Công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam-mới hay cũ

Phát triển các công cụ tài chính mới được xem là một trong năm bài học rút ra từ sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Mỹ suốt 5 năm qua (2000-2005). Theo kiến nghị của các chuyên gia, các công cụ tài chính mới đặc biệt là công cụ tài chính phái sinh không chỉ cho phép các ngân hàng phòng ngừa rủi ro mà còn là một trong những dịch vụ có tỉ lệ sinh lời cao nhất. Vậy tại sao những công cụ này lại chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam?

TIN MỚI

1. Một số nhận xét về Công cụ tài chính phái sinh

Công cụ tài chính phái sinh được hiểu là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ tài chính đã có nhằm nhiều mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo ra lợi nhuận. Giá trị của công cụ phái sinh bắt nguồn từ một số công cụ cơ sở khác như tỉ giá,
586084.jpgtrị giá cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số chứng khoán, lãi suất….Công cụ tài chính phái sinh xuất hiện lần đầu tiên nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn rủi ro, trong đó thường được sử dụng cao nhất là hợp đồng kỳ hạn (forward contracts), hợp đồng tương lai (future contracts). Những công cụ trên còn có thể kết hợp với nhau, với những khoản vay hoặc những chứng khoán truyền thống để tạo nên các công cụ lai tạo.

Mặc dù, xuất hiện lần đầu tiên với tư cách là 1 công cụ phòng chống rủi ro nhưng cùng với sự lớn mạnh và phức tạp của thị trường tài chính, các công cụ tài chính phái sinh cũng được sử dụng nhiều hơn để tìm kiến lợi nhuận và thực hiện các hoạt động đầu cơ. Chính vì những biến thái như nên không phải lúc nào sử dụng công cụ tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro cũng có hiệu quả. Các công cụ phái sinh ngày càng tinh vi và mang theo 1 số rủi ro gây gián đoạn lớn hơn độ rủi ro thông thường. Sự sụp đổ của thị trường tài chính cổ phiếu Mỹ năm 1987 chính được đẩy nhanh nhờ sử dụng rộng rãi kỹ thuật tự bảo hiểm Delta, được mua bán các hợp đồng bảo hiểm danh mục đầu tư. Những người bảo hiểm này đã đầu tư,  mạnh hơn vào thị trường mà nếu như không có kỹ thuật này thì có thể họ đã không làm như vậy. Khi sự sụt giảm của thị trường kích hoạt bảo hiểm, khối lượng bán đột ngột gây ra một gián đoạn và thị trường sụp đổ. Hay như Great Britain’s  Bearing, một trong những ngân hàng lâu đời nhất thế giới đã phá sản năm 1995 khi đầu cơ các hợp đồng tương lai trong một thương vụ ở Singapore. Tuy vậy, các công cụ tài chính phái sinh vẫn phát triển mạnh mẽ và được sử dụng rộng rãi tại các thị trường tài chính lớn của thế giới. Nguyên nhân không nằm ngoài việc đó là phương thức duy nhất để các chủ thể trên thị trường phòng chống rủi ro. Theo điều tra đối với 500 công ty lớn nhất thế giới  tai 26 quốc gia khác nhau thì có tới 92 % các công ty trả lời rằng họ thường xuyên sử dụng công cụ tài chính phái sinh để phòng ngừa và quản lí rủi ro.

2. Thị trường công cụ tài chính phái sinh?

Trong các thị trường tài sản, việc mua bán hòi hỏi hàng hoá hoặc chứng khoán phải được giao nhận hoặc là ngay lập tức hoặc là chỉ ít lâu sau đó. Việc thanh toán cũng thường được thực hiện tức thời mặc dù thỉnh thoảng cũng có trường hợp sử dụng 1 số thoả thuận tín dụng. Do đặc điểm như vậy nên chúng ta thường gọi là thị trường tiền mặt hoặc là thị trường giao ngay (spot market). Doanh số được thực hiện, khoản thanh toán được hoàn trả và hàng hoá, chứng khoán được giao nhận. Trong tình huống khác, hàng hoá hay chứng khoán vẫn được giao nhận vào một ngày sau đó, nhưng có các thoả thuận giúp cho ngưòi bán hoặc người mua được chọn là có thực hiện bán hay không các loại thoả thuận này, và nghiệp vụ này được thực hiện trong thị trường phái sinh.

Thị trường phái sinh là thị trường dành cho các công cụ tài chính phái sinh, những công cụ  mang tính hợp đồng, mà thành quả của chúng được xác định trên 1 hoặc 1 số công cụ tài sản khác. Chúng ta xem các công cụ phái sinh như là các hợp đồng, và giống như tất cả hợp đồng, chúng được thoả thuận giữa hai bên, người mua và người bán, trong đó mỗi bên sẽ thực hiện nghĩa vụ gì đó cho bên kia. Các hợp đồng này có giá cả và người mua sẽ cố gắng mua với giả rẻ và người bán cố gắng bán với giá cao nhất. Các loại công cụ phái sinh khác nhau bao gồm: Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng giao sau, quyền chọn, hoán đổi và chứng khoán lai tạp.

