Nga đang thử nghiệm lâm sàng vắc-xin thứ hai phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), được đặt tên EpiVacCorona, tại một cơ sở nghiên cứu ở Siberia.
Quá trình phát triển EpiVacCorona đang diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu Virus học và Công nghệ sinh học Vector ở Siberia. Cơ sở này trước đây là nhà máy nghiên cứu vũ khí sinh học tối mật của Liên Xô.
Trong những năm gần đây, cơ sở này được sử dụng để tìm kiếm phương pháp và thuốc điều trị những căn bệnh nguy hiểm như Ebola, ưng thư và SARS…
Các cuộc thử nghiệm lâm sàng EpiVacCorona sẽ hoàn thành vào tháng 9 tới và 57 tình nghiệm viên tham gia thử nghiệm đến giờ vẫn chưa chịu bất cứ tác dụng phụ nào, các nhà khoa học khẳng định.
EpiVacCorona được mong đợi sẽ cung cấp phản ứng miễn dịch sau 2 liều được tiêm cách nhau 14-21 ngày. Nga hy vọng có thể phê duyệt vắc-xin này vào tháng 10 và đưa vào sản xuất trong tháng 11.
Vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai của Nga, EpiVacCorona, có thể được đăng ký vào tháng 10 tới. Ảnh: Daily Mail
Vào đầu tháng này, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19, được đặt tên SputnikV, sau 2 tháng thử nghiệm trên cơ thể người.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định SputnikV “khá hiệu quả, cho miễn dịch tốt và đã trải qua mọi khâu kiểm tra cần thiết”.
Ông chủ Điện Kremlin còn cho biết con gái của ông đã được tiêm vắc-xin này và không chịu bất cứ tác dụng phụ nào. Dù vậy,một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, vẫn bày tỏ lo ngại về sự an toàn của SputnikV
SputnikV, vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Ảnh: Bộ Y tế Nga
Trung Quốc tiêm vắc-xin thử nghiệm cho nhóm nguy cơ lây nhiễm cao
Trung Quốc đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm cho các nhóm có nguy cơ bị lây nhiễm cao kể từ tháng 7, ông Zheng Zhongwei – một quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), cho biết hôm 22-8.
Theo ông Zheng, mục tiêu là tăng cường miễn dịch cho một số nhóm nhất định, trong đó có nhân viên y tế và người làm việc tại các chợ thực phẩm…
Giới chức có thể cân nhắc mở rộng phạm vi của chương trình tiêm chủng khẩn cấp này để ngăn rủi ro virus bùng phát vào mùa thu và mùa đông.
Vị này còn cho biết thêm chỉ dẫn về việc sử dụng khẩn cấp những vắc-xin ngừa Covid-19 tiềm năng đã được thông qua hôm 24-6 nhưng đến giờ vẫn chưa được công bố.
Trung Quốc vừa phê duyệt thử nghiệm lâm sàng một loại vắc-xin ngừa Covid-19 được nuôi cấy trong tế bào côn trùng. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 22-8, chính quyền TP Thành Đô cho biết Trung Quốc đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng cho một loại vắc-xin ngừa Covid-19 được nuôi cấy trong tế bào côn trùng, do Bệnh viện Tây Trung của Trường ĐH Tứ Xuyên phát triển.
Quá trình thử nghiệm trên khỉ cho thấy vắc-xin có thể ngừa Covid-19 và không để lại bất cứ tác dụng phụ nào.