Bao lâu nay mì chính vẫn bị ‘mang tiếng ác’ vì bị cho rằng có thể gây hại cho sức khỏe người ăn, điển hình như gây đau đầu, cứng cổ, buồn nôn. Vậy sự thật của tin đồn này như thế nào?
Với nhiều gia đình Việt Nam, mì chính có lẽ là loại gia vị vô cùng quen thuộc. Có tác dụng điều vị cho món ăn, làm hài hòa hương vị tổng thể của thực phẩm. Tuy nhiên, bao lâu nay mì chính vẫn bị “mang tiếng ác” vì bị cho rằng có thể gây hại cho sức khỏe người ăn, điển hình như gây đau đầu, cứng cổ, buồn nôn…
Vậy sự thật của tin đồn này như thế nào? Và chúng ta nên tiêu thụ mì chính ra sao để không gây hại cho sức khỏe? Tất cả sẽ được chuyên gia giải đáp ngay sau đây.
Giải oan cho lời đồn “mì chính gây buồn nôn, chóng mặt”
ThS. BS. Nguyễn Thị Mai Nhiên (Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Y tế công cộng) cho hay: Mì chính có tên khoa học là monosodium glutamate. Bản chất của mì chính gồm natri và glutamate.
Trong đó, natri vốn là một thành phần vô cùng quen thuộc trong muối ăn. Còn glutamate là một trong hơn 20 loại axit amin phổ biến trong tự nhiên. Do đó, mì chính là loại bột ngọt được sử dụng để nêm nếm thực phẩm an toàn.
“Theo báo cáo của Hiệp hội sinh học thực nghiệm Mỹ năm 1995, ủy quyền cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) kết luận bột ngọt an toàn khi sử dụng ở hàm lượng thông thường”, ThS. BS. Nguyễn Thị Mai Nhiên cho hay.
Bàn về thông tin cho rằng nhiều người cứ ăn mì chính lại cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, BS Nhiên cho rằng: “Điều này được gọi là hội chứng MSG (hội chứng nhà hàng Trung Quốc). Xuất phát do có nhiều người nghi ngờ các triệu chứng đau đầu, buồn nôn sau khi ăn tại 1 nhà hàng Trung Quốc. Đồng thời, họ nghi ngờ do tác dụng phụ của mì chính. Nhưng đến nay, chưa có một cơ sở khoa học nào chứng minh được điều này là đúng”.
Vị chuyên gia cũng nói thêm rằng: “Glutamate trong mì chính là một chất có độc tính rất thấp. Với mức độ tồn tại tự nhiên của glutamate trong thực phẩm cũng như trong mì chính với lượng sử dụng thông thường thì sẽ không gây độc hại cho cơ thể”.
GS.TS Nguyễn Văn Khôi (Viện Hóa học Việt Nam) cũng cho hay: Mì chính từ năm 2001 đã được Bộ Y tế cho vào “Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”. Do đó không có lý gì lại là chất gây độc hại cho cơ thể. Tuy nhiên, ông Khôi cũng cho rằng không nên quá lạm dụng loại gia vị này, chỉ dùng ở mức vừa phải.
Những người có cơ địa quá mẫn cảm nên hạn chế sử dụng mì chính. Việc quá mẫn cảm với mì chính thông thường như khi chúng ta ăn các loại gia vị hoặc thực phẩm khác và cũng có thể dẫn đến tình trạng gọi là say mì chính.
Mặc dù khoa học hiện nay khó lý giải tại sao một số người lại bị say mì chính như vậy nhưng theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện tượng say mì chính có thể là do cơ địa mẫn cảm của từng người.
Một nghiên cứu của Đại học Yeonsung và Kyung Hee ở Hàn Quốc, xuất bản năm 2014, đã tổng hợp lại các triệu chứng khó chịu mà mọi người báo cáo sau khi ăn mì chính. Theo đó, cảm giác phổ biến nhất mà họ gặp phải là khát nước, thấy buồn ngủ, bủn rủn chân tay, đau đầu và cảm thấy nôn nao như bị ốm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài ra còn có thể do yếu tố tâm lý ở người sử dụng sau khi nghe nhiều thông tin không hay về bột ngọt, nên sau khi sử dụng họ cho rằng bản thân có cảm giác đau đầu, buồn nôn, cứng cổ. Trong trường hợp này, mọi người có thể giảm bớt lượng mì chính thường dùng hoặc có thể từ chối sử dụng.
Lời khuyên để sử dụng mì chính một cách an toàn nhất
1. Không cho mì chính vào các thực phẩm có vị chua
Các món ăn có vị chua thường có tính axit cao, nếu cho thêm mì chính sẽ dễ làm thay đổi thành phần trong mì chính.
2. Người bị hen suyễn, nhạy cảm không nên ăn mì chính
Một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins cho thấy bột ngọt có thể gây ra bệnh hen suyễn ở một số cá nhân. Một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins cho thấy bột ngọt có thể gây ra bệnh hen suyễn ở một số cá nhân. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy người mẫn cảm với mì chính nên tránh ăn loại gia vị này sẽ tốt hơn.
3. Người bị bệnh tiểu đường không nên ăn mì chính
Những người có tiền sử đái tháo đường nếu ăn nhiều mì chính làm cho lượng đường huyết tăng, dễ mắc bệnh đái tháo đường hơn. Nó còn là thủ phạm tăng đồng thời 3 căn bệnh nan y là kháng insulin, thừa cân và bệnh chuyển hóa.
4. Thận trọng khi lựa chọn mì chính
Người tiêu dùng nên mua mì chính tại các địa chỉ uy tín để tránh mua hàng giả.
5. Không nêm mì chính khi đang đun sôi
Khi món ăn còn quá nóng hoặc đang sôi ở nhiệt độ cao hơn 100 độ C, các bà nội trợ không nên thêm mì chính vào thức ăn vì như vậy món ăn sẽ không chỉ mất đi hương vị mà còn dễ biến chất.