Hợp đồng kỳ hạn là công cụ lâu đời nhất, và có lẽ vì lí do đó mà nó ít phức tạp nhất. Hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng giữa 2 bên. Người mua và người bán, để mua hoặc bán tài sản vào một
copgov3.jpg ngày trong tương lai với giá đã thoả thuận ngày hôm nay. Nếu vào ngày đáo hạn, giá thực tế cao hơn giá thực tế thì người sở hữu hợp đồng sẽ kiếm được lợi nhuận; nếu ngược lại thì người sở hữu hợp đồng sẽ chịu một khoản lỗ. Bản thân hợp đồng kỳ hạn mang trong mình 3 loại rủi ro. Thứ 1: nếu giá thực tế vào ngày đáo hạn hợp đồng cao hơn giá mong đợi, rủi ro vốn có của công ty sẽ làm giảm giá trị công ty nhưng sự sụt giảm này sẽ được đền bù bằng lợi nhuận của hợp đồng kỳ hạn. Vì vậy, hợp đồng kỳ hạn cung cấp một cách phòng ngừa rủi ro hoàn hảo.
Thứ 2, rủi ro tín dụng hay rủi ro không có khả năng chi trả của hợp đồng. Rủi ro này có hai chiều, người sở hữu hợp đồng hoặc là người nhận được  hoặc là người chi trả, phụ thuộc vào biến động giá cả thực tế của tài sản cơ sở.
Thứ 3, giá trị của hợp đồng kỳ hạn chỉ được giao nhận vào ngày nào đáo hạn của hợp đồng, không có khoản chi trả nào được thực hiện vào ngày ký kết hoặc trong thời hạn của hợp đồng. Vậy nên, bản thân những hợp đồng kỳ hạn có chứa nhiều rủi ro nhất trong các công cụ phái sinh.

Hợp đồng giao sau cũng là một hợp đồng giữa hai bên, người mua và người bán, để mua bán tài sản vào một ngày trong tương lai với giá đã thoả thuận ngày hôm nay. Hợp đồng giao sau tiến triển từ hợp đồng kỳ hạn nên có những điểm giống với hợp đồng kỳ hạn. Về bản chất, chúng giống tính thanh khoản của hợp đồng kỳ hạn. Tuy vậy, khác với hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng giao sau được giao dịch trên thị trường có tổ chức, được gọi là sàn giao dịch giao sau. Người mua hợp đồng giao sau là người có nghĩa vụ mua hàng vào một ngày trong tương lai, có thể mua lại hợp đồng giao sau trên thị trường giao sau. Điều này làm cho họ thoát khỏi nghĩa vụ mua hàng. Và tương tự đối với người bán hợp đồng giao sau, là người có nghĩa vụ bán hàng vào một ngày trong tương lai, có thể mua lại hợp đồng trên thị trường giao sau, và điều này cũng làm cho họ thoát khỏi nghĩa vụ bán hàng. Đặc trưng này giúp những người tham gia mua bán công cụ tài chính phái sinh tránh được những thiệt hại kinh tế đáng kể nếu trong thời hạn hợp đồng giá cả của tài sản cơ sở có sự biến động không có lợi cho mỗi bên.

Giống như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng giao sau cũng có rủi ro hai chiều, rủi ro tín dụng, tức người sở hữu hợp đồng hoặc là người được nhận hoặc là người phải chi trả. Nhưng khác biệt rõ nhất với thị trường kỳ hạn là thị trường giao sau sử dụng 2 công cụ để loại bỏ rủi ro này.
Thứ nhất, thay vì giao nhận giá trị hợp đồng vào 1 ngày thông qua mua bán đơn thuần vào ngày đáo hạn, thay đổi trong giá trị hợp đồng giao sau được thực hiện thanh toán vào cuối ngày giao dịch. Điều này có nghĩa hợp đồng giao sau có tính chất thanh toán tiền mặt hay điều chỉnh theo ngày, tức thời hạn giao sau được rút ngắn lại. Nhờ thế mà rủi ro trong thanh toán được giảm đi.
hedge2.jpgThứ 2, hợp đồng giao sau yêu cầu tất cả các thành viên tham gia thị trường, người bán và người mua đều như nhau, phải thực hiện một khoản ký gửi gọi là ký quỹ. Nếu hợp đồng giao sau của bạn tăng giá trị  trong ngày giao dịch, mức tăng này sẽ được công vào tài khoản ký quỹ của bạn vào cuối ngày. Ngược lại, nếu hợp đồng của bạn giảm giá trị, thua lỗ sẽ được trừ ra.Và nếu số dư tài khoản ký quỹ của bạn giảm xuống mức tối thiểu đã thoả thuận trước đó, bạn sẽ bị yêu cầu nộp một khoản ký gửi bổ sung, tài khoản ký quỹ của bạn phải được bổ sung như cũ hoặc là vị thế của bạn sẽ bị đóng.

Hợp đồng giao sau rất giống với một danh mục các hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên, hợp đồng giao sau và một danh mục các hợp đồng kỳ hạn chỉ giống nhau khi lãi suất là có thể xác định trước, tức là biết được một cách chắc chắn. Vào lúc đóng cửa mỗi ngày, các hợp đồng giao sau mang tính kỳ hạn đang tồn tại sẽ được thanh toán cũng như 1 hợp đồng mới được ký kết. Tính chất thanh toán hàng ngày kết hợp với yêu cầu ký quỹ cho phép hợp đồng giao sau giảm thiểu đáng kể rủi ro tín dụng vốn có của hợp đồng kỳ hạn .

