Có rất nhiều công thức được đưa ra về cách chi tiêu hợp lý để tiết kiệm mua nhà. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu như những gia đình trẻ không có sự hỗ trợ tài chính từ phía cha mẹ, người thân, họ không nên mạo hiểm mua nhà với khoản thu nhập chỉ đủ để trang trải sinh hoạt.
Mới đây, “bí quyết mua nhà” của anh Phạm Thanh Tùng (Hà Nội) được đăng trên diễn đàn xã hội đã nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt quan tâm và chia sẻ của cộng đồng mạng. Theo đó, 2 vợ chồng anh Tùng ra trường kết hôn và đi ở trọ. Với mức lương 8 triệu đồng/ tháng, sau 5 năm đã tích cóp được gần 200 triệu đồng.
Đến một ngày, bố vợ bán đất ở quê cho 2 vợ chồng chục tỷ để mua nhà mua xe… Bí quyết đặc biệt của anh Tùng đã nhận được được bình luận của nhiều bạn trẻ xoay quanh câu chuyện mua nhà hiện nay.
Thực tế câu chuyện của anh Phạm Thanh Tùng không phải là trường hợp hiếm hoi, khi sử dụng nguồn lực tài chính hỗ trợ từ chính bố mẹ và người thân. Với hầu hết người trẻ tự thân vận động, lên thành phố lập nghiệp, khởi điểm đi làm với mức lương 8 triệu-10 triệu đồng, để tích lũy một khoản tiền lớn mua nhà không phải là điều dễ dàng. Thế nên, muốn sở hữu một chốn an cư giữa thành phố đắt đỏ, họ đều phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ, người thân.
Câu chuyện của chị Trịnh Mây là một ví dụ. Đến từ Hải Dương, 2 năm sau kết hôn, chị Mây và chồng mới mua được căn hộ trên đường Tố Hữu (Hà Đông) với mức giá hơn 2 tỷ đồng. “Mọi người ban đầu còn ngưỡng mộ chúng tôi khi trẻ tuổi mua được nhà nhưng thực tế, bố mẹ chồng đã cho tôi 1 tỷ. Bố mẹ tôi góp vốn 200 triệu đồng. Chúng tôi vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng mới có thể mua được căn nhà hơn 2 tỷ. Nếu không có bố mẹ hỗ trợ, chẳng biết đến khi nào chúng tôi mới mua được nhà”.
Chị Mây cho biết thêm, vợ chồng chị đều có mức lương 20-25 triệu đồng/ mỗi người. Nhưng sau 2 năm tích cóp, gia đình chị mới có thể để dành được 400 triệu đồng.
“Đó là cả 2 vợ chồng đều rất tiết kiệm mới có thể để được 400 triệu đồng. Bạn nghĩ xem tổng thu nhập được 40-50 triệu đồng ở Hà Nội thì sẽ chi tiêu như thế nào cho gia đình trẻ với em bé mới được sinh ra. Kết hôn xong còn đồng nghĩa với chi phí gia tăng như hiếu hỉ nội ngoại, bạn bè…” chị Mây nói.
Trước những tấm gương mua nhà bằng thu nhập ít ỏi, chị Mây thẳng thắn cho rằng: “Người ta thường chia sẻ kinh nghiệm mua nhà với mức thu nhập rất, rất thấp. Nhưng nói thật, đó là chỉ là câu chuyện “làm màu”. Mọi người nên nhìn vào thực tế. Mình chỉ tính như gia đình mình, mỗi tháng tiết kiệm khoảng 18 triệu đồng. Sau 2 năm, tổng tài sản tiết kiệm là 400 triệu đồng nhưng phải chi tiêu rất tiết kiệm. Vì thực tế có rất nhiều khoản phát sinh mà bạn không thể dự trù như con ốm, hay người thân ốm… Không ai có thể sống bằng cơm, mắm để mua nhà Hà Nội.”
Anh T.H một sống tại chung cư Hoài Đức đến giờ đây kể lại vẫn không xóa được cảm giác sợ hãi về quyết định liều lĩnh 5 năm trước. Năm 2015, anh và vợ chỉ có trong tay 50 triệu đồng đã quyết định mang toàn bộ số tiền đi đặt cọc nhà. Nếu nhìn phần ngọn, câu chuyện của 2 vợ chồng trẻ mua nhà với 50 triệu đồng sẽ khiến nhiều người thán phục.
Anh H. từng phải sống trong giai đoạn khốn khó vì quyết định liều lĩnh mua nhà. (Ảnh minh hoạ)
Nhưng thực tế, anh H. cho biết, hơn 5 năm trước, căn hộ vợ chồng anh mua thấp nhất đã có mức giá 950 triệu đồng cùng lãi suất cho vay chỉ 5%/năm bằng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai vợ chồng anh rơi vào tình cảnh “đâm sấp dập ngửa” xoay tiền, sống trong cảnh khó khăn.
“Yêu cầu đầu tiên để được mua nhà rồi vay ngân hàng là buộc phải có ít nhất 30% giá trị căn hộ, tức tương đương khoảng 300 triệu đồng. Năm đó, để kịp thời gian đóng tiền đúng tiến độ và ký hợp đồng mua bán (thông thường thời gian đặt cọc và ký hợp đồng mua bán kéo dài 1 tháng), vợ chồng tôi phải xoay xở gấp 250 triệu đồng để đủ nộp tiền khoản thời gian đầu.
Sau khoảng thời gian mua nhà, chúng tôi sống gần như “vật vờ” vì những khoản nợ. Cả hai vợ chồng ngoài làm công việc chính phải “nai lưng” ra làm đủ nghề để kiếm tiền. Chồng nhận dạy võ ngoài giờ. Vợ bán thêm rau. Con phải gửi về quê nhờ ông bà nuôi. 5 năm sau, chúng tôi còn không hiểu mình đã trải qua khoảng thời gian khủng khiếp đó như thế nào. May mắn là một số người thân trong gia đình xóa một phần nợ nên chúng tôi mới nhẹ gánh nặng tài chính. Thế nên, tôi nghĩ, rất khó để có chuyện tiền ít mua nhà tiền tỷ, mọi lý thuyết đều là phi thực tế”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không có một công thức chung để đảm bảo rằng, chỉ với mức thu nhập khiêm tốn có thể sở hữu căn nhà tiền tỷ. Trong khi đó, hiện nay, muốn sở hữu một căn nhà ở Hà Nội, mức giá đều trên 1 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia đến từ TP.HCM khuyến cáo, người trẻ không nên học tập theo công thức mua nhà mạo hiểm khi khoản tiền tích lũy chỉ chiếm tới 5-20% tổng giá trị căn hộ. “Trừ khi bạn xác định có khoản thu nhập đột biến từ kinh doanh, thì bạn mới có thể trả nợ ngân hàng. Còn nếu không, bạn vẫn phải cần dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ phía gia đình. Mạo hiểm sẽ mang tới rủi ro và áp lực tinh thần cho chính bạn. Khoản tiền an toàn nhất để vay mua nhà khi bạn có 70% giá trị căn hộ không phải trả lãi” – vị chuyên gia này nói.