Nền văn minh Lưỡng Hà và Ba Tư thuộc vùng Trung Cận Đông, khoảng 4000 năm trước CN. Công trình kiến trúc tiêu biểu có thành Babilon, đền thờ Ishtar de Akkad, vườn treo Babilon… với kiến trúc đa dạng.
Nền văn minh Lưỡng Hà và Ba Tư có loại hình kiến trúc đa dạng: đền đài, cùng điện, thành quách, kênh mương, nhà ở và tiêu biểu là các công trình Ziggurat (đài chiêm tinh).
Thành Babilon và vườn treo Babilon:
Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất là thành Babilon. Sự phát triển của thành Babilon thời đại Tân Babilon (thế kỷ VI trước CN) gắn với sự phát triển của gạch lưu ly nổi tiếng. Tân Babilon hay Babilon thứ hai với các di chỉ còn lại và theo miêu tả của nhà sử học Hy Lạp Herodote là có nhiều giá trị. Thành có hai bức tường vây quanh với chu vi là 88km và 66km, bức thành nội có chu vi 16.5km, cao 25-30m, mặt thành rộng 7,5m, thành có 250 vọng lâu, 100 cửa bằng đồng và 9 cửa lớn.
Ở vị trí trung tâm của thành là cung điện dành cho vua và tăng lữ, bên cạnh đó có đền thờ thần Marduk. Đền thờ xây dựng trên một khu đất rộng, kích thước 550-450m. Cạnh đó là Ziggurat Babel. Ngoài ra, khu trung tâm còn có nhiều công trình kiến trúc quan trọng khác là đền thờ Ishtar de Akkad, vườn treo Babilon…
Vườn treo Babilon
Vườn treo Babilon được xem là một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại- được dựng lên vào năm sau, khi Nabucodonosor xây dựng Cung điện hoàng gia của mình.
Vườn treo là món quà của vua Nabucodonosor xây dựng cho Hoàng hậu vốn là công chúa người Mefder- là một xứ có núi non hùng vĩ. Công trình nằm giữa sông Euphrates và Cung điện nhà vua, có chiều cao bao quát hết cả một vùng thành phố và khu vực lân cận, là điểm quan sát của những đoàn người, ngựa và lạc đà đi trên vùng Lưỡng Hà rộng lớn.
Vườn treo luôn xanh tốt với nhiều loại cây lớn nhỏ khác nhau, do những bộ máy thủy lực và giếng nước, guồng nước bơm nước trên sông lên. Công trình cao 100m, gồm 4 tầng tháp, mỗi tầng cao 25m. Trên mỗi tầng là một vườn phẳng, trồng nhiều cây và hoa mang về từ khắp các nơi. Đáy của phần vườn cây được lát bằng các phiến đá kích thước 5- 1,2m đặt khít nhau và gối trên các hàng cột và tường dày chịu lực.
Nền đất làm bằng đá tảng, phủ gỗ, rồi nhựa sau đó lát gạch, cuối cùng là phủ một lớp chì. Nước không thấm được xuống tầng dưới, mà còn giữ được độ ẩm cho vườn cây, và giảm đáng kể độ võng của các tầng nhà. Riêng tầng 1, lại kết cấu theo kiểu vòm cung đứng vững trên các cột đá hoa cương không chỉ tạo ra vẻ hài hòa mà còn có tác dụng chịu lực đáng kể. Đặc sắc hơn, vườn treo có đầy đủ hoa thơm, cỏ lạ, cây cối từ khắp vùng Babylon và những nước nhà vua đi xâm chiếm được đưa về trồng tại vườn thượng uyển.
Vườn làm theo hướng gọi gió, hương thơm lan tỏa cả một vùng rộng lớn (bán kính hơn 10 km). Hoàng hậu trong những ngày oi ả, thường cùng nhà vua lên đây thưởng ngoạn hoa cỏ trong bóng cây râm mát và có thể nhìn bao quát cả thành phố. Hàng ngày, để tưới cho cây cối trong vườn, cả một hệ thống ống dẫn nước đã được xây dựng, guồng nước lên từ sông Ophrat lên tầng cao. Hàng trăm nô lệ vào gầu ra múc nước ở các bể tưới nước cho cây cối.
Vườn treo 4 mùa xanh tươi, hoa trái rất nhiều, phong phú màu sắc rất đẹp. Đó chính là công sức, trí tuệ của toàn thể Babylon. Một công trình văn hóa nổi tiếng của nhân loại đương thời. Phải chăng dân Babylon có một nền công nghiệp phát triển, đã đẩy mạnh sự trao đổi văn hóa, đã nắm được kỹ thuật trồng trọt canh nông? Và cũng chính người Babylon đã truyền một số cây công nghiệp sang Tây phương, trong đó quan trọng nhất là cây bông.