Quyền chọn: Là hợp đồng giữa hai bên, người mua và người bán, trong đó cho người mua quyền nhưng không phải nghĩa vụ, để mua hoặc bán một tài sản nào đó vào ngày trong tương lai với giá đã đồng ý vào ngày hôm nay. Người mua quyền chọn trả cho người bán một số tiền gọi là phí quyền chọn. Người bán quyền chọn sẵn sàng bán hoặc tiếp tục nắm giữ tài sản theo điều khoản của hợp đồng nếu người mua muốn thế. Một quyền chọn để mua tài sản gọi là quyền chọn mua (call), một quỳên chọn bán một tài sản gọi là quyền chọn bán (put). Mặc dù các quyền chọn được giao dịch trong một thị trường có tổ chức nhưng phần lớn các giao dịch quyền chọn được quản lý riêng rẽ giữa hai bên. Những người này tự tìm đến với nhau, loại thị trường này gọi là thị trường OTC, đây chính là loại thị trường quyền chọn xuất hiện đầu tiên. Hầu hết các quyền chọn chúng ta quan tâm là mua bán các loại tài sản tài chính chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu… Mặc dù vậy, chúng ta cũng thấy xuất hiện loại thoả thuận tài chính khác như hạn mức tín dụng, đảm bảo khoản vay, và bảo hiểm cũng là một hình thức khác của quyền chọn. Ngoài ra, bản thân cổ phiếu cũng là quyền chọn trên tài sản công ty. Quyền chọn cũng có những nét giống với một hợp đồng kỳ hạn nhưng quyền chọn không bắt buộc phải thực hiện giao dịch còn người sở hữu hợp đồng kỳ hạn bắt buộc phải thực hiện giao dịch. Hai bên trong hợp đồng kỳ hạn có nghĩa vụ phải mua và bán hàng hoá, nhưng người nắm giữ quyền chọn có thể quyết định mua hoặc bán tài sản với giá cố định nếu giá tri của nó thay đổi.

Hoán đổi là một hợp đồng trong đó hai bên đồng ý hoán đổi dòng tiền, một giao dịch mà cả hai bên đồng ý thanh toán cho bên còn lại một chuỗi các dòng tiền trong một khoảng thời gian xác định. Ví dụ, một bên đối tác đang nhận được  một dòng tiền từ một khoản đầu tư, nhưng lại thích một loại đầu tư khác với dòng tiền mà mình đang thị hưởng. Bên đối tác này sẽ liên lạc với một dealer hoán đổi, thường là một công ty hoạt động trên OTC, và họ sẽ thực hiện vị thế đối nghịch trong giao dịch. Tuỳ thuộc vào lãi suất hay giá sau đó thay đổi như thế nào mà 1 bên sẽ thu được lợi nhuận hay là bị lỗ. Lãi của bên này chính là lỗ của bên kia. Có 4 loại hoán đôỉ là hoán đổi tiền tệ, hoán đổi lãi suất, hoán đổi chứng khoán và hoán đổi hàng hoá. Và cũng giống như hợp đồng kỳ hạn, các hoán đổi cũng gánh chịu những rủi ro nếu một bên bị vỡ nợ. Hoán đổi được xem như là kết hợp giữa các hợp đồng kỳ hạn. Nó là cải tiến tài chính mới nhất nhưng về thực chất không phức tạp hơn một danh mục các hợp đồng kỳ hạn và rủi ro tín dụng hiện diện trong hoán đổi cũng có phần thấp hơn so với rủi ro tín dụng của hợp đồng kỳ hạn có cùng kỳ hạn.

3.Vai trò của các công cụ tài chính phái sinh

 Quản trị rủi ro

Thị trường sản phẩm phái sinh cho phép những người muốn làm giảm rủi ro của mình chuyển
559086.jpg giao rủi ro cho những người sẵn sàng chấp nhận nó, đó là những nhà đầu cơ. Vì vậy, thị trường này rất có hiệu quả trong việc phân phối lại rủi ro giữa các nhà đầu tư, không có ai cần phải chấp nhận một mức rủi ro không phù hợp với bản thân mình. Và cũng vì thế mà họ sẵn sàng cung cấp nhiều vốn hơn cho thị trường tài chính, điều này tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, phát huy khả năng huy động vốn và giảm chi phí sử dụng vốn. Bên cạnh đó, thị trường các sản phẩm phái sinh cũng là một công cụ hiệu quả cho hoạt động đầu cơ. Bởi ngưòi muốn phòng ngừa rủi ro phải tìm được một người khác có nhu cầu đối lập hoàn toàn với mình, tức là rủi ro của người muốn phòng ngừa rủi ro phải được hấp thụ bởi các nhà đầu cơ. Tại sao các giao dịch này lại có thể được thực hiện, khi mà thực tế rõ ràng là khi một bên có lợi thì tất yếu bên còn lại sẽ không thể tránh khỏi những thiệt hại? Bởi mỗi nhà đầu tư có một “khẩu vị rủi ro” khác nhau, khả năng chấp nhận rủi ro cũng khác nhau. Tuy nhiên, ai cũng có mong muốn là giữ cho các khoản đầu tư của mình ở một mức rủi ro có thể chấp nhận được. Và thế là họ gặp nhau và tiến hành việc chuyển giao một phần rủi ro của mình cho đối tác.

Và cũng không giống như người ta thường nghĩ, thị trường phái sinh không dẫn vốn trong nền kinh tế vào những âm mưu đầu cơ khủng khiếp. Những nhà đầu cơ không phải là những tay cờ bạc. Chỉ đơn giản là thay vì giao dịch cổ phiếu, họ giao dịch các sản phẩm phái sinh và chính việc đầu tư vào công cụ tài chính phái sinh lại tạo điều kiện cho việc phòng ngừa các rủi ro ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn. Bởi cần khẳng định chắc chắn rằng, thị trường phái sinh không hề tạo ra mà cũng chẳng thể phá huỷ được tài sản, chúng chỉ là những phương tiện chuyển giao rủi ro trên thị trường, những rủi ro sẵn có cuả thị trường tài sản, chuyển những khoản rủi ro đó từ những không đủ khả năng chấp nhận nó sang những người sẵn sàng tiếp nhận nó, chính là những nhà đầu cơ. Không có thêm bất kỳ một rủi ro nào được sinh ra trên thị trường này. Và lợi ích từ thị trường không chỉ bó hẹp trong lợi ích của những nhà đầu cơ mà nó lan toả ra toàn xã hội.

