Không chỉ số lượng calo mà cả thời gian tiêu thụ thực phẩm có thể ảnh hưởng đến cân nặng của một người.
“Bắt đầu ngày mới của bạn lúc 6 giờ sáng và kết thúc hoạt động trước 10 giờ tối phù hợp với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Kết hợp phương pháp này vào thời gian bữa ăn, đặc biệt là cho bữa sáng và bữa tối, có thể tăng cường hơn nữa khả năng đốt cháy mỡ bụng của cơ thể”, Tiến sĩ Naheed Ali (một bác sĩ đến từ Florida) nói với trang GB News của Anh vào tháng trước.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia, gần một nửa số người trưởng thành ở Mỹ sẽ bị béo phì vào năm 2030. Khoảng 53% người Mỹ bị béo bụng. Mỡ dưới da là mỡ bụng bạn có thể nhìn thấy và véo. Chất béo nội tạng – chất béo được lưu trữ sâu trong bụng, bao quanh dạ dày, gan và ruột. Mỡ nội tạng có thể là loại chất béo nguy hiểm nhất vì nó tiết ra các chất độc hại làm tăng huyết áp và gây viêm. Hạn chế ăn uống vào những thời điểm nhất định đã được chứng minh là làm giảm mỡ nội tạng.
Cụ thể, BS Aki khuyến nghị: Bữa sáng lý tưởng nên được tiêu thụ trong vòng một giờ sau khi thức dậy, khoảng 7 giờ sáng để khởi động quá trình trao đổi chất. Nhưng còn khi nói đến bữa tối thì sao? Ông nói thêm: “Bữa tối nên được tiêu thụ ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ để đảm bảo rằng cơ thể có nhiều thời gian để tiêu hóa bữa ăn trước khi tốc độ trao đổi chất chậm lại trong khi ngủ”.
Trao đổi chất là quá trình chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Điều này có nghĩa là những người có sự trao đổi chất nhanh đốt cháy nhiều calo hơn – ngay cả khi nghỉ ngơi.
Kết luận này xuất hiện khi một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu Mỹ, đăng trên trang Thông tin Thư viện Y khoa Hoa Kỳ cho thấy ăn từ hai đến ba bữa một ngày và nhịn ăn trong 12 đến 16 giờ có thể làm giảm cholesterol, viêm. Nghiên cứu cũng khuyến nghị bữa sáng là một trong những bữa ăn chính trong ngày và bữa cuối cùng trong ngày nên ăn lúc 3-4 giờ chiều. Họ cũng phải tránh ăn vặt vào đêm khuya.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người tham gia nghiên cứu đã cải thiện nhịp sinh học của họ. Đây là đồng hồ sinh học 24 giờ kiểm soát sự giải phóng hormone, giấc ngủ, sự thèm ăn, tiêu hóa và nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng nhiều người không thể kết thúc “lịch ăn uống” trong ngày sớm như vậy vì nhiều lý do.
Trong khi đó, theo BS Ali cho biết thì lịch trình của mình “hỗ trợ độ nhạy insulin và giúp kiểm soát hormone đói suốt cả ngày, do đó giúp giảm mỡ bụng”.
Việc giảm cân phụ thuộc cả vào lượng calo và thời gian tiêu thụ thực phẩm
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Vanderbilt ở Nashville, không chỉ số lượng calo mà cả thời gian tiêu thụ thực phẩm có thể ảnh hưởng đến việc tăng cân của một người. Các phát hiện này được đăng trên tạp chí PLOS Biology.
Những phát hiện này liên quan đến đồng hồ sinh học mà các nhà khoa học gọi là nhịp sinh học. Nghiên cứu cho thấy nhịp sinh học bị gián đoạn, ví dụ như ở những người làm việc theo ca, sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm cả béo phì.
Những ảnh hưởng sức khỏe này có thể là do thói quen ăn uống bị xáo trộn. Điều này cho thấy rằng thời điểm tiêu thụ thực phẩm sẽ có tác động lên cơ thể.
Giáo sư Carl Johnson, tác giả chính của nghiên cứu cùng Giáo sư Khoa học Sinh học Cornelius Vanderbilt, giải thích: “Có rất nhiều nghiên cứu trên cả động vật và con người cho thấy điều quan trọng không chỉ là bạn ăn bao nhiêu mà còn quan trọng là bạn ăn vào thời điểm nào”.
Phát hiện nhịp sinh học của cơ thể điều chỉnh quá trình đốt cháy chất béo có thể có ý nghĩa quan trọng đối với thói quen ăn uống, cho thấy rằng nhịn ăn từ bữa tối đến bữa sáng sẽ tốt hơn cho việc giảm cân so với bỏ bữa sáng.