Với thị trường hàng không nội địa lớn nhất thế giới, Mỹ cũng có lượng sân bay nhiều nhất – 19.633.
Tính đến cuối năm 2021, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng thì trong 10 năm tới cả nước có 28 sân bay và đến năm 2050 có 31 sân bay.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 các sân bay phục vụ khoảng 275,9 triệu người và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn này ưu tiên tập trung đầu tư một số sân bay lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội, vùng TP HCM.
Quy hoạch cho biết sẽ từng bước nâng cấp 22 sân bay hiện có, đầu tư 6 sân bay mới (Long Thành, Nà Sản, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết) để cả nước khai thác 28 sân bay, tổng công suất 283 triệu hành khách vào năm 2030, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100km (hiện nay là 86%).
Các sân bay trong thời kỳ này gồm 14 sân bay quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc) và 14 sân bay quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Cảng hàng không Thọ Xuân dự kiến trở thành cảng hàng không quốc tế. Ảnh: Dy Khoa.
Đến đầu tháng 9 này, Cục Hàng không Việt Nam có công văn số 3960/CHK-QLC gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo công tác rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong văn bản này, tại thời kỳ 2021-2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP HCM, hình thành 28 cảng hàng không.
Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 17 cảng hàng không quốc nội (thêm sân bay Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội).
Bao nhiêu sân bay là đủ?
Đây là câu hỏi không thể có câu trả lời chính xác. Các đơn vị tư vấn quy hoạch mạng lưới sân bay, cảng hàng không dựa trên nhiều yếu tố như diện tích quốc gia/đơn vị hành chính, mật độ dân cư, mức chi tiêu và thói quen đi lại. Hiện tại mỗi quốc gia có số lượng rất khác nhau, có nước đã sở hữu đến 20.000 sân bay nhưng có quốc gia chỉ có một sân bay.
Với vị thế sở hữu thị trường hàng không nội địa lớn nhất thế giới, Mỹ đang có số lượng sân bay nhiều nhất thế giới. Chuyên trang hàng không Simple Flying, dẫn lại số liệu từ Cục Hàng không dân dụng Mỹ, cho biết nước này đang có 19.633 sân bay. Trong số này có 5.082 là sân bay công và còn 14.551 là do tư nhân vận hành.
Các sân bay có các dịch vụ hàng không thương mại theo lịch trình và đạt hơn 10.000 lượt hành khách mỗi năm sẽ được định nghĩa là các sân bay chính. Theo đó, toàn nước Mỹ có 396 sân bay chính. Texas, Florida, California và Alaska đứng đầu danh sách sở hữu sân bay chính, trong khi Vermont chỉ có một sân bay chính – Burlington International.
Brazil đứng ở vị trí thứ hai với 534 sân bay công và 2.183 sân bay tư nhân, tổng số 2.717. Đây là quốc gia có diện tích lớn nhất ở Nam Mỹ nhưng nó chỉ đứng thứ mười trên thế giới về số lượng hành khách được chuyên chở. Sân bay lớn nhất là Sân bay Quốc tế Sao Paulo-Guarulhos (GRU), phục vụ 30 triệu hành khách hằng năm với các chuyến bay đến 103 điểm đến và 29 quốc gia.
Mặc dù chỉ đứng ở vị trí thứ 19 trên toàn cầu về lượng hành khách nhưng Mexico lại đứng thứ ba về số lượng sân bay, với 1.740 sân bay. Tuy nhiên, chỉ 58 trong số này có các dịch vụ thương mại theo lịch trình. Sân bay lớn nhất tính theo số lượng hành khách là Sân bay Quốc tế Thành phố Mexico (MEX), đón hơn 50 triệu lượt hành khách trong năm. Sân bay quốc tế Cancún (CUN) trên bán đảo Yucatan đứng thứ hai với hơn 25 triệu lượt khách.
Canada, Nga và Trung Quốc lần lượt ở các vị trí tiếp theo. Canada có 1.620 sân bay. Nga sở hữu 1.218 sân bay. Và Trung Quốc là 235, nước này có kế hoạch sở hữu 450 sân bay đến năm 2035. Trung Quốc là quốc gia có thị trường hàng không tăng trưởng “nóng” nhất thế giới.
Sân bay Suvarnabhumi là một trong những sân bay quốc tế chính của Thái Lan. Ảnh: Dy Khoa.
Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia sở hữu nhiều sân bay nhất. Quốc đảo rộng lớn này có “ít nhất 683 sân bay” – số liệu cập nhật đến tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên chỉ có 34 trong số này là sân bay thương mại, được vận hành chủ yếu bởi PT Angkasa Pura I (AP I) và PT Angkasa Pura II (AP II).
Thái Lan có 38 sân bay, 7 sân bay quốc tế. Vùng Bangkok có hai cảng hàng không quốc tế quan trọng nhất với cả vương quốc là Suvarnabhumi và Don Mueang. Các sân bay quốc tế của Thái Lan phục vụ hơn 140 triệu hành khách vào năm 2019, riêng Suvarnabhumi đón 64 triệu.
Malaysia có 66 sân bay, chỉ có 38 trong số này phục vụ mục đích thương mại. Theo Bộ Giao thông vận tải Malaysia, đất nước có 6 sân bay quốc tế. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) lớn nhất nước, là hub hàng không của quốc gia, khu vực và thế giới. Sân bay là có hai nhà ga KLIA và KLIA2.
Tính đến tháng 3/2020, Philippines có 70 sân bay. Sân bay quốc tế Ninoy Aquino (MNL) tại thủ đô Manila là sân bay lớn nhất quốc gia quần đảo. Singapore có hai sân bay là Changi và Selatar. Sân bay chính là Changi, mỗi năm đón 65 triệu hành khách.