Thông tin hiệu quả hình thành giá

Các thị trường kỳ hạn và tương lai là nguồn thông tin quan trọng đối với giá cả. Đặc biệt, thị trường tương lai được xem là một công cụ chủ yếu để xác định giá giao ngay của tài sản. Điều này không hề bất bình thường, bởi có rất nhiều hàng hoá được giao dịch trên thị trường tương lai nhưng thị trường giao ngay của nó rất rộng lớn và phân tán nên rất khó có thể xác định được
1277496.jpggiá giao ngay của chúng. Ở đây, thường giá tương lai của những giao dịch sớm nhất sẽ được xác định là giá giao ngay. Thêm nữa, thị trường giao sau, trên thế giới thường nhộn nhịp hơn nên các thông tin do nó cung cấp có tính tin cậy cao hơn. Những thông tin được cung cấp trên thị trường phái sinh dù trực tiếp hay gián tiếp đều góp phần hình thành giá  giao ngay trong tương lai một cách có hiệu quả mà những người tham gia thị trường có thể chốt lại trong giới hạn chấp nhận của mình.

Các lợi thế về hoạt động và tính hiệu quả.

Thứ nhất, chi phí giao dịch thấp hơn. Điều này làm cho việc chuyển hướng từ các giao dịch giao ngay sang phái sinh ngày càng dễ dàng và hấp dẫn hơn.

Thứ 2, tính thanh khoản cao hơn hẳn so với thị trường giao ngay. Trước hết đó là yêu cầu một mức vốn để tham gia thị trường là tương đối thấp. Thêm nữa, tỷ suất sinh lời và rủi ro có thể được điều chỉnh ở bất cứ mức độ nào như mong muốn.

Thứ 3, Các giao dịch bán khống được thực hiện dễ dàng hơn. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm được những khoản lợi nhuận đáng kể từ chênh lệch giá, chênh lệch lãi suất. Tất cả các chủ thể tham gia thị trường đều có thể tìm thấy lợi nhuận.

Thị trường phái sinh giúp các tín hiệu thị trường khó bị bóp méo. Vì thế, các nhà đầu cơ với ý định thao túng thị trường cũng có những khó khăn nhất định. Chính vì thế, đặt bên cạnh thị trường giao ngay, sự hiệu quả của thị trường phái sinh giúp nâng cao tính lành mạnh cho thị trường đó.

Như vậy công cụ tài chính phái sinh là sản phẩm của nền kinh tế hiện đại. Kỹ thuật tài chính này đòi hỏi một trình độ hiểu hiết và phát triển nhất đinh của bất kỳ nền kinh tế nào. Việt Nam đã gia nhập WTO, hòa chung vào hơi thở chung của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ và điều kiện áp dụng ở Việt Nam còn có những hạn chế nhất định. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần có một hệ thống giải pháp tích cực để triển khai thành công kỹ thuật này trên thị trường tài chính.

4. Mức độ áp dụng các công cụ phái sinh ở Việt Nam

Giao dịch tài chính tiền tệ là lĩnh vực chưa có sự xuất hiện của các nhà bảo hiểm bởi tính biến động khôn lường của nó. Các chủ thể tham gia không còn cách nào khác ngoài việc tự bảo hiểm cho mình bằng việc chuyển hẳn hoặc san sẻ 1 phần rủi ro cho thị trường bằng các Công cụ tài chính phái sinh. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, mức độ áp dụng các Công cụ phái sinh ở Việt Nam còn rất hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, xuất phát điểm nền kinh tế lạc hậu chưa cho phép chúng áp dụng các kỹ thuật tài chính hiện đại. Nói cách khác, thói quen và tập quán kinh doanh là những cản trở lớn đối với quá trình phổ biến các Công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam.

Giao dịch kỳ hạn xuất hiện với tư cách là công cụ tài chính phái sinh đầu tiên ở Việt Nam theo quyết định số 65/1999/QĐ-NHNN7 ngày 25/2/1999. Các giao dịch kỳ hạn được thực hiện trong hợp đồng mua bán USD và VND giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc với các ngân hàng thương mại khác được phép của ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, Hợp đồng kỳ hạn ít được sử dụng, một phần là do thị trường liên ngân hàng ở VN chưa phát triển, một phần do những hạn chế vốn có của nó trong việc phòng chống rủi ro tỉ giá và những hạn chế của NHNN. Vì thế, các giao dịch kỳ hạn chỉ chiếm khoảng 5-7% khối lượng giao dịch của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.

Giao dịch hoán đổi cũng xuất hiện khá sớm theo quyết định số 430/QĐ-NHNN13 ngày
1207243.jpg 24/12/1997 và sau này là quyết định số 893/2001/QĐ-NHNN ngày 17/7/2001 của thống đốc NHNN. Tuy nhiên đây chỉ là những giao dịch hoán đổi thuận chiều giữa NHNN và NHTM. Nó chỉ được sử dụng trong trường hợp các NHTM dư thừa ngoại tệ và khan hiếm VND.

