Từ đầu năm 2023, khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, người dân không phải xuất trình hộ khẩu giấy, sổ tạm trú như trước đây.
Chiều 26/12, tại buổi họp báo thường kỳ quý IV Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thanh Hải – Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) khẳng định, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/1/2023 đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trước đó, Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định bãi bỏ 37 thủ tục, không yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để làm thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Thanh Hải trả lời tại cuộc họp báo
Theo đó, từ đầu năm 2023, khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, người dân không phải xuất trình hộ khẩu giấy, sổ tạm trú như trước đây. Thay vào đó, thông tin của người dân sẽ được khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong lĩnh vực hộ tịch, người dân thường xuyên làm các thủ tục hành chính về khai sinh, khai tử, kết hôn, ly hôn, giám hộ…
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Bộ Công an cũng đã có hướng dẫn với 7 phương thức để người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính khi bỏ sổ hộ khẩu.
“Các hướng dẫn đó rất cụ thể và chi tiết. Khi bỏ sổ hộ khẩu thì người dân áp dụng các phương thức của Bộ Công an để làm các thủ tục hành chính”, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm 2 dịch vụ công liên thông: Đăng kí khai sinh, đăng kí thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng kí khai tử, xóa đăng kí thường trú, trợ cấp mai táng phí tại Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Tư pháp tiếp tục được khai thác và sử dụng hiệu quả, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với hơn 58 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, bao gồm: Hơn 36 dữ liệu đăng ký khai sinh (trong đó có hơn 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); hơn 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; gần 6,1 triệu trường hợp đăng ký khai tử và hơn 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.
“Về cơ bản, sự kết nối giữa dữ liệu Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (Bộ Tư pháp) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý) đã sẵn sàng chia sẻ, kết nối. Chúng tôi cũng đã kết nối với nhiều cơ sở dữ liệu khác”, ông Hải thông tin.
7 cách sử dụng thông tin của công dân thay cho sổ hộ khẩu:
– Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú
– Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân có gắn chip
– Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân
– Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư
– Sử dụng ứng dụng VNeID
– Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú
– Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư./.