Theo các chuyên gia, khi lưỡi xuất hiện những vị này thì hãy cẩn thận với bệnh tật.
Lưỡi là một cơ quan trong hệ tiêu hóa của con người, có nhiệm vụ giúp chúng ta nhận biết hương vị của thức ăn, kết hợp với cổ họng hình thành ngôn ngữ và âm thanh, duy trì sự sạch sẽ của miệng… Chính vì vậy, lưỡi không chỉ hỗ trợ hoạt động của cơ thể mà còn có vai trò quan trọng trong sức khỏe tổng thể.
Thông thường, chúng ta sẽ cảm nhận được những hương vị lạ trong miệng sau khi ăn những thực phẩm đặc trưng, chẳng hạn như hành, tỏi, chanh, gừng… hoặc khi bạn vệ sinh răng miệng không sạch sẽ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu đột nhiên thấy lưỡi xuất hiện vị lạ không rõ nguyên nhân, bạn hãy cẩn thận vì đây có thể là dấu hiệu sớm của bệnh tật.
Trên thực tế, có một số loại bệnh gây ra những hương vị khác nhau trên lưỡi. Thay vì bỏ qua, bạn hãy kiểm tra xem lý do tạo nên các hương vị này, nếu vẫn không biết được từ đâu ra thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Sau đây là các mùi vị trên lưỡi có thể là dấu hiệu bệnh tật.
– Lưỡi có vị đắng: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc bệnh gan, túi mật
Nhiều người thức dậy hay có vị đắng trên lưỡi giống như ăn phải mướp đắng. Trong đa số trường hợp, vị đắng này là do mất cân bằng chuyển hóa ở gan, thường gặp ở một số bệnh về gan. Trong Đông y, khi gan bị nóng sẽ khiến mật trào ngược lên miệng và gây ra vị đắng.
Bên cạnh đó, đắng miệng còn là một dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Cụ thể, đây là bệnh xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, thường xuyên xảy ra sau bữa ăn, khi nằm ngủ và nghiêng người. Vào thời điểm axit dạ dày chảy ngược về lại, nó sẽ lan ra phần sau của miệng và gây ra cảm giác đắng trong miệng.
– Lưỡi có vị kim loại: Bệnh nướu răng hoặc vấn đề về mũi xoang
Bệnh nướu răng thường xuất phát từ các mảng bám trên bề mặt răng. Nếu không vệ sinh răng miệng sạch sẽ, mảng bám sẽ là nguồn bệnh phát triển thành viêm nướu, dẫn đến bệnh nướu răng. Bệnh này gây ra sự viêm, sưng và chảy máu của nướu, từ đó có thể tạo ra cảm giác vị kim loại trong miệng và trên lưỡi.
Ngoài ra, vị kim loại trên lưỡi còn là dấu hiệu của các vấn đề mũi xoang. Khứu giác và vị giác luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nên khi có vấn đề về mũi xoang, chúng sẽ làm giảm khả năng nhận biết mùi vị và gây ra tình trạng miệng có vị kim loại. Các vấn đề mũi xoang bao gồm cảm lạnh thông thường, viêm xoang, viêm tai giữa, dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp trên…
– Lưỡi có vị chua: Cơ thể mất nước, bị nhiễm trùng
Theo Amber Tully – tiến sĩ kiêm bác sĩ y học gia đình tại Cleveland Clinic, cho biết trong một số trường hợp, vị chua trong miệng có thể đến từ nguyên nhân đơn giản như không uống đủ nước. Mất nước có thể khiến miệng bạn bị khô và làm thay đổi vị giác. Đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mất nước nghiêm trọng.
Uống không đủ nước sẽ gây ra nhiều tác động xấu cho sức khỏe con người. Tác hại đầu tiên chính là gây rối loạn tiêu hóa, làm cho phân khô và khó đi qua ruột, gây ra tình trạng khó tiêu, táo bón. Ngoài ra, thiếu nước cũng có thể gây ra một số vấn đề về hệ thống niệu đạo, chẳng hạn như viêm bàng quang và cảm giác tiểu buốt.
Tiếp theo, thiếu nước sẽ làm giảm khả năng vận động và suy giảm năng lượng của cơ thể. Khi cơ thể mất nước, cơ và mô trong cơ thể không hoạt động hiệu quả, dẫn đến mệt mỏi và giảm khả năng thực hiện các hoạt động thể chất. Về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự tập trung, thể lực và các hoạt động chơi thể thao.
Thêm vào đó, nếu cơ thể bắt đầu nhiễm bệnh (chẳng hạn như nhiễm trùng xoang hay cảm lạnh…) thì vị giác cũng bị tác động theo. Khi bạn khỏe hơn thì vị chua trên lưỡi cũng sẽ biến mất. Chính vì vậy, khi thấy lưỡi bắt đầu chua thì hãy cẩn thận chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, hãy ăn uống và tập thể dục điều độ.
– Miệng có vị ngọt: Bệnh tiểu đường, nhiễm toan ceton do tiểu đường
Tình trạng lưỡi có vị ngọt dù bạn không ăn các món có đường hay chất tạo ngọt có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe cần chữa trị. Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến lưỡi xuất hiện vị ngọt. Loại bệnh này rất nguy hiểm nên bạn cần phải cảnh giác ngay khi có dấu hiệu này.
Khi bị bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao do cơ thể không thể sử dụng hoặc chuyển hóa đường thành năng lượng một cách hiệu quả. Lúc này đường sẽ lan vào nước bọt trong miệng, gây ra cảm giác ngọt trong miệng và lưỡi. Bệnh đôi khi còn xuất hiện các triệu chứng đi kèm như kiệt sức, mờ mắt, đi tiểu nhiều, khát cực độ, giảm khả năng nếm vị ngọt trong thực phẩm…
Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường có thể gây ra một biến chứng nghiêm trọng gọi là nhiễm toan ceton do tiểu đường. Biến chứng này là do cơ thể không thể sử dụng đường làm năng lượng mà lại dùng chất béo. Điều này khiến một loại axit có tên ketone tích tụ trong cơ thể, nếu lượng ketone quá nhiều sẽ khiến miệng có vị ngọt.