Các công cụ phái sinh lãi suất và tỷ giá ngoại tệ tiếp tục xuất hiện ở VN và được các ngân hàng sử dụng do nhu cầu nội tại của các NHTM nhằm theo kịp chuẩn mực hoạt động ngân hàng quốc tế. NHNN đã cho phép các NHTM thực hiện một số nghiệp vụ phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá. Theo quyết định số 1133/QĐ- NHNN ngày 30/09/2003 về quy chế thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất cho phép mở rộng danh mục các NHTM và các TCTD, các DN được sử dụng công cụ hoán đổi lãi suất. Hoán đổi lãi suất được thực hiện đối với cả VND và ngoại tệ giữa các ngân hàng với DN vay vốn tại NH; giữa NH với những DN vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác, kể cả vay vốn nước ngoài; giữa các NH trong nước với nhau và giữa các ngân hàng thương mại trong nước với các TCTD nước ngoài. Trên cơ sở nới lỏng quản lý của NHNN, nhiều NHTM đã triển khai cung cấp Hợp đồng hoán đổi lãi suất cho các doanh nghiệp (DN), tìm kiếm đối tác là các TCTD  nước ngoài để ký kết hợp tác. Tuy nhiên, giao dịch phái sinh trong đó có hoán đổi lãi suất được coi là hoạt động ngoại bảng của NH do đó hướng dẫn hạch toán từ phía NHNN đối với các nghiệp vụ này đang được xem là điều kiện đủ để các NHTM đẩy mạnh cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.

Từ khi NHNN cho phép thực hiện nghiệp vụ hoán đổi lãi suất trên thị trường Việt Nam (từ  1/2003), đã có một só ngân hàng như ABN, Citibank thực hiện hoán đổi lãi suất trong phạm vi đồng USD từ ngày 1/3/2005 tới 2/2006. Tuy nhiên, giao dịch hoán đổi lãi suất giữa 2 đồng tiền USD và VND (hoán đổi lãi suất chéo) đã được thực hiện, từ trước khi có quy định chính thức của ngân hàng nhà nước. Cho tới lần đầu tiên, khi được NHNN cho phép, HSBC đã cung cấp gói Swaps tiền Đồng cho một công ty đa quốc gia với số vốn lên tới 15 triệu USD trên tại trường Việt Nam. Theo đó,  HSBC sẽ đưa VND và nhận USD từ khách hàng, tới tháng 12/2007, HSBC sẽ đưa USD và nhận lại VND từ khách hàng. Với giao dịch này, khách đã đạt được mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường nội địa cho việc vay vốn tiền Đồng kỳ hạn 3 năm mà không chịu bất cứ một rủi ro nào về tỷ giá USD/VND.

Chính hành động của HSBC, tạo ra nền tảng phát triển cho các giao dịch hoán đổi sau này. Ngân hàng Standard Chartered chi nhánh tại Việt Nam thực hiện hoán đổi lãi suất chéo giữa hai đồng tiền chéo đối với các khoản vay ngoại tệ của khách hàng sử khi khách hàng vay ngoại tệ. Và trong tương lai, Standard Chartered sẽ còn cung cấp nhiều sản phẩm phái sinh nữa trên thị trường Việt Nam, hứa hẹn tương lai phát triển thị trường.

Ở một mức cao hơn, các công cụ lai tạp có nguồn gốc từ hoán đổi như hoán đổi lãi suất cộng
HSBC.jpgdồn, hoán đổi lãi suất kèm theo điều kiện quyền chọn, hoán đổi lãi suất bắt đầu thực hiện trong tương lai …cũng đã xuất hiện và triển khai trên thị trường ngoại hối trong thời gian gần đây. Điều đặc biệt là các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đã được thí điểm áp dụng tại Việt Nam theo công văn 3324/NHNN-CSTT, tháng 4/2006 cho phép HSBC chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Mặc dù là một loại hoán đổi nhưng hoán đổi rủi ro tín dụng thực sự lại giống một chính sách bảo hiểm hơn. Tức một bên nắm giữ trái phiếu hoặc các khoản vay, định kỳ sẽ thanh toán cho bên kia. Trường hợp trái phiếu bị đánh giá thấp hay các khoản vay trên bị vỡ nợ, bên bảo hiểm ở đây là HSBC sẽ trả cho bên đối tác, khách hàng các khoản bù trừ lỗ.

Sản phẩm hoán đổi rủi ro tín dụng của HSBC Việt Nam chỉ gắn với rủi ro tín dụng của các loại trái phiếu do chính phủ hoặc các DN Việt Nam phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, các khoản vay dài hạn của DN Việt nam tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam. Khách hàng chuyển nhượng rủi ro tín dụng cho HSBC là các tổ chức tín dụng hoạt động  tại Việt Nam và bên nhận chuyển nhượng là các chi nhánh HSBC ở nứơc ngoài. Thời hạn của giao dịch không quá 5 năm. Khách hàng mua loại công cụ này cũng giống như thực hiện một khoản đầu tư gián tiếp. Việc tiếp cận với các công cụ này cho phép nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm những mức lợi nhuận cao hơn so với hoạt động tín dụng tiền gửi bình thường, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của các TCTD. Hơn nữa, việc sử dụng các công cụ mới này còn góp phần nâng cao mức độ tín nhiệm của chính phủ và các DN Việt Nam khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Quyền chọn ngoại tệ, lãi suất và vàng dường như là những công cụ phái sinh được thị trường hoan nghênh và đón nhận nhiều nhất do những ưu điểm vốn có của nó trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá và giá vàng luôn ở trạng thái tăng liên tục. Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng đầu tiên được phép thực hiện giao dịch quyền chọn lãi suất. Các giao dịch quyền chọn lãi suất được phép thực hiện đối với những khoản cho vay và đi vay trung hạn (dưới 5 năm) bằng USD hoặc bằng EURO và chỉ được thực hiện đối với các DN hoạt động tại VN, các NHTM hoạt động ở VN được NHNN cho phép và các NH ở nước ngoài. Sau BIDV là hàng loạt các NHTM khác, bao gồm cả NHTM cổ phần cũng được cho phép thực hiện nghiệp vụ này.

