnh triệu tập, hoặc di dời xe đi chỗ khác. Cảnh sát sẽ chỉ đơn giản kéo đến bất kỳ chỗ nào không gây cản trở và không cần phải báo lại cho chủ xe.
Người Malaysia cũng không cho rằng phần đất trước cửa thuộc về chủ nhà, nhưng lại coi việc cản trở chủ nhà đi lại cũng là cản trở giao thông – Ảnh: Ask Legal & WapCar
Lưu ý cơ quan chức năng sẽ chỉ can thiệp khi xác định xe cản trở giao thông. Còn nếu vẫn đỗ trước nhà nhưng không ảnh hưởng đến việc ra vào, họ sẽ không can thiệp. Chẳng hạn như chiếc Myvi trên là không vi phạm – Ảnh: Wapcar
Nếu không hài lòng trước thái độ của chủ xe, chủ nhà cũng có quyền kiện cáo dân sự. Tuy nhiên, không được phép làm tổn hại đến chiếc xe.
Ấn Độ
Ấn Độ có quy định khá khác biệt. Họ không coi việc dừng đỗ xe, dù ở bất kỳ vị trí nào, là chuyện đương nhiên hay miễn phí, bao gồm cả chủ nhà với phần đất trước cửa.
Từ năm 2021, chỉ được đỗ xe trước cửa nhà người khác khi có giấy cho phép. Mức phí tương đương 295.000 đồng/năm với xe nhỏ, 880.000 – 1.200.000 đồng/năm với xe cỡ trung và 1,5 triệu đồng/năm với xe van/SUV đối với giấy phép đỗ xe trong khu dân cư.
Ấn Độ cũng không coi phần đất trước cửa nhà thuộc về không gian đậu đỗ hay sử dụng của chủ nhà, nhưng họ có cách thức quản lý khác – Ảnh: Times of India