Theo quy hoạch, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành một đô thị biển đảo, là trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế…
Ngày 7/2, thông tin từ tỉnh Kiên Giang cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định Phê duyệt đồ án Quy hoạch chung TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đến năm 2040.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27 km 2 của TP. Phú Quốc gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới), 7 xã (Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu) và các khu vực nghiên cứu khả năng phát triển, xây dựng trên biển tại phía Bắc và phía Nam đảo Phú Quốc.
Định hướng phát triển TP Phú Quốc đến năm 2040 phù hợp với Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua chiến lược phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Quy hoạch định hướng thành phố phát triển có tính kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với điều kiện thực tiễn, đúng quy định pháp luật; bảo đảm khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong trường hợp hình thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và tách xã đảo Thổ Châu (Thổ Chu) thành huyện đảo riêng.
Quy hoạch, phát triển TP. Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị – văn hóa. Thành phố sẽ có không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Phú Quốc được xác định là đô thị biển – đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt; trung tâm dịch vụ du lịch, sinh thái biển – đảo tổng hợp, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng của quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Phú Quốc còn là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực. Có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng của Quốc gia.
Đến năm 2030, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 400.000 người, gồm dân số chính thức khoảng 255.000 người và các thành phần dân số khác như khách du lịch, lao động,… Đến năm 2040, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 680.000 người, gồm dân số chính thức khoảng 430.000 người và các thành phần dân số khác như khách du lịch, lao động,…
TP. Phú Quốc phát triển theo mô hình đa trung tâm, hình thành chuỗi đô thị tập trung bao gồm: Trung tâm đô thị – du lịch chính tại khu vực phường hiện hữu (Dương Đông, An Thới) và các trung tâm mới tại Cửa Cạn, Bãi Trường. Chuỗi đô thị – du lịch với mật độ thấp theo trục chính Bắc – Nam An Thới. Cầu Trắng, trục giao thông vòng quanh đảo Bãi Vòng – Bãi Thơm – Rạch Tràm. Rạch Vẹm – Gành Dầu – Cửa Cạn – Dương Đông – Bãi Trường – Bãi Khem kết nối cảng biển An Thới, Bãi Đất Đỏ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Trụ sở hành chính, cơ quan cấp thành phố sẽ được xây dựng mới tại khu vực hai bên đường Cách mạng Tháng 8 (cuối khu vực sân bay cũ) – phường Dương Đông (khoảng 16 ha). Trụ sở hành chính, cơ quan cấp phường sẽ bố trí theo quy hoạch phân khu; có thể nghiên cứu bổ sung theo nhu cầu phát triển của đô thị.
Đáng chú ý, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được định hướng nâng cấp, cải tạo đến năm 2030 đạt công suất 10 triệu hành khách/năm; sau năm 2030 công suất 18 triệu hành khách/năm. Cảng biển bao gồm các khu bến Phú Quốc có thể đón cỡ tàu tổng hợp đến 30.000 tấn…