Bên cạnh quyền chọn lãi suất, quyền chọn ngoại tệ cũng được nhiều ngân hàng cung cấp, điển hình là BIDV, Eximbank, ACB, Techcombank, Agribank, Citibank, Vietcombank, ICB, và ngân hàng Hồng Kông bank chi nhánh thành phố HCM. Nguyên tắc chính của loại quyền chọn này là các DN và cá nhân được quyền đặt mua hay đặt bán USD với VNĐ thông qua một tỷ giá do khách hàng tự chọn, được gọi là tỷ giá thực hiện. Đặc biệt, quyền chọn USD và VNĐ đáp ứng cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu trong đó  quyền chọn mua áp dụng cho nhà nhập khẩu và quyền chọn bán áp dụng cho nhà xuất khẩu. Sau khi NHNN cho phép ACB, Sacombank và Agribank thực hiện quyền chọn mua bán vàng, ngày 10/12/2004 ACB là ngân hàng đầu tiên công bố triển khai dịch vụ này. Dịch vụ này được tung ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế giá vàng liên tục tăng, tuy nhiên cũng cần có thời gian để đo lường mức độ đón nhận của thị trường đối với công cụ. Tới nay, đã có rất nhiều ngân hàng được phép của Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện các nghiệp vụ Option. Đặc biệt, Ngân hàng nhà nước cũng đã cho phép thực hiện các Options tiền Đồng tại BIDV, ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, ngân hàng cổ phần thương mại quốc tế. Với nghiệp vụ này, chắc chắn tương lai sẽ được mở rộng bởi khi đó VND sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường tài chính thế giới. Vị thế của VND và Việt Nam cũng qua đó mà tăng lên. Tuy nhiên, vì đang trong giai đoạn thí điểm nên các ngân hàng này bị giới hạn bởi thời gian thực hiện. Nhìn chung, hoạt động này đang đem lại một cơ cấu sản phẩm hiện đại cho các ngân hàng trong điều kiện hội nhập. Hơn nữa, nhu cầu của khách hàng đối với các giao dịch Options đang có xu hướng tăng, do vậy ngân hàng nhà nước đã tiến hành gia hạn thí điểm hợp đồng các nghiệp vụ này.

Quyền chọn USD và VNĐ đáp ứng cho cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu trong đó  quyền chọn
money.jpg mua áp dụng cho nhà nhập khẩu và quyền chọn bán áp dụng cho nhà xuất khẩu. Sau khi NHNN cho phép ACB, Sacombank và Agribank thực hiện quyền chọn mua bán vàng, ngày 10/12/2004 ACB là ngân hàng đầu tiên công bố triển khai dịch vụ này. Dịch vụ này được tung ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế giá vàng liên tục tăng, tuy nhiên cũng cần có thời gian để đo lường mức độ đón nhận của thị trường đối với công cụ này.

Điểm lại nhưng mốc chính xuất hiện của các công cụ phái sinh ở VN, dễ nhận thấy rằng nó chưa được thị trường đón nhận như là công cụ không thể thiếu trong phòng ngừa rủi ro. Thực trạng đó đặt ra nhiều câu hỏi. Phải chăng các DN chưa thực sự có nhu cầu phòng chống rủi ro? Phải chăng khoảng cách giữa mong muốn phòng ngừa rủi ro của các DN và các công cụ phái sinh còn quá lớn? Phải chăng sự hiểu biết của các DN đối với các Công cụ phái sinh, từ đó là những chính sách sử dụng nó còn yếu kém? Phải chăng điều kiện kinh tế, đặc biệt là sự phát triển ở VN còn hạn chế? Phải chăng là việc hạch toán những nghiệp vụ ngoại bảng này còn nhiều bất cập khiến các ngân hàng còn nhiều lúng túng trong việc triển khai các dịch vụ phái sinh ? Phải chăng những quy định pháp lý hiện nay còn hạn chế sự hoạt động của các công cụ phái sinh?…..

5. Một số giải pháp vĩ mô

Nếu sử dụng sai mục đích và không được giám sát chặt chẽ, các công cụ phái sinh, từ chỗ là công cụ phòng chống rủi ro sẽ mang đến những mầm hoạ khôn lường cho nền kinh tế. Do vậy, để tránh điều đó, chúng ta cần xây dựng những trụ cột cơ bản đảm bảo việc triển khai các công cụ tài chính phái sinh được bền vững.

Thứ nhất : Quy định về giới hạn và giá mua

Quy định này nhằm khống chế các nhà đầu tư đưa ra  những mức giá quá cao hay quá thấp làm cho thị trường bị xáo trộn hay bị bóp méo. Nói cách khác, đây là những quy định nhằm kiểm soát (không ngăn cấm) các nhà đầu cơ tác động lên giá cả. Việc kết hợp các chiến lược phòng ngừa rủi ro trong các quyền chọn tiền tệ là rất phong phú, nó cho phép các DN Việt Nam kết hợp vừa phòng ngừa (tỷ giá) vừa tiến công khi có cơ hội (đặc biệt đối với các định chế muốn tìm kiếm lợi nhuận). Dĩ nhiện là mặt trái của quyền chọn là đầu cơ rất cao. Các nhà đầu cơ có thể đầu cơ giá lên hoặc đầu cơ giá xuống bằng các quyền chọn mua và bán.