Vườn treo Babylon được xem là một kỳ quan của thế giới cổ đại. Alexandre đại đế, mấy trăm năm sau, vẫn lấy Babylon làm thủ phủ của đế quốc Hy Lạp. sau cuộc viễn chinh thất bại thảm hại ở Ấn Độ, ông lâm bệnh phải đóng quân ở Babylon. Người ta khiêng giường bệnh của ông lên vườn treo để hưởng không khí trong lành tươi mát. Nhung sức kiệt, bệnh sốt rét đã buộc ông phải rời cõi đời vào tuổi 32…
Thành Dur Sharukin và cung điện Sargon II
Thành Dur Sharukin (hay thành Khorsabad) và cung điện Sargon II được xây dựng ở thượng lưu Lưỡng Hà, dưới thời kỳ nhà nước Ashur.
Thành Dur Sharukin có hình dáng vuông, mỗi cạnh 2km, tường thành dày 50m, cao 20m. Ở những chỗ có cổng thành, chiều dày tường thành lên tới 85m. Thành có nhiều cửa và vọng lâu, trên thành có thể cũng chạy một lúc 4 cỗ chiến xa do ngựa kéo.
Cung điện Sargon II nằm trong một tòa vệ thành ở cạnh phía Tây Bắc của thành phố, được đặt trên bệ đất xây nhân tạo cao 18m để tránh ngập lụt. Do đó có các bậc thang dành cho người đi bộ và lối dành cho xe ngựa kéo dẫn lên cung điện.
Phối cảnh tổng thể Cung điện Sargon II
Cung điện chiếm diện tích 17ha với 210 phòng và 30 sân trong. Tường cung điện làm bằng gạch phơi dày, từ độ cao 1,3 m trở xuống được xây bằng đá.
Chính điện và hậu cung của nhà vua đặt ở phía Bắc, nơi đây có cửa lớn thông ra ngoài thành, tính chất phòng ngự rất mạnh.
Cửa chính cung điện được xây theo kiểu 4 khối trụ hình chữ nhật, mỗi bên cửa chính có hai khối vươn cao. Hai cửa tròn nhỏ hơn trổ hai bên hình thành một kiểu tam quan. Cửa giữa rộng 4,3m, trên tường ốp gạch lưu ly, từ độ cao 3m trở xuống được ốp đá và khắc phù điêu. Hai bên cửa chính và phần chuyển gốc của tháp môn có khắc hình tượng đầu người mình bò.
Phòng chiêu đãi lớn có kích thước 32-8m, trên tường ốp gạch lưu ly tráng men theo hai chủ đề là hình tượng trang trí và những lời chỉ dụ của nhà vua, ngoài ra còn dùng đá để ốp chân tường, làm tấm đan, đầu cột.
Phía Tây cung điện có Ziggurat, phản ánh sự nhất trí giữa thần quyền và vương quyền. Ziggurat có đáy hình vuông 43-43m, cao 4 tầng với chiều cao tổng cộng là 60m.
Cung điện Persepolis của Ba Tư
Cung điện là loại hình chủ yếu của kiến trúc Ba Tư. Dựa trên truyền thống xây dựng Iran và các kinh nghiệm tích lũy được sau khi chinh phục đất nước của các dân tộc khác nên người Ba Tư đã xây dựng được rất nhiều cung điện xa hoa, lộng lẫy.
Cung điện được khởi công xây dựng từ năm 518 tr CN, được đặt trên một nền cao 15m so với khu vực xung quanh với kích thước 450-300m.
Cung điện chia làm 4 khu vực chính:
Khu vực đại sảnh tiếp đón 100 cột của Darius I ( phía Đông Bắc)
Khu vực đại sảnh tiếp đón của Xerxes I (phía Tây Bắc)
Khu vực các phòng châu báu (phía Đông Nam)
Khu vực hậu cung (phía Tây Nam)
Mặt bằng cung điện Persepolis
Đại sảnh tiếp đón hay đại diện nghi lễ do Xerxes I hoàn tất xây dựng, là công trình đáng tự hào nhất của quần thể Persepolis. Công trình bao gồm một đại sảnh trung tâm (62,5m- 62,5m), mái được đỡ bởi 36 cột đá, mỗi cột cao 18,6m, xung quanh được phù trợ bởi ba không gian, mỗi khong gian có hai hàng cột thức. Các hàng cột thức cách từ tâm đến tâm 8,74m, tỷ lệ đường kình và chiều cao cột là 1: 12. Bốn cột ở đại diện có thể mở cửa hãm bên trên, lấy ánh sáng chiếu vào. Hàng cột thức phí Tây còn dùng để làm khan đài xem duyệt binh.
Cột đá của cung điện làm bằng đá cẩm thạch màu sẫm, tường làm bằng gạch nung, mặt tường ốp đá hoa cương đen, trắng hoặc ốp gạch lưu ly. Đầu cột là những tác phầm điêu khắc tinh xảo, được tạc hình ảnh hai con bò quỳ giáp lưng vào nhau. Chiều cao của các bộ phận đầu cột chiếm 2/5 tổng chiều cao cột.
Ở mỗi thời kỳ đều có đặc điểm kiến trúc riêng, đối với kiến trúc Lưỡng Hà và Ba Tư, ngoài những công trình đền đài, thành quách thì vườn treo Babilon luôn nổi bật về sự độc đáo, kỹ vĩ có một không hai.
Bee.net