Tiết kiệm nửa tháng lương không phải là chuyện khó khăn nếu bạn biết cách quản lý tài chính.
Đã từng có thời gian chi tiêu hoang phí như thế
Huyền Trang (29 tuổi) chia sẻ, cách đây 6 năm, cô đã có mức lương đáng mơ ước với nhiều người trẻ mới ra trường, đó là kiếm được 20 triệu đồng/tháng từ công việc văn phòng. Thu nhập cao nhưng cô nàng không tiết kiệm được đồng nào vì rơi vào “bẫy lạm phát lối sống”, đó là khi lương càng tăng thì càng chi tiêu nhiều hơn.
“Thời điểm đó, mình luôn có đủ lý do để bao biện cho hành vi không tiết kiệm được tiền. Mình không nấu ăn ở nhà, sẵn sàng dành bộn tiền ăn ngoài vì ‘mình xứng đáng được tận hưởng’, ‘ăn một vài bữa thì có tốn kém gì đâu?’. Mình đi du lịch bất chấp tiền lương còn nhiều hay ít vì ‘bạn bè mình mời mà’, ‘tuổi trẻ giờ không đi thì đợi đến bao giờ?’,…
Với suy nghĩ ‘cả tháng trời làm việc vất vả, mình không thể bị đày đọa trong phòng trọ 1 triệu đồng/tháng hay hàng ăn bình dân’, mình lại càng vung tay quá trán”, Huyền Trang nói.
Ảnh minh hoạ
Cũng vì thế, suốt thời gian dài Huyền Trang luôn tiêu hết tiền lương kiếm được. Thế nhưng, tư duy tài chính này đã thay đổi. Đó là vào năm Huyền Trang 27 tuổi, cô nhận ra sau 4 năm đi làm, mức lương của mình chỉ dừng lại ở 20 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của bạn bè tăng vùn vụt. Nhận ra môi trường công việc độc hại, bản thân muốn chuyển ngành để tìm kiếm cơ hội mới nhưng tài khoản tiết kiệm trống rỗng đã kéo Huyền Trang về với thực tại.
“Lúc này, mình nhận ra mọi quyết định của bản thân đều bị hạn chế vì 3 chữ ‘quỹ tiết kiệm’. Mình không đủ tiền để ứng phó với các rủi ro khi tìm kiếm cơ hội mới, chưa nói đến các dự tính tương lai lớn khác”, Huyền Trang kể và thừa nhận cái sai là nuông chiều bản thân quá mức.
Sau một thời gian đắn đo, không chỉ quyết định chuyển sang lĩnh vực mới mà cô còn đặt ra nguyên tắc chỉ tiêu 10 triệu đồng/tháng, tức là bằng ½ thu nhập của trước đây. Còn lại bao nhiêu tiền, cô sẽ đi gửi tiết kiệm và đầu tư vào công việc.
Một trường hợp khác, Nhật Linh (Hà Nội) cho biết từ cách đây 4 năm, khi mức lương chỉ khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng thì cô nàng đã học cách quản lý tài chính. Động lực cho nỗ lực này là bởi cô đã rơi vào cảnh rỗng ví trong thời điểm Covid-19.
“Công việc gặp rắc rối, gia đình lại cần mình hỗ trợ về tài chính mà trong tài khoản tiết kiệm chỉ còn vài triệu đồng. Để có tiền gửi cho bố mẹ, mình phải lấy hết khoản tích lũy, kết hợp thêm vay mượn từ bạn bè. Khi đó mình mới tự nhủ, nếu cứ kiếm được đồng nào mà xài hết đồng đó thì lúc tài chính đi xuống, mình lấy đâu ra tiền để trang trải?”, Nhật Linh nhớ lại.
Nhật Linh tự nhận, trước đó cô chưa bao giờ giỏi trong việc kiểm soát bản thân, việc chi tiêu cũng thế. “Chính thời điểm khó khăn về tài chính trước kia đã thức tỉnh mình. ‘Tiền không thể như lá cây’ và nếu mình cứ sống vô lo vô nghĩ với tiền bạc như hiện tại thì lúc bị cơn sóng tài chính đánh gục, mình và gia đình không thể đứng lên”, cô nàng tâm sự.
Ảnh minh hoạ
Làm sao để tiết kiệm nửa tháng lương khi thu nhập 15 – 20 triệu đồng/tháng?
Với Huyền Trang, cô chia sẻ bí quyết để tiết kiệm nửa lương khi có mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng: “Đầu tháng, mình luôn tính trước tháng này sẽ dùng bao nhiêu tiền cho chi phí sinh hoạt. Mình đặt mục tiêu tiết kiệm được nửa lương, nên khi kiếm được 20 triệu đồng thì chi phí sinh hoạt chỉ là 10 triệu đồng. Sau đó, mình sẽ điều chỉnh các khoản chi để không vượt quá con số đã quy định.
Từ khi chuyển sang theo đuổi lối sống tiết kiệm, mình hầu như chỉ nấu ăn và pha đồ uống tại nhà. Mình chỉ mua đồ trên sàn thương mại điện tử khi có nhu cầu cần thiết, còn thời gian rảnh rỗi sẽ không dùng chúng. Vì thông thường, cứ vào nền tảng này là mình mua đồ không thể kiểm soát”.
Về khoản thu nhập còn dư, những năm trước đó, cô chỉ trích một phần nhỏ đi gửi tiết kiệm, còn lại mang tiền cho vào khoá học nâng cấp bản thân. Bên cạnh đó, cô còn dành một ít tiền để mua vàng và theo đuổi các mã cổ phiếu.
Ảnh minh hoạ
Còn về phía Nhật Linh, cô cho biết giờ đã kiếm được 30 triệu đồng/tháng từ công việc văn phòng. Tuy nhiên, cô vẫn giữ thói quen dành khoảng 10 triệu đồng/tháng cho chi tiêu cá nhân, tức khoản tiền tương đương một nửa tháng lương khi có thu nhập 15 – 20 triệu đồng.
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm này, Nhật Linh đã duy trì kế hoạch tài chính nghiêm ngặt.
Đầu tiên, Nhật Linh bắt bản thân học cách tạo ra ngân sách chi tiêu. Cụ thể hơn, cô nàng bắt đầu lên giới hạn cho từng khoản chi tiêu chứ không “thả cửa” như trước. Với 10 triệu đồng/tháng dành cho chi phí sinh hoạt, cô chia làm 3 khoản cố định là chi phí sinh hoạt bắt buộc – tiền mua sắm cho sở thích cá nhân – tiền phát sinh (chỉ chiếm 10% trong chi tiêu cá nhân hàng tháng).
Tiếp theo, Nhật Linh thay đổi nhiều thói quen tài chính. Thứ nhất, cô đã ghi chép lại từng khoản chi tiêu hàng ngày. Nhờ đó, Nhật Linh biết mình có vô số khoản chi lãng phí như thường xuyên mua đồ ăn dư thừa, lỡ vung tiền sắm thêm quần áo nhưng không sử dụng đến trên sàn thương mại điện tử…
Ngoài ra, khi ra đường, cô ưu tiên cầm theo nhiều tiền mặt. Như thế, Nhật Linh sẽ hạn chế chuyển khoản và suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi bắt tay tiêu xài một món đồ nào đắt giá.
Ảnh minh hoạ
Cuối cùng là học cách hài lòng với mức sống thấp và giảm chi phí tiêu dùng hàng tháng. Với Nhật Linh, đây là yếu tố quan trọng nhất.
Cô nàng chia sẻ một số tips để thắt giảm chi tiêu: “Mình chuyển từ ở căn hộ giá thuê 7 triệu đồng/tháng, xuống ở ghép căn chung cư mini chỉ 4 triệu đồng đã bao gồm tất cả chi phí. Tiếp theo là trong chuyện mua sắm quần áo và mỹ phẩm, số tiền dành cho những khoản này của mình đã cắt giảm một nửa so với trước đây. Nếu như ngày trước, mình cần đến hơn 30 phút cho khâu makeup trước khi ra đường thì giờ mọi thứ tối giản hơn, chỉ vỏn vẹn trong 4 bước thiết yếu là bôi kem dưỡng – bôi kem chống nắng – kẻ lông mày và tô son.
Số tiền cần chi cho những buổi ăn uống vô nghĩa giờ cũng được cắt giảm gần hết, một phần vì mình không có nhiều bạn, một phần vì giờ mình chỉ chọn hiệu ăn bình dân, hiếm hoi lắm mới thấy mình bỏ đến hơn 500 ngàn đồng cho một buổi tiệc như trước. Tiêu xài cho các thiết bị công nghệ đắt tiền cũng không cần thiết nữa, vì giờ mình thấy bản thân không có nhu cầu flex qua các món đồ vật chất nữa”.
Nói về dự định tài chính tương lai, Nhật Linh cho biết: “Mình đã dùng khoản tích lũy sau nhiều năm tiết kiệm để tổ chức đám cưới và góp tiền mua nhà cùng chồng. Dù số tiền tích lũy không quá nhiều nhưng cũng đủ để mình tự tin hơn trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân”.