Việc đầu cơ giá trên hợp đồng quyền chọn tiền tệ có thể làm cho tỷ giá biến động vượt ra khỏi biên độ dự kiến và do đó làm mất niềm tin của các DN và các nhà đầu tư vào hệ thống tỷ giá mà chúng ta đã hoạch định. Mặc dù vậy, vẫn chưa có những chứng cứ nào cho thấy việc đầu cơ vào các hợp đồng quyền chọn tiền tệ dẫn tới sự sụp đổ hoặc khủng hoảng tỷ giá ở các nước trên thế giới. Chế độ tỷ giá phụ thuộc chủ yếu vàọ sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế quốc gia. Trong
risk.jpgnhững năm qua, Việt Nam được đánh giá rất cao về chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, nỗi lo về tính bất ổn của tỷ giá khi mở rộng biên độ sẽ giảm đi rất nhiều. Chính vì thế, chúng ta có thể triển khai các quyền chọn có điều kiện phù hợp với điều kiện các nước như Việt Nam đã từng áp dụng và thành công.

Quyền chọn có điều kiện là một dạng quyền chọn lai tạp giữa các quyền chọn phức tạp ở các nước phát triển nhưng nó làm giảm nhẹ đi tính đầu cơ để tránh thua lỗ tối đa cho các nhà đầu tư và thậm chí các nhà đầu cơ có ham muốn sử dụng quyền chọn tiền tệ như một công cụ kiếm lời. Các quyền chọn tiền tệ có điều kiện đưa ra những quy định về các mức tỷ giá trần (tối đa) và sàn (tối thiểu). Nếu tỷ giá vượt quá các mức giá này thì quyền chọn sẽ không còn có giá trị. Những rào cản này sẽ làm nản lòng các nhà đầu cơ và do đó giảm đi đáng kể tính bất ổn do NHNN mở rộng biên độ dao động tỷ giá. Các khống chế nêu trên có thể áp dụng cho toàn bộ các hàng hoá và tài sản trên thị trường Việt Nam.

Thứ hai: Yêu cầu về vốn và thế chấp trong giao dịch công cụ tài chính phái sinh

Kể từ vụ sụp đổ của công ty Enron, các  nhà kinh tế đã bắt đầu thảo luận để đặt ra những qui định về thế chấp tài sản trên các hợp đồng phái sinh. Khi một công ty có những khó khăn về mặt tài chính hoặc thậm chí đang còn hoạt động rất tốt vẫn phải đưa ra những khoản thế chấp hay các mức duy trì đặt cọc cao để chắc chắn công công ty sẽ tuân thủ hợp đồng mỗi khi có những biến động cao trong giá. Mức duy trì có thể là một khoản tối thiểu mà khi tài khoản ký quỹ giảm xuống một mức nào đó, thì cách tham gia hợp đồng bổ sung vào.

Trong điều kiện Việt Nam, mức tài khoản ký quỹ và mức duy trì ắt phải là rất cao, có thể lên tới 30% hợp đồng (so với mức 5% trên các thị trường thế giới). Đối với các nhà môi giới trên các hợp đồng phái sinh yêu cầu đầu tiên là phải có đủ vốn, mặc dù họ chỉ là những ngân hàng hoặc các công ty không trực tiếp tham gia vào các giao dịch phái sinh. Yêu cầu về vốn rất quan trọng, vì chúng giúp cho hệ thống các ngân hàng Việt Nam giảm bớt những nguy cơ về động cơ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tránh tình trạng mất khả năng thanh toán của nhà môi giới.

Thứ ba : Yêu cầu bắt buộc về tái phòng ngừa rủi ro trên các thị trường quốc tế

Yêu cầu này nhằm khống chế và bắt buộc hệ thống ngân hàng thương mại trong nước không được gánh chịu những rủi ro từ người mua các hợp đồng quyền chọn hoặc kỳ hạn. Các ngân
val.jpg hàng chỉ là trung gian, đứng ra thu phí giữa người mua trong nước và sau đó đem bán lại trên thị trường thế giới.  Quy định này được áp dụng trong hầu hết các nứơc phát triển, nhưng trong điều kiện Việt Nam chúng ta bắt buộc các ngân hàng về các  giao dịch này còn hạn chế nhiều, đó là chưa kể đến những yếu kém về vốn trong hệ thống ngân hàng thương mại.

 Ngoài ra, Việt Nam cần xem xét và khẩn trương tham gia vào các thoả thuận giao dịch hoán đổi theo quy định quốc tế thì mới có đủ điều kiện có thể tham gia ký các hợp đồng tái bảo hiểm từ các giao dịch phái sinh trong nước.

Thứ tư : Yêu cầu mở cửa thị trường tự do cho tất cả các định chế triển khai các hợp đồng phái sinh

Mở cửa thị trường các công cụ tài chính phái sinh, để tránh tình trạng phổ biến hiện nay là chính phủ chỉ cho phép một số ngân hàng làm thí điểm. Có thể nói “thí điểm” hiện nay là một căn bệnh của các cơ quan  hoạch định chính sách. Trong những trường hợp như thế, giá trị hợp lý của các hợp đồng phái sinh sẽ chỉ là độc quyền của một số ngân hàng, và chắc chắn sẽ cao hơn trên thị trường thế giới. Tất cả những bóp méo giá trị các hợp đồng phái sinh sẽ đẩy sang phía người mua gánh chịu. Tác dụng ngược của các độc quyền là hoặc sẽ không tồn tại công cụ phòng ngừa rủi ro trên thực tế, do giá phí quá cao làm nản lòng các nhà đầu tư, hoặc là các nhà đầu tư sẽ càng chấp nhận mạo hiểm cùng tham gia canh bạc với cái giá phải trả rất cao với hy vọng gỡ gặc lại bằng cách hy vọng đầu cơ trên những thị trường bất đầu cơ trên không khí bất ổn của giá cả thị trường. Chính vì thế mà cần xem xét để tạo ra một thị trường tự do, để các định chế tài chính có đủ các điều kiện có thể cung cấp các sản phẩm phái sinh. Và dĩ nhiên đi liền với đó là thiết lập khung quản lý chung cho các định chế này.

