Mạng xã hội có những mặt trái, mang một số tác hại đối với đời sống giới trẻ là có thật. Nhưng cạnh đó, có không ít người đã dùng mạng xã hội một cách tích cực, hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Công cụ kết nối, làm thiện nguyện cho cộng đồng
Không thể phủ nhận, ở thời đại số, mạng xã hội khi dùng đúng cách đã trở thành một công cụ đắc lực trong rất nhiều công việc, trong đó có hoạt động cộng đồng, thiện nguyện.
Thời gian qua, rất nhiều tổ chức tình nguyện đã hoạt động hiệu quả, huy động tốt sức mạnh cộng đồng nhờ các phương tiện mạng xã hội. Các bạn trẻ thiện nguyện đã sử dụng phương thức kêu gọi bằng cách đưa ra những thông tin cụ thể về chương trình lên Fanpage của nhóm và trang cá nhân của từng thành viên.
Nhiều nhóm có cách thức hoạt động minh bạch, rõ ràng, nội dung, hình ảnh chỉn chu về những hoàn cảnh, mảnh đời thực sự cần được giúp đỡ. Thông qua mạng xã hội, các thông tin này toả lan, thu hút sự chú ý của dư luận, nhận được nhiều ủng hộ về vật chất, tinh thần. Nhờ đó mà nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ, nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa như xây cầu, làm đường, trao xe đạp, trao học bổng, làm đồ chơi sáng tạo, chiếu phim… cho trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa đã được thực hiện.
Bạn Nguyễn Thị Hải Yến, 28 tuổi, kĩ sư công nghệ thực phẩm đang làm việc tại một thương hiệu bánh kẹo, đồng thời là trưởng nhóm từ thiện Lá Cỏ chia sẻ: “Nhóm mình chuyên các hoạt động hỗ trợ trẻ em nghèo như ủng hộ quần áo cũ, xe đạp, cặp sách cũ… Trước đây nhóm mình hoạt động âm thầm, tự kêu gọi bạn bè, người thân quen ủng hộ, quy mô khá nhỏ. Tuy nhiên, từ năm 2019, sau khi nhóm quyết định đăng hình ảnh, thông tin về các chương trình cộng đồng lên mạng, đã có nhiều người chung tay góp sức với nhóm. Số thành viên tăng gấp 3 lần, đồng thời với sự ủng hộ của cộng đồng, nhóm đã thực hiện được nhiều chương trình ý nghĩa như trao một số quỹ học bổng cho trẻ em vùng sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long, trao xe đạp cho trẻ em vùng xa làm phương tiện đi học, tổ chức các chương trình Tết, Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu và Giáng sinh cho trẻ em nghèo với quy mô không nhỏ”.
Hải Yến chia sẻ: “Nhiều người thường phê phán mạng xã hội có nhiều tác hại cho giới trẻ. Nhưng mình nghĩ, nếu sử dụng đúng cách, mạng xã hội sẽ phục vụ cho chúng ta rất nhiều. Như việc làm thiện nguyện của các hội nhóm hiện nay. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để trục lợi từ thiện. Chính vì thế, các nhóm hoạt động tử tế cần hơn hết là công khai, minh bạch, rõ ràng về các hoạt động và tài chính thì có thể đi lâu bền”.
Trên mạng xã hội có Fanpage “Cơm 5.000 Hà Nội” khá nổi tiếng. Nhóm do bạn Lê Thị Linh Hương (SN 2001, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) lập nên nhằm mục đích tạo ra những bữa ăn giá rẻ, hỗ trợ người dân lao động trên địa bàn TP Hà Nội. Nhóm được đánh giá hoạt động rất bài bản, minh bạch. Bạn Linh Hương đã lên kế hoạch truyền thông cho từng tuần và số lượng bài theo ngày để các tình nguyện viên cùng nhau thực hiện.
Fanpage “Cơm 5.000 Hà Nội” đã trở thành cầu nối giữa nhóm và các nhà hảo tâm. Hiện nhóm đã thực hiện được gần 75 nghìn suất cơm trao đến những người lao động và sinh viên nghèo.
Khó có thể kể hết những nhóm cộng đồng đang hoạt động tích cực trên mạng xã hội lẫn ngoài đời. Họ có thể là những sinh viên chuyên tổ chức các chương trình dạy chữ cho trẻ em lang thang, là những nhóm chuyên tổ chức dọn rác ở các khu đô thị, khu du lịch, nhóm sinh viên hội hoạ vẽ tranh cho các bức tường loang lổ, cứu hộ chó, mèo gặp nạn… Những hành vi tốt đẹp của những con người tích cực ấy diễn ra trong cuộc đời thực, nhưng không thể phủ nhận, họ đã dùng đến mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để tìm đến những người cùng chí hướng, để kết nối, lan toả những chương trình đầy ý nghĩa, giúp ích cho đời, cho người.
