Sẽ có quy định chi tiết về kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Thông tư quy định chi tiết về kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thay thế Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT, để bảo đảm việc thực hiện ngay khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2024).

TIN MỚI
Sẽ có quy định chi tiết về kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu - Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dự thảo Thông tư quy định chi tiết kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Liên quan đến việc lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, Điều 36 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 quy định, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuẩn bị dự án có thể căn cứ quy mô, tính chất công tác đấu thầu của dự án để trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được lập đồng thời hoặc độc lập với báo cáo nghiên cứu khả thi và được phê duyệt sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được lập.

Do đó, để đảm bảo thực hiện Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, dự thảo Thông tư này quy định chi tiết việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu, dự án quy định tại Điều 1 và Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, trừ gói thầu mua thuốc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2.

Để phù hợp với yêu cầu thực tế, dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn cách thức điều chỉnh kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong một số trường hợp cần thiết; trách nhiệm đăng tải kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong những trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư với thời hạn là trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản phê duyệt được ban hành.

Về nguyên tắc áp dụng, dự thảo Thông tư quy định, đối với các gói thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (điều ước quốc tế), thỏa thuận vay nước ngoài thì trình tự, trách nhiệm trình duyệt, thẩm định và phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận vay không có quy định về lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thì hoạt động lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu áp dụng quy định của Thông tư này.

Dự kiến, Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024, thay thế Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT. Trong thời gian chuyển tiếp, những gói thầu đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng đến ngày 1/1/2024 chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, nếu không phù hợp với Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, còn đối với những hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phát hành trước ngày 1/1/2024 thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lập kế hoạch đấu thầu và các thông tư hướng dẫn liên quan.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin