Cần lắm một cơ chế rõ ràng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp được phát triển bởi nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn ngân hàng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2015, có 42.769 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, giảm 11% so với năm trước. Năm 2016 được dự báo, kinh tế có sự cải thiện hơn nên dù không có đột phá, nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Trái phiếu doanh nghiệp phát triển có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường vốn và giúp giảm sức ép vốn đối với hệ thống ngân hàng.
Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp còn lẻ tẻ
Trong thời gian qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra lẻ tẻ. Vừa qua, bản thỏa thuận hợp tác phát hành trái phiếu mới đây của OCB và CTCP Đường Biên Hòa (BHS) đang thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy tổng vốn gọi đầu tư đợt phát hành trái phiếu lần này của BHS trị giá 500 tỉ đồng không phải là quá lớn, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử doanh nghiệp này thực hiện phát hành trái phiếu.
Những tháng đầu năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động hơn với nhiều thương vụ phát hành trái phiếu giá trị lớn như CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu được TPBank và VIBank mua với giá trị lần lượt 600 tỉ đồng và 400 tỉ đồng.
CTCK Rồng Việt dự kiến huy động 300 tỉ đồng trái phiếu thường; CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất dự kiến phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi… Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, số lượng trái phiếu DN phát hành vẫn khá khiêm tốn.
Trước đó, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ, sàn HOSE) đã phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo. Đợt phát hành của PNJ được thực hiện để thay thế cho kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 5:1) cho cổ đông hiện hữu. Mục đích huy động vốn của PNJ trong lần phát hành này là mở rộng mạng lưới kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu vốn giai đoạn cuối năm 2015, đầu 2016.
Công ty cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Visaco cũng đã phát hành riêng lẻ 30 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi với thời hạn 24 tháng. Lãi suất năm đầu 11%/năm, năm tiếp theo căn cứ vào lãi suất tham chiếu của các ngân hàng với phần bù 4%/năm.
“Đại gia” bất động sản Tập đoàn Hà Đô (mã HĐG, sàn HOSE) cũng là một doanh nghiệp biết tận dụng khá tốt kênh huy động vốn thông qua trái phiếu. Theo đó, cuối năm 2015, công ty này đã hoàn tất 2 đợt phát hành trái phiếu: Đợt 1 huy động 200 tỉ đồng, đợt 2 có quy mô lớn gấp đôi với tổng giá trị 400 tỉ đồng.
Tất cả trái phiếu do Hà Đô phát hành đều có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu, giá phát hành bằng mệnh giá. Lãi suất năm đầu 9,7% và các năm còn lại được xác định bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 12 tháng của bình quân 4 ngân hàng thương mại lớn trong nước cộng thêm 3,2%.
Theo đánh giá thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay vẫn sơ khai. Trái phiếu sau khi phát hành thường khó giao dịch mua đi bán lại, chưa có căn cứ khoa học và đồng nhất cho việc xác định lãi suất trái phiếu khi phát hành.
Tuy nhiên thị trường trái phiếu của Việt Nam còn giao dịch khá lẻ tẻ, cần lắm một “cú hích” để cho thị trường trái phiếu phát triển.
Cần lắm một “cú hích” để phát triển
Ngày 17.4.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều phải được xếp hạng tín nhiệm.
Một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp thường ngại phát hành trái phiếu vì lãi suất cao hơn. Nhưng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hành thì doanh nghiệp được hưởng lợi khá nhiều.
Doanh nghiệp sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình, từng đợt như khi đi vay vốn ngân hàng giúp họ chủ động hơn trong sử dụng vốn.
Với một số trường hợp, đặc biệt là khi lãi suất thấp, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất cố định để tận dụng nguồn vốn với chi phí thấp. Trong khi đối với hình thức đi vay ngân hàng thông thường, lãi suất cho vay trung, dài hạn thường là thả nổi và sẽ được rà soát, thay đổi định kỳ.
Tuy nhiên, không phải phương án kinh doanh nào cũng phù hợp với phát hành trái phiếu. Bởi các dự án của doanh nghiệp còn phù hợp vào thời gian và việc nhu cầu vốn cũng cần được xác định theo tiến độ dự án.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành ngân hàng, việc nhận biết mức độ an toàn của các loại trái phiếu doanh nghiệp hiện rất khó, do không có tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Các nhà đầu tư phải tự phân tích các công ty phát hành theo phương pháp riêng, tự xác định mức độ an toàn của trái phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư, dẫn đến giao dịch chậm trễ.
Khi cần vốn, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để có những khoản vốn vay lớn, với lãi suất thấp hơn lãi vay ngân hàng. Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn không ít rủi ro như rủi ro thanh khoản, rủi ro trái phiếu giảm giá trị, rủi ro doanh nghiệp không trả được nợ đúng hạn… Những rủi ro này nếu có một đơn vị độc lập đứng ra phân tích, công bố thì sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho các nhà quản lý, nhà đầu tư.
Trên thực tế, hành lang pháp lý cho sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã có từ năm 2014 (Nghị định số 88/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm), nhưng chưa có tín hiệu cho thấy tổ chức này sẽ sớm được thành lập. Một trong những nguyên nhân là cơ quan quản lý đang lúng túng trong việc xem xét và ban hành các chế tài để đảm bảo cho tổ chức xếp hạng tín nhiệm hoạt động hiệu quả.
Nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Liên quan đến cơ sở dữ liệu thông tin toàn thị trường, vừa qua, Bộ Tài chính đã chia sẻ dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp cho Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) để công khai trên website của hiệp hội. Theo phản hồi, những thông tin này khá chậm và chưa đầy đủ vì chỉ có thông tin phát hành sơ cấp, không có thông tin về thị trường thứ cấp. Hơn nữa, 1 tháng/lần, Bộ Tài chính mới gửi dữ liệu cho VBMA.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành ngân hàng, việc nhận biết mức độ an toàn của các loại trái phiếu doanh nghiệp hiện rất khó, do không có tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Các nhà đầu tư phải tự phân tích các công ty phát hành theo phương pháp riêng, tự xác định mức độ an toàn của trái phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư, dẫn đến giao dịch chậm trễ.