Khi chuyên gia… lên mạng
Không ít những chuyên gia, những người giỏi có nhiều kiến thức hữu ích cho cộng đồng.
Trong số đó, có không ít các bác sĩ tài giỏi. Với thực trạng nhiều bệnh viện bị quá tải, nhiều người dân vùng sâu, vùng xa, các tỉnh thành chưa thực sự tiếp cận tốt với y tế, thì việc các bác sĩ lên mạng tư vấn, tuyên truyền thông tin y học là rất cần thiết cho người dân.
Một trong số các bác sĩ nổi tiếng trên mạng hiện nay là Hoàng Quốc Tưởng (Bệnh viện Nhi đồng 2, giảng viên ĐH Y Dược, TP HCM), còn có “nick name” gần gũi là “dr Chuột”. Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng sở hữu kênh drhoangquoctuong trên Tiktok với 300.000 lượt theo dõi và kênh “Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng” nổi tiếng trên Facebook cũng với hàng chục ngàn lượt theo dõi. Bác sĩ Tưởng rất thường xuyên cập nhật thông tin y tế dành cho trẻ nhỏ, các kiến thức hữu ích về nuôi con, đồng thời giao lưu, tư vấn cho các mẹ bỉm sữa. Với tính cách trẻ trung, vị bác sĩ “KOL” này nói chuyện rất gần gũi, hài hước, thậm chí còn cập nhật các điệu nhảy bắt trend hay hát tặng các khán giả. Mỗi video đăng tải đều thu về hàng nghìn tương tác.
“Mình chỉ là một bác sĩ nhi khoa rất bình thường. Mình chơi TikTok vì muốn mang đến những điều tích cực và thông tin khoa học để ba mẹ chăm con tốt hơn”, đó là lời giới thiệu bác sĩ Tưởng nói trong một clip đăng trên kênh Tiktok của mình.
Một vị bác sĩ khác cực kì được yêu quý trong cộng đồng nói riêng và cư dân mạng nói chung là bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM). Bác sĩ Khanh là vị bác sĩ đầy tâm huyết, chuyên môn cao, đã dành cả đời để cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhi.
Từ nhiều năm trước, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã bắt đầu dùng mạng xã hội như một kênh hữu hiệu để giúp đỡ bệnh nhân. Vị bác sĩ có biệt danh “bác sĩ mê con nít” thường xuyên đăng tải kiến thức về bệnh nhi, lập ra danh sách hàng trăm câu hỏi và câu trả lời thường thức cho cha mẹ các bé.
Mùa dịch, bác sĩ Khanh từng livestream hướng dẫn chăm sóc cho hàng vạn F0 giữa lúc bản thân đang dương tính… Vị “bác sĩ quốc dân” là thần tượng của hàng ngàn ông bố, bà mẹ và các em nhỏ.
Còn có không ít bác sĩ trong các lĩnh vực khác như thẩm mỹ, lão, xương khớp, tim mạch… sở hữu những kênh Facebook, Tiktok hàng chục ngàn người theo dõi, thường thực hiện những video clip cung cấp kiến thức chuyên môn cực kì hữu ích cho cộng đồng. Có nữ bác sĩ thường lên mạng “vạch trần” những tác hại khủng khiếp của mỹ phẩm giả, kem trộn… đến mức bị các thành phần này hăm doạ nhưng vẫn tiếp tục tuyên truyền kiến thức đúng đắn cho mọi người.
Còn có những luật sư, chuyên gia luật xây dựng các kênh chuyên tuyên truyền, tư vấn pháp lý cho người dân thông qua những trường hợp cụ thể, thú vị và thời sự. Có những thầy, cô giáo 9x dùng mạng xã hội như một cách để dạy các em học sinh về ngoại ngữ, toán học, lan toả tình yêu của các em với các môn học thường bị các em “chê khó” như Văn học, Lịch sử, Địa lý… Những chuyên gia dinh dưỡng, bằng kiến thức, bằng cách thể hiện sinh động từ những bữa ăn ngon lành cân đối về dinh dưỡng, đã lan toả đến cộng đồng cách ăn uống, cách sống lành mạnh, bảo vệ sức khoẻ thông qua thay đổi nhận thức về ẩm thực…
Mạng xã hội là một thế giới “ảo”. Thế nhưng, nhờ những con người hảo tâm, năng động, cái sự “ảo” ấy đã được biến thành hành động thiết thực, đem lại những lợi ích, những giá trị tích cực cho cộng đồng.
Có thể thấy, mạng xã hội có sức mạnh lớn lao nhưng cũng chỉ là một công cụ. Điều quan trọng là mỗi người nhận thức như thế nào, sử dụng nó như thế nào để tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống chính mình, cho mọi người mà thôi.