Thứ năm: Yêu cầu về đăng ký và lập các Báo cáo tài chính

due4.jpgĐây là một chuẩn mực bắt buộc nhằm làm tăng tính minh bạch cho tất cả thành viên tham gia thị trường. Tất cả các thành viên tham gia thị trường phái sinh phải hiểu hết về nhau trước khi  tiến hành các giao dịch với nhau Chẳng hạn như một ngân hàng Việt nam đồng ý thực hiện một hợp đồng tương lai 1000 lượng vàng với người mua tương lai. Trong trường hợp này người mua tương lai cần phải có những thông tin rằng hiện nay ngân hàng Việt Nam hiện đang ký quỹ là bao nhiêu tại một ngân hàng nước ngoài để mua vàng thế giới bán lại cho ngươi từ trong nước. Nói cách khác, trong cuộc chơi này trong cuộc chơi này ai cũng phải có thông tin lẫn nhau, để cuộc chơi tăng thêm phần  minh bạch và có lợi cho thị trường giao dịch.

Thứ 6: Hoàn thiện những quy định tài chính kế toán liên quan, nâng cao tính thanh khoản của sản phẩm phái sinh

Hiện nay,  các công cụ phái sinh chưa có thị trường giao dịch chính. Các hợp đồng kỳ hạn và tương lai phải giao dịch trên có sàn nước ngoài như London hay NewYork. Còn lại là giao dịch qua quầy, nhiều bất lợi đối với tính thanh khoản cũng như các loại rủi ro tín dụng. Các hợp đồng quyền chọn và hoán đổi được giao dịch trên thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ. Nói chung, hiện tại chúng vẫn còn thiếu nhiều cơ chế tạo ra các hành lang đảm bảo các hoạt động được trôi chảy. Tuy nhiên, đi đôi với việc phát triển thị trường là việc nâng cao chất lượng hàng hoá cho thị trường. Hàng hoá ở đây chính là các công cụ tài chính phái sinh, từ  các công cụ thuần nhất tới các công cụ lai tạp. Và vấn đề không chỉ nằm ở chỗ đa dạng hoá các sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Cần chú ý tới chất lượng hàng hoá. Ở đây, chính là tính hợp pháp, tính thanh khoản, khả năng thích ứng với các loại rủi ro của các công cụ tài chính phái sinh. Do vậy cần hoàn thiện các đặc trưng kỹ thuật của các công cụ tài chính phái sinh, đáp ứng nhu cầu và mức độ phát triển của thị trường.

Đối với quyền chọn, các ngân hàng thương mại nên xác lập trong nội dung hợp đồng quyền chọn quyền được mua ngoại tệ khi DN không thực hiện quyền lựa chọn, do đối với các DN nhập khẩu của Việt Nam khi thực hiện hợp đồng quyền chọn ngoài ý nghĩa về phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái còn có nhu cầu cần đảm bảo có  đủ số lượng ngoại tệ để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu đến hạn.

Nhà nước nên hoàn chỉnh khung pháp lý  xác định rõ ràng nghiệp vụ giao dịch hợp đồng Options
images1253806_money.jpg là một nghiệp vụ kinh doanh tài chính mang tính chất phòng ngừa rủi ro hối đoái của các DN không thuộc các tổ chức tài chính tín dụng, bảo hiểm, kinh doanh. Trên cơ sở này, Bộ tài chính xác định phí giao dịch quyền chọn  là một khoản chi phí hợp lý, hợp lệ được tính vào chi phí khi tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.

Ngoài ra, đối với các Options chứng khoán, hiện nay chưa được áp dụng triển khai thì đây là thời điểm chín muồi để triển khai Options chứng khoán vì tốc độ phát triển thời gian qua khá nhanh, giá tăng – giảm đột biến, do đó nhu cầu về Options càng trở nên cấp bách. Nếu có công cụ Options, nhà đầu tư không bị hoảng loạn vì gần như họ đã mua “bảo hiểm” về giá cho các chứng khoán của mình.

Song song với việc triển khai các công cụ tài chính phái sinh thuần  nhất, nên có những tiếp cận đối với các sản phẩm lai tạp. Các sản phẩm quản trị rủi ro lãi suất, tỷ giá, giá cả và cả rủi ro tín dụng đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của thị trường tài sản cơ cở . Từ đó, sẽ là cơ sở có thể định giá các sản phẩm phái sinh hiệu quả nhất.

Trên đây là một số giải pháp mang tính vĩ mô,. Đó là những công việc mà nhà nước, chính phủ và các cơ quan liên quan cần có kế hoạch triển khai. Tuy nhiên, để thị tr ư ờng ngày càng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả thì cần những nỗ lực của tất cả các chủ thể kinh tế, các DN, các tổ chức tín dụng ngân hàng, những chủ thể cung cấp và sử dụng sản phẩm phái sinh. Và vấn đề cốt lõi chính là nhận thức của chính các chủ thể tham gia trực tiếp chứ không phải là các chủ thể quản lý.
                                                                                                                  Nguồn: saga.vn

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin