Thông điệp kêu gọi mọi người làm từ thiện sẽ có hiệu quả nhất khi được điều chỉnh theo cách mọi người nhìn nhận về bản thân họ.
Tại sao nhiều người lại làm từ thiện? Thực tế không ai có thể đưa ra một câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi này được. Vì có rất nhiều người tỏ ra rất nhiệt tình với việc làm từ thiện, nhưng khi thật sự bắt tay vào làm thì họ không còn nhiệt tình như những gì đã nói.
Ngoài ra, có rất nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu về những vấn đề xung quanh việc làm từ thiện. Trong đó có nhiều cuộc nghiên cứu đã tìm hiểu về việc liệu những người giàu có nhiệt tình với việc làm từ thiện hay không. Tuy nhiên mỗi nghiên cứu lại cho ra một kết quả khác nhau. Có người nói rằng người giàu rất nhiệt tình trong việc làm từ thiện. Nhưng cũng có người lại phản đối ý kiến này.
Gần đây, 3 nhà tâm lý học Ashley Whillans, Eugene Caruso và Elizabeth Dunn đã tiến hành thực hiện 3 cuộc nghiên cứu để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì thúc đẩy mọi người quyên góp cho các tổ chức từ thiện? Ở lần nghiên cứu đầu tiên, họ đã phát hiện ra rằng những người không có nhiều tiền sẽ sẵn sàng tham gia từ thiện nếu họ được đề nghị quyên góp với lý do vì xã hội và cộng đồng. Ngược lại, những người giàu có sẽ đồng ý làm từ thiện nếu đề nghị đó thiên về tính cá nhân.
Cách bạn làm từ thiện không phụ thuộc quá nhiều vào những gì bạn đang có, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu lời đề nghị giúp đỡ có giống với cách bạn nhìn nhận về bản thân hay không.
Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hành vi của những người truy cập trang web có tên là Life you can save. Trang web này là một đơn vị giúp quảng bá cho các tổ chức từ thiện gây quỹ để giúp đỡ người nghèo. Những người truy cập trang web được yêu cầu tham gia vào một cuộc khảo sát để đổi lấy một cuốn sách miễn phí và tổng cộng có 185 (58% nữ) người đã truy cập và làm khảo sát. Cuộc khảo sát yêu cầu những người tham gia cung cấp thông tin về giới tính, tuổi tác, dân tộc và thu nhập theo hộ gia đình. Sau đó, họ sẽ được yêu cầu chọn một trong hai thông điệp kêu gọi quyên góp. Một nửa số người tham gia đã chọn thông điệp mang tính chất cá nhân, đó là: “Kiến thức là thứ duy nhất có thể giúp bạn thoát nghèo”. Còn những người khác lại chọn thông điệp mang tính chất cộng đồng: “Kiến thức là thứ duy nhất có thể giúp chúng ta cùng nhau thoát nghèo.”
Sau khi chọn một trong hai lời kêu gọi này, những người tham gia sẽ thấy một đường link có tên là: “Quyên góp ngay hôm nay” xuất hiện và họ có thể tự nhấp vào đó. Và nó sẽ tự động mở một trang web mới và những người tham gia có thể quyên góp cho quỹ từ thiện ở đây.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đa phần những người chọn lời kêu mang tính cá nhân thường là những người có thu nhập từ 90.000 USD trở lên. Còn những người chọn lời kêu gọi mang tính cộng đồng thường có thu nhập từ 40.000 USD trở xuống. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ nào giữa việc nhấp vào link quyên góp và các yếu tố như giới tính, dân tộc hoặc tuổi tác.
Tuy nhiên, 3 nhà nghiên cứu thấy rằng nghiên cứu thông qua trang web này không được thuyết phục cho lắm. Vì họ không thể chứng minh rằng những người tham gia khảo sát đã quyên góp tiền hay chưa. Chính vì thế ,họ đã thực hiện hai thí nghiệm bổ sung và các yêu cầu cũng giống hệt nghiên cứu trước. Điểm khác biệt là ba người họ tiến hành khảo sát ở hai địa điểm khác nhau. Một nghiên cứu được thực hiện ở một bảo tàng khoa học của Vancouver, Canada với 474 người tham gia. Sau khi hoàn thành hết những thông tin cơ bản, những người tham gia sẽ được cho biết rằng họ đang tham gia một chương trình bốc thăm trúng thưởng và có cơ hội giành được 100 USD. Nếu họ trúng thưởng họ có quyền lựa chọn quyên góp một phần hoặc toàn bộ số tiền thưởng đó.
Khoảng 87% những người tham gia đã chọn quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện. Những người giàu tỏ ra hào phóng và quyên góp nhiều tiền hơn sau khi được đọc và nghe thông điệp mang tính chất cá nhân. Ngược lại, những người “ít” giàu hơn đã quyên góp nhiều hơn sau khi được nghe thông điệp mang tính cộng đồng. Và một lần nữa, các đặc điểm khác như độ tuổi và giới tính của những người tham gia, không có mối liên quan nào đến cách họ làm từ thiện.
Tại sao những người giàu có lại hứng thú với thông điệp đó? Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người có thu nhập cao thường thiên về ý thức kiểm soát cá nhân. Tiền cho phép họ đạt được mục tiêu cá nhân mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào người khác và điều này có thể ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận bản thân. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người có thu nhập thấp hơn có xu hướng muốn kết nối nhiều hơn với người khác, có thể vì trong cuộc sống họ vẫn cần dựa dẫm vào người khác. Những phát hiện này đã khiến một số nhà nghiên cứu suy đoán rằng khi con người trở nên giàu có, sự quan tâm và lòng trắc ẩn của họ đối với người khác sẽ giảm đi. Tuy nhiên, nghiên cứu của Ashley Whillans, Eugene Caruso và Elizabeth Dunn đã cho thấy giả thiết này không hoàn toàn đúng. Vì những người giàu vẫn có thể rất nhiệt tình với việc làm từ thiện khi họ được yêu cầu giúp đỡ bằng cách nhấn mạnh vào tính chất cá nhân ở các thông điệp từ thiện.
Tất nhiên, chúng ta vẫn cần phải nghiên cứu thêm để xem xem thông điệp có quan trọng đối với các hình thức quyên góp khác ngoài tiền hay không. Điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức từ thiện trong việc gây quỹ cũng như giúp đỡ những đối tượng đang gặp khó khăn