TAND TP.HCM kêu gọi 5 bị cáo đang bị truy nã trong vụ án Vạn Thịnh Phát ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Ngày 19/2, TAND TP.HCM ban hành văn bản thông báo kêu gọi 5 bị cáo đang bị truy nã trong vụ án Vạn Thịnh Phát ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 16, Điều 61 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
5 bị cáo bị truy nã gồm: Nguyễn Lâm Anh Vũ (55 tuổi, cựu Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB), Trầm Thích Tồn (63 tuổi, cựu thành viên HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (51 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB).
“Trong trường hợp các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt”, thông báo nêu.
5 bị cáo đang trốn truy nã.
Từ ngày 5/3 – 29/4, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm các bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Chu Lập Cơ (68 tuổi) và 84 bị cáo khác trong vụ án.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội danh Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa do chánh tòa hình sự Phạm Lương Toản làm chủ tọa. Viện KSND tối cao phân công 10 kiểm sát viên thuộc Viện KSND tối cao và Viện KSND TP.HCM sẽ giữ quyền công tố tại tòa.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử 3 tội danh gồm: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và có 5 luật sư bào chữa gồm: Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh và Trương Thanh Đức.
Gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan.
HĐXX triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chia thành 5 nhóm gồm: nhóm các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người); các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền (1.153 người); các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người ); các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người).
Trong vụ án có bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bà Lan) quốc tịch Trung Quốc, nên tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch.
Ngoài ra, HĐXX triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chia thành 5 nhóm gồm: nhóm các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB; các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền; các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB; các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước và nhóm người liên quan khác.
Trong vụ án có bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) quốc tịch Trung Quốc, nên tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch.
Bị cáo Trương Mỹ Lan thời điểm bị bắt.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao ban hành, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – bị truy tố 3 tội danh gồm: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cáo buộc, bị can Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, song lại là người lũng đoạn, chi phối loạt lãnh đạo ngân hàng này để họ giúp sức rút ruột hơn 304.000 tỷ đồng.
Cáo trạng của VKSND tối cao nêu rõ, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85 – 91,5% cổ phần SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có “quyền lực” để chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.
Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.
Trong đó, VKSND tối cao xác định nhiều hành vi được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.