Với bản lĩnh cùng sự táo bạo trên thương trường, doanh nhân Đào Hồng Tuyển đã chèo lái “con thuyền” Tuần Châu vượt qua sóng gió thăng trầm, trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh.
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, ngày 21/6 vừa qua, Agribank đã tổ chức đấu giá khoản nợ xấu hơn 12,3 tỷ đồng của CTCP Thời trang Lua La và Công ty TNHH nhà hàng Nhã Nam. Đây là khoản nợ liên quan đến ông Đỗ Ngọc Minh – con trai của cựu chủ tịch Agribank Đỗ Tất Ngọc và là con rể của “Chúa đảo” Tuần Châu Đào Hồng Tuyển.
Tài sản bán đấu giá là 1,5 triệu cổ phần phổ thông của CTCP T&H Hạ Long do bà Đào Thị Đoan Trang – vợ ông Đỗ Ngọc Minh đứng tên sở hữu được thế chấp tại Agribank. Giá trị tài sản xác định thời điểm cho vay gần nhất là 12 tỷ đồng.
Tuần Châu là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại Quảng Ninh theo hướng quy mô, hiện đại. Trước năm 2000, theo đánh giá của giới đầu tư, đây là hướng đi táo bạo, nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người đứng đầu Tập đoàn Tuần Châu – doanh nhân Đào Hồng Tuyển đã cho thấy định hướng đầu tư phát triển du lịch dịch vụ phân khúc cao cấp tại Quảng Ninh là đúng đắn.
Tập đoàn Tuần Châu bắt đầu đầu tư du lịch tại Quảng Ninh vào khoảng năm 1997 với hạt nhân lõi là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh. Đây cũng là chủ đầu tư dự án xây dựng con đường vượt biển dài hơn 2km nối quốc lộ 18 với đảo Tuần Châu.
Cập nhật tới ngày 22/10/2020, Âu Lạc Quảng Ninh có quy mô vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Trong đó, ông Đào Hồng Tuyển góp 2.400 tỷ đồng, sở hữu 96% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại do người con cả Đào Anh Tuấn (1976) – Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Âu Lạc Quảng Ninh – nắm giữ.
Ông Tuấn cũng đảm nhiệm các vai trò quản lý tương tự tại CTCP Tuần Châu Hà Nội và CTCP T&H Hạ Long. Trong đó, Tuần Châu Hà Nội được biết đến là chủ đầu tư dự án “Khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội” (tên thương mại Tuần Châu Ecopark) rộng 200ha tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tại ngày 9/7/2020, vốn điều lệ của công ty này đạt mức 1.200 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, hệ sinh thái của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển còn nhiều pháp nhân khác và các nhánh của nó vẫn tiếp tục được mở rộng. Trong đó, bà Đào Thuỵ Phương Thảo – cô con gái về làm dâu nhà ông Võ Quốc Thắng (“bầu” Thắng) vào năm ngoái là một trong những thành viên kiến tạo.
Trên cơ sở tập hợp của các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, liên kết với nhau cùng phát triển thông qua đầu tư, góp vốn, Tập đoàn Tuần Châu đã nhanh chóng phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực bao gồm: Bất động sản, đầu tư, ngân hàng, chứng khoán, sản xuất & xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí, du thuyền, bến cảng sân golf, hay ít biết hơn, là cả đất hiếm.
Bên cạnh đó, “Chúa đảo” Tuần Châu Đào Hồng Tuyển còn được biết đến với hàng loạt đề xuất xây dựng các siêu dự án.
Mới đây nhất, vào tháng 4/2021, ông Đào Hồng Tuyển gây chú ý khi đưa ý tưởng xây dựng thành phố hải sản, trong đó có thể lấn biển với diện tích 500 ha tại Cà Mau. Theo ông Tuyển, cần thiết có thể làm cả sân bay.
