Công ty đã phải chi số tiền lên đến gần 300 tỷ đồng liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An”. PTI ra mắt chương trình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát với mục tiêu cùng cộng đồng vượt qua dịch bệnh.
Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện ( HNX: PTI ) công bố BCTC hợp nhất quý II với doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm tăng 21,6% lên 1.548 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tăng mạnh khiến công ty bị lỗ gộp kinh doanh bảo hiểm 119 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 144 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư giảm lãi, hoạt động tài chính lỗ và liên doanh, liên kết cũng lỗ.
Đơn vị: tỷ đồng
Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ ròng 223 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước đạt 25 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục của Bảo hiểm Bưu điện. Lũy kế 6 tháng, lỗ 184 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 93 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Công ty cho biết nguyên nhân chính là do trong nửa đầu năm phát sinh chi phí liên quan chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” số tiền 296,1 tỷ đồng. Khách hàng tham gia chương trình bảo hiểm với chi phí vài trăm nghìn đồng, có thể được chi trả hàng chục triệu đồng khi bị nhiễm bệnh Covid-19 trong khoảng thời gian nhất định, tối thiểu 3 tháng. Do dịch bệnh bùng phát mạnh nên số tiền chi trả lớn hơn nhiều số phí thu được. Chương trình bảo hiểm này cũng gặp nhiều phản hồi kém tích cực do chậm chi trả tiền bồi thường.
Vào 19/7, PTI thông báo thay đổi điều kiện hỗ trợ trong bối cảnh Chính phủ tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh. Cụ thể, doanh nghiệp cho biết chương trình ra mắt trong bối cảnh cả nước đối phó dịch bệnh và số lượng người dân được tiêm chủng còn thấp. Song, đến nay, biến chủng Omicron đang bùng phát nhưng phần lớn người dân đã được tiêm chủng, số lượng mắc bệnh không có triệu chứng hoặc nhẹ phổ biến. Chính phủ thay đổi quan điểm trong ứng phó dịch nên công ty cũng thay đổi điều kiện và chỉ áp dụng cho người điều trị Covid-19 đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nằm viện điều trị tại cơ sở thu dung thuộc tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng theo quyết định Bộ Y tế.
PTI cho biết hiện nay có 2 nhóm cổ đông lớn nhất gồm Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect ( HoSE: VND ) và các cổ đông theo ủy quyền (chiếm 42,33%) và Công ty Bảo hiểm DB – Hàn Quốc (chiếm 37,32%).