Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM chính thức thành lập ngày 27/1/1995 và chính thức ra mắt ngày 6/2/1996. Mặc dù đang dần rõ dáng của một đô thị đại học, nhưng Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn còn nhiều dãy nhà lụp xụp, nằm ngang dọc, xen lẫn các ngôi trường.
Sau 20 năm hình thành và đầu tư ồ ạt, Khu Đô thị đại học quốc gia TP.HCM hiện nay ra sao?
Quy hoạch của đại học này được hình thành từ quy hoạch Làng đại học Thủ Đức do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và bắt đầu xây dựng từ những năm 1960. ĐHQG TP.HCM được xây dựng trên diện tích 643,7ha thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương).
Hiện tại ĐHQG TP.HCM có 7 đơn vị thành viên: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế – Luật và Viện Môi trường – tài nguyên. Ngoài ra còn có 26 đơn vị trực thuộc, với khoảng 55.000 sinh viên đang theo học. Trong khu ĐHQG TP.HCM hiện tại có thêm trường ĐH Thể dục thể thao nằm xen giữa và Trường ĐH An ninh nằm liền kề.
Từ nhiều năm nay, lãnh đạo ĐHQG TP.HCM cùng với lãnh đạo chính quyền các địa phương đã tìm nhiều giải pháp để giải tỏa các khu dân cư tạm bợ nằm bên trong để trả lại không gian cho học đường. Nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Hiện, trong khu vực này, các tòa nhà thấp trong khuôn viên của ĐH Khoa học tự nhiên đã có từ thời Làng đại học Thủ Đức.
Khu đại học Bách Khoa với nhiều tòa nhà ký tú xá được đầu tư khá hiện đại, nơi này còn có một trung tâm thể thao trong nhà hiện đại chuẩn quốc gia.
Hiện nay vẫn còn hơn 100 hộ dân vẫn chưa chịu di dời bàn giao mặt bằng cho ban quản lý khu đại học.
Ký túc xá khu A cũng nằm gần tuyến metro số 1. Khu này được xây dựng từ năm 2000, đến nay có 24 tòa nhà 5 tầng với sức chứa 12.000 chỗ ở cho sinh viên.
Xen kẽ nhiều tòa nhà cao tầng thuộc khu đô thị đại học là những ngôi nhà lụp xụp của người dân.
Nhìn từ tòa nhà điều hành, sau hơn 20 năm hình thành, ĐHQG TP HCM dần hiện rõ hình ảnh một khu đô thị đại học.
Mới đây, UBND TP.HCM đã giao UBND quận Thủ Đức phối hợp với các sở-ngành liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc được giao chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM rà soát, nghiên cứu Đề án quy hoạch khu Đông Bắc TP (các quận 2, 9, Thủ Đức), Khu Công nghệ cao và Đại học quốc gia TP.HCM thành Khu đô thị sáng tạo, kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ.
Mục tiêu nhằm hướng đến mục tiêu khu đô thị sáng tạo trở thành hạt nhân của TP.HCM và khu vực thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
UBND Thành phố ra hạn phải báo cáo việc này trong tháng 12/2017.
Trước đó không lâu, Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương vay ODA khoảng 300 triệu USD từ tổ chức tài chính quốc tế để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách cho ba khu đô thị đại học gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Đà Nẵng.
Thủ tướng cũng đồng ý Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng được lập các dự án hợp tác công – tư (PPP) để xây dựng các công trình hạ tầng cần thiết trong khu đô thị đại học, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Thủ tướng lưu ý ba trường cần rà soát lại ngay các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất để điều chỉnh, cập nhật quy hoạch phù hợp với mục tiêu phát triển và tình hình thực tế; tập trung nguồn lực để hoàn thành dứt điểm thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Hạ tầng giao thông xung quanh Khu đô thị đại học quốc gia đã và đang được đầu tư khá khép kín.
Ngay cạnh khu đô thị đại học này là dự án Bến xe miền Đông mới và nhà ga trung tâm tuyến metro số 1 đang được xây dựng.
Song song đó, các tuyến đường giao thông, hầm chui kết nối khu đại học với khu công nghệ cao TP.HCM cũng được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.