Hồi cuối năm 2018, Tập đoàn Tuần Châu từng đề xuất mở rộng quy hoạch chi tiết Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch trên 964 ha. Đồng thời đưa ra ý tưởng nghiên cứu quy hoạch Trung tâm nghề cá kết hợp làng chài du lịch tại phường Hà Phong (TP Hạ Long) và phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả).
Cái bắt tay kín tiếng với nữ đại gia Sài Thành
Đầu năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu gây chấn động giới đầu tư Sài Thành khi đề xuất dự án BT xây dựng Đại lộ ven sông Sài Gòn, được thanh toán bằng đất. Tổng diện tích đất Tuần Châu đề xuất thực hiện 2 dự án là gần 12.400ha, tương đương 5% diện tích TP.HCM, với vốn đầu tư lên tới 63.500 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD).
Kế hoạch tham vọng này chỉ mới dừng ở mức ý tưởng. Tuy nhiên, đề xuất ồn ào này cũng đã đánh dấu sự xuất hiện đậm nét của chúa đảo Tuần Châu ở trung tâm kinh tế của cả nước.
Trong nửa đầu năm 2017, Tuần Châu dồn dập thành lập một loạt doanh nghiệp tại TP.HCM với tổng vốn hơn 16.000 tỷ đồng, như Công ty TNHH Sài Gòn Marina City (vốn 900 tỷ đồng), Công ty TNHH Sài Gòn New City (3.000 tỷ đồng); CTCP Đầu tư và Phát triển Tuần Châu (5.500 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Tuần Châu Holdings; Công ty Đầu tư Kinh doanh và Quản lý chợ Kim Biên (1.200 tỷ đồng); CTCP Đầu tư Tuần Châu Global Capital (5.450 tỷ đồng)…
Phần nhiều trong số này được thành lập trên cơ sở hợp tác với các cá nhân, pháp nhân có nhiều liên hệ tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đơn cử, tại CTCP Đầu tư Tuần Châu Global, ông Đào Hồng Tuyển có 49%, các cá nhân nắm cổ phần còn lại là các ông Đặng Trịnh Thanh Phương, Châu San Phàm – những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của nữ đại gia Sài Thành Trương Mỹ Lan.
Ở chiều ngược lại, Vạn Thịnh Phát cũng tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư ra phía Bắc, mà cụ thể là địa bàn Quảng Ninh của đối tác Tuần Châu.
Đầu năm 2018, CTCP Đầu tư và phát triển Sunny World – thành viên của Vạn Thịnh Phát đã cùng hai đối tác là Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG) và CTCP Đầu tư xây dựng Hải Đăng đề xuất 3 dự án tại Quảng Ninh, là đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái – Vân Đồn; dự án khu đô thị công nghiệp, cảng nước sâu Hòn Nét – Con Ong; dự án khu đô thị phức hợp phía bắc đảo Cái Bầu tại Khu kinh tế Vân Đồn, với tổng vốn đầu tư từ 10-15 tỷ USD.
Cùng với đó, Bến Thành Holdings – pháp nhân được cho có nhiều liên hệ với Vạn Thịnh Phát cũng đang đề xuất 2 dự án có tổng vốn lên tới 65.300 tỷ đồng tại Quảng Ninh, là khu phức hợp đảo Cái Chiên (2.250ha) và Khu công nghiệp logistics, cảng biển Hải Hà (4.988ha).
Ở một trường hợp rõ nét hơn, ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh) – CEO của Sunny World đầu năm 2020 đã thay ông Đào Hồng Tuyển làm Chủ tịch HĐQT CTCP T&H Hạ Long, trong khi con trai ông Tuyển, ông Đào Anh Tuấn vẫn đảm trách vai trò Tổng giám đốc.
T&H Hạ Long là chủ đầu tư dự án Tuần Châu tại Đảo Tuần Châu, và là một thành viên quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp của ông Đào Hồng Tuyển. Năm 2019, T&H Hạ Long đạt doanh thu 423,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 51,2 tỷ đồng, tổng tài sản tới cuối năm là 2.740 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 545,7 tỷ đồng.