Đối với trẻ nhỏ việc quấy khóc là điều khó tránh, vì thế nhiều phụ huynh thường bế rung lắc trẻ để dỗ dành. Tuy nhiên hành động này vô tình gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khỏe.
Vì để dỗ dành con mà nhiều bậc cha mẹ thường có động tác rung lắc, bế con nâng lên hạ xuống hay tung hứng vui đùa, thậm chí đặt mạnh con xuống giường khi mất bình tĩnh vì dỗ trẻ mãi không được và hầu như ai cũng cho rằng những hành động đó không ảnh hưởng gì tới con trẻ.
Tuy nhiên, những hành động tưởng chừng vô hại đó lại có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới sự phát triển của con trẻ.
Nhiều trường hợp đã xảy ra
Vì những hành động tưởng chừng vô hại này mà nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra, chẳng hạn như câu chuyện về cậu con trai của cặp đôi chị Peggy Whalen và anh George Lithco ở Poughkeepsie, quận Dutchess, New York. Anh chị đã mất đứa con bé bỏng Skipper chỉ mới 11 tháng tuổi.
Do không có nhiều thời gian chăm sóc nên anh chị đã gửi bé tới nhà trẻ. Tuy nhiên, vào một hôm khi chị Peggy tới trường đón con nhưng lại nhận được tin dữ con chị đã phải nhập viện.
Sau khi chụp CT (chụp cắt lớp vi tính), các bác sĩ tại Trung tâm y tế Westchester xác nhận rằng não của bé bị sưng phồng lên, chảy máu và nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do Skipper bị rung lắc dữ dội khiến bộ não vẫn còn non nớt va đập vào hộp sọ. Và sau khi nhập viện vài tuần con chị đã ra đi mãi mãi.
Sau khi loại trừ các nguyên nhân thì cô bảo mẫu của Skipper, bà Lynn Matthews đã thừa nhận hành vi của mình. Matthews cho biết một lần khi bé Skipper quấy khóc mãi không chịu nín, cô đã bế Skipper lên và rung lắc dữ dội để dỗ dành.
Hay câu chuyện thương tâm khác của người mẹ đơn thân Andrea Mitchell ở Mansfield, Ohio, Mỹ với 4 đứa con Jake, Isaac và cặp sinh đôi Alex – Aiden (4 tháng tuổi – nay là 2 tuổi). Mitchell đã thuê bảo mẫu để chăm sóc các con của cô khi cô đi làm.
Tuy nhiên chỉ mới 1 tiếng rưỡi từ khi chị rời khỏi nhà, bé Alex đã phải nhập viện và đang bị co giật, “vật lộn” để giành lấy hơi thở. Alex bị xuất huyết não và xuất huyết ở cả hai mắt. Cậu bé rơi vào trạng thái hôn mê và phải nhờ sự trợ giúp của máy thở.
Theo các bác sĩ, nguyên do duy nhất gây ra chấn thương là cậu bé đã bị rung lắc dữ dội. Được biết cô bảo mẫu đã phải nhờ chồng của mình tới trông 4 đứa con của Mitchell để đưa con chị tới trường. Trong khoảng thời gian đó anh ta đã vụng về bế Alex và rung lắc để dỗ cậu bé nín khóc.
Tuy nhiên hành động này vô tình đã khiến Alex bị mù một phần (thị lực kém), bại não, động kinh và gặp khó khăn khi nuốt. Từ một cậu bé khỏe mạnh mà Alex đã phải sống với những tình trạng trên suốt đời.
Bi kịch 5 giây
Hội chứng rung lắc ở trẻ (SBS) xảy ra khi một đứa trẻ bị rung lắc dữ dội, khiến não trẻ bị va đập vào hộp sọ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Không ai biết chính xác có bao nhiêu đứa trẻ đã tử vong hoặc bị thương do rung lắc gây ra nhưng các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 1.400 trẻ em ở Mỹ đã tử vong do hội chứng SBS mỗi năm.
Trẻ dưới một tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương do rung lắc nhất bởi trong giai doạn này đầu trẻ chiếm khoảng ¼ trọng lượng cơ thể (ở người lớn là 1/10), cổ yếu, bộ não chưa phát triển toàn diện. Khi bị rung lắc mạnh, khối não sẽ di chuyển trong hộp hoặc va đập vào thành hộp sọ.
Lực tác động có thể làm tổn thương võng mạc mắt, đứt tĩnh mạch não gây xuất huyết não. Hơn nữa, điều này còn gây ảnh hưởng tới các tế bào nào, cản trở quá trình cung cấp oxy lên não bộ từ đó khiến trẻ rơi vào tình trạng hôn mê, thậm chí là tử vong.
Điều đáng nói là chỉ cần rung lắc trẻ trung bình từ 5 – 15 giây đã khiến bộ não yếu ớt bị tổn thương.
“Đó là khoảng thời gian cho 20 – 30 dao động của đầu. Rung lắc trẻ có thể gây tổn thương não bộ. Nếu nhẹ có thể khiến trẻ chậm phát triển, không tiếp thu được bài vở trong quá trình học tập; nếu nặng có thể gây mù lòa, tê liệt. Theo ước tính có khoảng 20% trẻ em tử vong rung lắc dữ dội”, tiến sĩ Robert Reece đến từ Hiệp hội chống bạo lực trẻ em ở Boston, Mỹ nói.
Để làm nổi bật các rủi ro do hội chứng SBS gây ra, các chuyên gia từ một công ty bảo hiểm đã dùng một con búp bê để mô phỏng chính xác những gì xảy ra với não bộ khi trẻ bị rung lắc với mục đích nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh khi chăm con. Khi lắc con búp bê, vùng đèn đỏ sáng lên chính là những vùng não bé bị tổn thương.
Những dấu khi trẻ bị rung lắc dữ dội
– Khó chịu
– Lờ đờ, ngủ gà ngủ gật
– Kém ăn
– Co giật
– Da nhợt nhạt, xanh xao
– Khó thở
– Run rẩy
– Nôn chớ
– Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị liệt hoặc hôn mê.
Nếu con gặp những biểu hiện này, các bậc phụ huynh nên đưa con đi khám ngay để tránh điều đáng tiếc xảy ra.
Vậy làm sao để dỗ trẻ khi khóc?
Trẻ thường khóc khi tã áo bị bẩn, mệt, muốn được quan tâm, cảm thấy nóng hoặc lạnh. Lúc này đòi hỏi cha mẹ cần phải bình tĩnh để dỗ con và có thể áp dụng một số cách sau đây:
– Chơi với bé: Đặt bé lên giường hoặc trong cũi rồi chơi với bé.
– Đi loanh quanh: Bạn có thể bế bé đi loanh quanh trong nhà để dỗ bé.
– Kiểm tra xem tã bé có khô hay không, bé có đói hay sốt không,…để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
*Theo Thesun, Parents, Parenting